Nẻo thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Má bàn thôi không xuống giống vụ bông tết năm nay, dịch bệnh vây bốn phía tâm trạng đâu hoa với hòe, lại thêm tiền bạc cũng ngặt chắc chẳng ai muốn sắm sửa. Hoài đâu chịu, công chuyện mình nào giờ bỏ ngang hông kỳ cục, như mọi năm trồng chục ngàn chậu thì nay hai, ba ngàn cũng được, kiểu bông nền giá vừa phải, tết mà, có chút sắc màu cho ấm. “Phải giữ mối nữa, má ơi”. Má hấp háy mắt, “Có mỗi một mối không chịu giữ, tính chuyện gì đâu”. Hoài cười khì, nói thôi mối mai gì, con ở với má hết đời luôn.

 Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ


Mảnh vườn hơn ngàn mét vuông má con Hoài thuê, ngày thường chỉ trồng rau, tới chừng tháng Mười âm lịch mới tất bật vụ bông, lớp mào gà, phong lữ thảo, lớp dừa cạn, vạn thọ, thêm thu hải đường, cúc bảy màu. Lâu rồi, không nhớ năm hay bảy năm, cứ cuối tuần Nhân lại xăng xái trong đây, phụ kiểm tra nhà lưới, cầm cuốc xới đất, chất cần xé rau lên xe chạy tới chợ đầu mối giao, xốc vác mấy bao bánh dầu đem ngâm. Hoài rất ngạc nhiên. Những lần đầu cô ngớ ra, thắc mắc bộ má thuê ổng hả, mình đã ổn định đâu, lấy chi trả lương người ta. Không có, hắn ưng lại phụ vậy thôi.

Năm đó, đánh liều đổ dồn vốn liếng trồng hoa ly vàng năm tai, rốt cuộc có bao nhiêu thua hết bấy nhiêu. Thời tiết ngày càng ẩm ương, chưa khi nào trùm lên thành phố mà Hoài biết là mức nhiệt độ xuống dưới mười lăm. Giống hoa khoe sắc nhờ nắng ấm, trúng mùa lạnh tê tái không thèm nở đúng Chạp, nhè dở dang mùng Sáu tới mùng Mười tháng Giêng mới bung, chỉ có chết nhà nông. Ngồi thẫn thờ giữa mênh mông vàng rực, Hoài ngửi thấy mùi đắng chát, ước người ta chịu bưng về chưng giùm, trả hai ba chục mười cành hoặc không đồng nào cũng chịu luôn, chớ hơn hai tháng trời ăn nằm với nó, giờ phải đạp lên cho nát thiệt quá sức. Nhân nói Hoài để tôi phụ, được chừng nào hay chừng đó. Nhân là dân xây dựng nhà phố, bạn bè, khách quen nhiều, nhẫn nại gọi chỗ này, nhắn chỗ kia mấy hồi cũng vớt vát được một phần thiệt hại. Thấy Nhân bơ hơ bải hoải, mồ hôi mồ kê bệt dính lưng áo, Hoài hỏi ai biểu không biết, chuyện nhà tôi mà. Nhân gãi đầu, thì có sao đâu, tự tôi muốn vậy, rồi còn tình thiệt, “Hoài có trồng nữa, tôi phụ bán, đừng lo”. Hoài kêu trời, thôi đừng cà rỡn, tôi sợ trối chết rồi.

Từ mùa hè dịch giã hoành hành căng thẳng, các công trình xây dựng phải tạm ngưng tới mấy tháng, đúng ra mọi hoạt động đều vậy khi con người bị buộc ở yên một chỗ. Nhân đăng ký làm tình nguyện viên chuyên chở thực phẩm tới các bệnh viện dã chiến và khu vực bị phong tỏa phòng dịch. Vườn nhà ngút xanh rau trái, hai má con cắt gửi các nhóm thiện nguyện tỏa ra khắp nơi. Chợ lớn chợ nhỏ, hàng quán đóng cửa đồng loạt thì bán cho ai chỉ là cái lý bề ngoài khi nhiều người ái ngại cho kinh tế của má con Hoài, kỳ thực, vài siêu thị và cửa hàng bách hóa có đặt vấn đề thu mua. Mấy xóm lao động quanh cầu Gò này đã cưu mang má con Hoài từ những ngày đầu tiên má chân ướt chân ráo lặn lội tha phương cầu thực, đâu có ngờ dịch bệnh quật ngang, bao nhiêu nhà lâm cảnh đói như chưa từng hôm qua phồn hoa. “Tiền bạc sau này kiếm, sống đã, cùng nhau”, má dặn vậy, biểu đừng tiếc chi mảnh vườn, cứ cắt cho hết rồi mình vun lại.

Nhân ghé thường xuyên hơn, hết lớp rau này, anh phụ gieo hạt giống lớp sau. Ngày qua ngày sự hiện diện của Nhân trở nên quen thuộc. Nhưng Nhân ngược xuôi riết, Hoài đâm lo. Nhà anh chỉ có hai ba con, lỡ đâu giữa chặng đường thiện nguyện đó Nhân gặp chuyện chẳng lành. Chính ba Nhân gọi điện an ủi Hoài, mấy con vi rút vô hình biết đâu mà tránh, hắn còn trẻ khỏe thì ra giúp bà con chớ ngồi ru rú chi, rồi ông tếu táo bác biểu sẵn đây ráng lục lọi kiếm mối nào ưng đi, nghĩ giận thiệt chớ, có đứa con trai hơn ba chục tuổi đầu không ai thèm rước. Hoài phì cười, bác lo làm chi, Nhân có nhiều người thương mà. Ông già cắc cớ, “Có ai đâu, bây chỉ coi, tau chạy lẹ qua hỏi cưới liền”.

Chuyện cứ vậy, dông dài, chắc không đi tới đâu, xóm xì xầm, tại vì Hoài lảng tránh, không rõ ghét hay thương, cái sự hờ hững dễ khiến lòng người mềm nhũn muốn buông. Ba Nhân xa gần mấy hồi rồi thôi, nghĩ không chừng con nhỏ chê nhà mình đơn chiếc, còn má Hoài vẫn miệt mài nói vô, bất chấp, “Thương má, bây lấy chồng đi”. Lần nào nghe Hoài cũng cúi mặt thiệt thấp, nghĩ biết chừng nào bù đắp được mất mát má phải chịu, thì đi đâu. Như ngầm hiểu nỗi lòng Hoài, má quở, “Con đã tròn đạo với má rồi, giờ là lúc sống cho mình”.

Tròn là tròn làm sao, má ơi.

Hoài về nhà vào một ngày mùa đông mưa lất phất không chịu ngừng. Bữa ấy má đi chợ sớm, phát hiện lọt thỏm trong cần xé rác trước cửa chợ là đứa trẻ được bọc tấm khăn vàng chành đã tím tái chừng như chỉ còn thoi thóp được quãng ngắn nữa ở nhân gian. Sau cả tháng xà quần tìm kiếm, đăng thông báo trên mấy cột tin ngắn của các tờ báo ra hàng ngày, đại diện nhà chức trách lắc đầu, “Có lẽ người ta bỏ đứa nhỏ thiệt rồi”, giờ chị tính sao, hay tụi tôi làm thủ tục đưa bé vô viện mồ côi. Má sửng sốt, hỏi gì khó dữ mấy anh, phải chi không biết không hay, đằng này đã ôm đứa nhỏ vô lòng rồi, đã tới lui chỗ này xóm kia xin sữa cho nó bú nhờ rồi, đã tắm táp ôm ấp vỗ về giấc ngủ rồi, giờ biểu tôi tính là tính làm sao. Thì vậy đó, chị nuôi được tốt quá.

Má nhận Hoài cũng đồng nghĩa nhận thêm những cú giật chỏ không khoan nhượng của chồng. Ông bĩu môi đàn bà đèo bòng, đã nghèo còn bày đặt. Lại nữa, má làm dâu bảy năm, chỉ sinh được đứa con gái, là chị Hiếu, trách nhiệm nối dõi tông đường bỏ đi đâu. Chưa biết chừng đứa nhỏ con ai nghe, thời này khó ngờ, sống chung nhà chắc gì đã hiểu nhau, có khi người ta ràng bụng thiệt chặt mình đâu hay. Thằng em tôi thiệt thà, lang bạt thân trâu ngựa kiếm tiền đem về, biết để nuôi con ai. Câu này là chị của chồng má chạy dài làng trên xóm dưới bỏ nhỏ. Rất lâu về sau, khi đã lớn lên, Hoài mới nghe mấy cô bạn chợ của má kể lại, “Tội nghiệp bả, họ xúc xiểm cách mấy cũng phải ngậm chặt miệng cho yên”.

Mà, nín nhịn cũng chẳng yên. Chồng má quảy túi bỏ đi một nước, người nói để kiếm thằng cu nối dõi, người bàn tán đã lên ngõ núi làm quặng hay đào vàng kiếm đường đổi đời, không biết đâu là đâu. Giữa phố xá nhà cao tầng mọc lên như nấm sau mưa, chỗ tá túc của mấy má con vẫn là vách lá, mái tôn mục vá víu. Chị Hiếu ham học, nhớ có đợt bão tràn tới quật tơi bời nóc nhà bay tứ tán, chị khóc bù lu bù loa, kêu kỳ này chắc không được tới lớp nữa Hoài ơi. Hoài nạt, làm gì ghê vậy, chị học đi, học cho thành bác sĩ như ước nguyện nghe, em ngu chữ nghĩa, chỉ mê cây, sẵn miếng đất bên kia bỏ trống để hỏi thuê làm vườn chơi.

Chị Hiếu hình như không coi Hoài là người ngoài, vẫn áy náy một suất đi học đã giành mất của em. Ra trường năm năm, chị lấy chồng là bác sĩ cùng viện, lại áy náy xót Hoài còn lẻ bóng, bao nhiêu tiền tích cóp đều dùng xây nhà mới cho má và em, còn hai vợ chồng mua căn chung cư trả góp, dặn chừng Hoài lấy chồng chị cho ít vốn làm ăn, đừng lăn tăn người ta giàu hay nghèo, miễn cầu tiến và thương em thiệt lòng. Hoài ôm chị, thầm cảm ơn người đã bỏ rơi mình, dù cả tuổi trẻ vẫn day đi day lại hỏi lòng sao có thể thảy đứa nhỏ trong rác.

Bọn Hoài đang lui cui xếp từng chậu bông lên kệ thì má đạp xe tới, rón rén như có lỗi, “Ổng đòi ra đây”. Hoài can, má dỗ ba ở nhà, chỗ này nắng nôi, bụi bặm. Trái ngược cô, Nhân sốt sắng chạy mua thêm cái dù lớn, nói để che cho mấy bà con, càng đông càng ấm mà, xí nữa ba tôi cũng ra chơi. Chợ hoa tết năm nay bị thẻo hết mấy phần, thay vì kéo dài theo trục đường từ cầu Gò tới cổng ủy ban phường, giờ chỉ là nhúm nhỏ dưới chân cầu. Không còn cảnh người xe lúc nhúc tới lui coi ngó, trả giá, suốt buổi sáng khách đếm được trên mấy đầu ngón tay. Má trấn an chắc cuối Chạp sẽ đông, rồi lầm lũi quay ghi đông. Hoài biết chỉ chút nữa, hai bóng nghiêng nghiêng một thấp một cao sẽ xuất hiện ngay trước mặt. Người thấp quắt queo trong chiếc xe lăn, và người cao thì lom khom đẩy phía sau, sẽ dửng dưng bước qua nếu có lần nào lọt vô tai âm thanh tặc lưỡi kiểu xót xa, “Trời, tội nghiệp bả chưa, thân tàn ma dại lại mò về”.

Thiệt ra, ba đâu có mò về, là người ta gọi, má tự nguyện tới đón đó chớ, tụi con đừng trách ổng quá, ba má già hết rồi, chuyện xưa quên đi, má tỉ tê cố dằn cơn tức bực của chị Hiếu. Chị nhếch miệng cười chua chát, sao không tìm tới chỗ “mấy thằng cu mới nở mày nở mặt với người ta”. Năm trước, nhân viên xã hội báo có chú này bị đột quỵ não tình trạng khá nghiêm trọng, tụi tôi tìm thấy trong cuốn sổ ghi chép cầm tay địa chỉ vợ con chỗ này. Má bật dậy, luýnh quýnh lao đi, đâu, chồng tôi ở đâu. Hoài muốn ngăn má, nhưng lại bước thụt lùi, trong rất nhiều khoảnh khắc, cô vẫn tin mọi sự xui rủi đắng cay của má đều do mình.

Ba về, má không còn giờ giấc nghỉ ngơi nữa, bà thức canh từng hơi thở nông sâu của chồng, canh lau mình mẩy ông khi nước mắt nước mũi với cả nước tiểu chảy lòng thòng và canh ánh mắt đùng đục nhìn mình đau xót kèm theo tiếng ú ớ, “Đó, thấy chưa, ổng thương cái nhà này chớ bộ”, má phấn khởi, làm như vừa nhận được đặc ân, cái cảnh khiến Hoài thương đứt ruột.

Xách mấy hộp sữa bột ghé qua, ba Nhân ngồi bệt dưới tán dù, miết thiệt nhẹ lên từng đường gân tay xanh rũ rượi của người đối diện, “Chà, mới mà hơn hai chục năm, anh về vầy thiệt tốt quá, sắp nhỏ lớn rồi, hay mình làm sui”. Nhìn thẳng vô mắt Hoài, ông trách, “Thấy hai đứa cù cưa bác rầu. Nội, ngoại cùng ở xóm này, bây sợ gì cách trở, muốn báo hiếu ba má có khó đâu con. Thôi, vầy đi, ưng nhau nói luôn ở đây một tiếng cho mấy thân già này mừng”. Bị bất ngờ, bối rối chưa biết xử sự sao thì Hoài nghe giọng chị Hiếu ngay sau lưng, “Bác cháu mình lo mần rạp là vừa in luôn, bác Bảy”. Giữa chộn rộn lòng người đó, một đôi tay gân guốc cố rướn lên quơ quào không khí. Hiểu ý, má kéo tay Nhân, Hoài đặt vào lòng tay ba, ông khẽ gật đầu, ánh mắt nhìn con thiệt lành.

Theo HUỲNH SA CHANG (QNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.