(GLO)- Qua tiếp thu và nhận thức bước đầu về nội dung bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cơ bản tôi tán thành cách đặt vấn đề và bố cục. Tuy nhiên còn nhiều điều khoản, từ ngữ, cách diễn đạt cụ thể, tôi đề nghị cũng cần nêu rõ thêm. Trước mắt tôi nêu một số ý kiến có tính chất trao đổi:
Tôi đồng tình một số điều luật trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 dùng cụm từ: “Mọi người” thay cho cụm từ “mọi công dân” vì nội dung điều chỉnh rộng hơn cho cả đối tượng chưa đủ quyền công dân, đối tượng bị hạn chế quyền công dân và cả cho người nước ngoài định cư tại Việt Nam.
Tại Điều 18 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung Điều 49 nêu: “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giao nộp cho nhà nước khác”, nếu quy định như vậy thì chưa rõ trong trường hợp một người có hai quốc tịch thì điều chỉnh như thế nào nếu giữa hai quốc gia chưa có hiệp định tư pháp song phương.
Một vấn đề nữa là tại Điều 19 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung Điều 75 nêu: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Việc hiến định này khẳng định thể chế nhà nước ta bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thể hiện tính cộng đồng và đoàn kết của dân tộc Việt Nam đối với mọi người Việt Nam dù định cư ở đâu...
Tuy nhiên, việc quy định này sẽ không rõ ràng trong trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được quyền tham gia bỏ phiếu bầu cử tại các cơ quan dân cử (ĐBQH, HĐND) các cấp hay không cũng cần nêu rõ? Theo chúng tôi Hiến pháp cần làm rõ nội dung điều luật này tránh sự hiểu lầm về các quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
T.H