(GLO)- Tiếp tục góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban MTTQ tỉnh đã nhận được những ý kiến tâm huyết của các tổ chức, cá nhân, cụ thể:
- Khoản 1, Điều 83 đề nghị bổ sung cụm từ “và thảo luận với” và bỏ từ “cho”: “Tổ chức phát triển quỹ đất được UBND cấp tỉnh giao trách nhiệm bố trí tái định cư phải thông báo và thảo luận với từng hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất thuộc đối tượng phải di chuyển chỗ ở về dự kiến phương án bố trí tái định cư và niêm yết công khai phương án này tại trụ sở của đơn vị, trụ sở UBND cấp xã nơi có đất bị thu hồi và tại nơi tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bố trí tái định cư…”.
Quy định như vậy là thể hiện được tính dân chủ, có tính chất công bằng, ít ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân khi bố trí tái định cư, hạn chế đến mức thấp nhất việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp.
- Tại khoản 2, Điều 83 nên bỏ vế cuối cùng là: “Tạo điều kiện để các hộ được vào xem cụ thể khu tái định cư và thảo luận công khai về dự kiến bố trí các hộ gia đình, cá nhân vào tái định cư quy định tại khoản 1 Điều này”. Vì khoản 1, Điều 83 đã đề nghị bổ sung cụm từ “và thảo luận với”. Trong khi tổ chức thảo luận với từng hộ gia đình sẽ thỏa thuận, hài hòa được nhiều việc, tránh được những kẽ hở của pháp luật, bảo vệ được lợi ích chính đáng và hợp pháp của người đang sử dụng đất, khắc phục tình trạng thu hồi, cưỡng chế sai quy định.
- Điều 105 đề nghị quy định cụ thể từng đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; chẳng hạn như: đối tượng thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, hộ gia đình nghèo neo đơn...
- Khoản 3, Điều 113 đề nghị thêm ý “và có thể giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất thấp hơn giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định khi pháp luật khác quy định” vào cuối câu. Khoản này cần quy định cụ thể là: “Giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất không được thấp hơn giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định và có thể giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất thấp hơn giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định khi pháp luật khác quy định”.
- Khoản 1, Điều 124 đề nghị bổ sung quy định hạn mức giao đất trồng cây hàng năm tại khu vực Tây Nguyên lớn hơn 2 ha.
- Khoản 4, Điều 138 đề nghị thay cụm từ “nghiêm cấm” bằng cụm từ “hạn chế”, cụ thể là: “Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho những người sống ở nông thôn có chỗ ở trên cơ sở tận dụng đất trong những khu dân cư sẵn có, hạn chế việc mở rộng khu dân cư trên đất nông nghiệp; hạn chế việc xây dựng nhà ở ven các trục đường giao thông trái với quy hoạch khu dân cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.
- Khoản 1, Điều 194 đề nghị bổ sung thêm cụm từ “tự mình” vào trước cụm từ “phản ánh” và từ “hoặc” vào trước cụm từ “thông qua” thành “Công dân có quyền tự mình phản ánh các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai đến các cơ quan có thẩm quyền hoặc thông qua các tổ chức đại diện”.
- Khoản 2, Điều 196 đề nghị sửa đổi theo hướng: “Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì có quyền gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa án…”. Vì thực tiễn năng lực cán bộ hòa giải ở cấp xã còn rất hạn chế, không đáp ứng yêu cầu số lượng tranh chấp ngày càng tăng dẫn đến việc thực hiện mang tính chiếu lệ. Trong khi đó quy định này làm hạn chế quyền tự định đoạt của đương sự vì vụ việc hòa giải làm tốn kém nhiều thời gian của các bên, cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng việc hòa giải kết quả không thành mà còn mang nặng tính hình thức.
Điều 201 đề nghị viết gọn lại như sau: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật đất đai, thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
- Khoản 2, Điều 202 đề nghị chỉnh sửa lại như sau: “Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai xảy ra trên địa bàn và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi có vi phạm”.
Hoàng Cư (tổng hợp)