(GLO)- Trong chuyến công tác tại Gia Lai mới đây, ông Phạm Ngọc Tiến- Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết: Mục tiêu của bình đẳng giới (BĐG) là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế-xã hội và phát triển nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề lớn nhất trong xã hội Việt Nam là vẫn còn định kiến về vai trò của phụ nữ trong gia đình cũng như trong xã hội. Về mặt văn bản pháp luật thì không có phân biệt gì giữa nam và nữ, song cơ hội để thực hiện bình đẳng ấy là rất ít.
Tỉnh ủy Gia Lai làm việc với Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ảnh: Đ.Y |
Ở Gia Lai, tuy tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp xã, cấp huyện đều tăng hàng năm, nhưng ở cấp tỉnh, cấp Trung ương còn giữ ở mức khiêm tốn. Nguyên nhân là do thiếu nguồn cán bộ nữ, nhất là cán bộ trẻ để giới thiệu bồi dưỡng trở thành nguồn cán bộ nữ tiềm năng.
Chính vì vậy, trong buổi làm việc với Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ, ông Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Gia Lai sẽ tiếp tục đổi mới nhận thức về công tác cán bộ nữ, xem đây là lực lượng quan trọng trong sự phát triển của xã hội, phải được bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm.
Cấp ủy các cấp, nhất là cấp cơ sở cần coi trọng quy hoạch cán bộ nữ để đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ cán bộ nữ thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Công tác quy hoạch cần triển khai đồng bộ, dân chủ, chặt chẽ, đúng nguyên tắc. Công tác tạo nguồn cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ dân tộc thiểu số được đặt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chung. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch và việc bố trí sử dụng cán bộ nữ.
Ảnh: Đinh Yến |
Năm 2012 là năm đầu tiên Gia Lai thực hiện Chiến lược quốc gia BĐG và nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương. Nhờ vậy đã tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của xã hội, thay đổi hành vi thực hiện BĐG; từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực còn bất bình đẳng. Theo đó, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đang tập trung triển khai 5 mục tiêu cơ bản về bình đẳng giới trong các lĩnh vực như: lao động-việc làm; giáo dục và đào tạo; chăm sóc sức khỏe; tham gia lãnh đạo quản lý và việc tăng cường năng lực hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Theo bà Trần Ngọc Chi- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, trong những năm qua, tỷ lệ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực vì sự tiến bộ phụ nữ các sở, ban ngành, hội, đoàn thể và các cấp được huấn luyện về kỹ năng hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ đạt 90%, tỷ lệ lãnh đạo các sở, ban ngành và các cấp được nâng cao nhận thức về BĐG đạt 95%, tỷ lệ các cơ quan, đơn vị và UBND cấp tỉnh, huyện bố trí ngân sách cho hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ đạt 100%.
Về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bà Đinh H’Nghĩa-Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho rằng: Một trong những mục tiêu cơ bản mà Sở Y tế đang triển khai đó là chăm sóc sức khỏe sinh sản cho cả hai giới, đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, lâu nay phần lớn nam giới vẫn cho rằng việc thực hiện tránh thai là của phụ nữ, còn nam giới mặc nhiên hưởng thụ mà ít chia sẻ cùng vợ. Vì vậy, tỉnh chủ trương tăng tỷ lệ cộng tác viên dân số ở nam giới.
Hiện nay, trong số 2.820 cộng tác viên dân số thì tỷ lệ là nam giới chiếm gần 40%. Đây cũng là lợi thế trong việc truyền thông bình đẳng giới và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản ở cả hai giới.
Để Chiến lược quốc gia về BĐG thực sự đi vào cuộc sống, các sở, ban ngành cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thường xuyên tổ chức các hội thảo, tập huấn để qua đó giúp chị em nhận thức hơn vai trò của mình mà không còn tự ti hay tự khép mình, đồng thời thể hiện đúng vai trò trong gia đình và trong xã hội…
Đinh Yến