Mưu sinh thời Covid-19: Đêm trên đỉnh Màng Ten

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bữa cơm giữa rừng đạm bạc thêm thiếu dưỡng chất bởi dịch bệnh Covid-19 khi đường rời núi bị chốt chặn. Những người mưu sinh chốn non cao đành tìm hái rau dại đắp đổi qua ngày.
 
Lũ trẻ ê a đánh vần con chữ trong đêm. Ảnh: Trang Thy
Lũ trẻ ê a đánh vần con chữ trong đêm. Ảnh: Trang Thy
Nghĩa tình vùng cao
Người HRê ở Quảng Ngãi vốn giàu lòng hiếu khách nhưng e dè tiếp xúc với người lạ khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát. Tôi cùng người bạn là trường hợp ngoại lệ khi được nhóm của anh Phạm Văn Héo (ở thôn Hố Sâu, xã Ba Khâm, H.Ba Tơ) niềm nở đón tiếp sau quãng đường dài vượt qua bao dốc cao.
Người bạn thì đã nhiều năm công tác, gắn bó với bản làng nên được họ tiếp đón như người thân đi xa trở về. Còn tôi, kẻ xa lạ nhưng cất công vượt qua những dốc cao lên đến lán trại họ trú ngụ trên đỉnh Màng Ten (khu vực giáp ranh giữa Đức Phổ và Ba Tơ, Quảng Ngãi) nên cũng được mọi người niềm nở đón chào.
Tiếng nói của người HRê vút cao như chim hót. Nụ cười rạng rỡ trên những gương mặt sạm đen vì nắng gió làm ấm lòng người đối diện. Trẻ thơ tíu tít nói cười, tung tăng chân sáo trên nền đất nâu lẫn sỏi đá cùng lá cây khô mục. Anh Héo nối ngọn đèn điện với chiếc bình ắc quy tích tụ từ pin năng lượng mặt trời. Ánh sáng vàng tỏa quanh khoảng rộng soi tỏ mặt người. Mọi người quây quần bên tấm lót đan bằng vỏ keo trải trên đất.
Anh Phạm Văn Đức đón can rượu tôi mang từ lò nấu trứ danh ở Đức Phổ rồi cẩn thận chiết sang chai. Bạn tôi bày cá ngừ và thịt heo nướng mang theo từ nhà. Nhiều người mang cơm cùng canh mì tôm nài ép chúng tôi “ăn trước khi uống chứ để say”.
Những người phụ nữ đón lấy chai rượu cùng ít mồi để “giải mỏi” sau ngày lao động mệt nhọc. Anh Héo đang uống thuốc trị bệnh nên không dùng rượu nhưng vẫn mắc võng cạnh bên chuyện trò. “Anh em tôi đi làm rừng ở nhiều nơi nên quen biết nhiều người lắm. Chúng tôi quen biết nhiều người ở quê anh, tình cảm gắn bó lắm. Vậy nên anh em lên đây phải sống thiệt tình với đồng bào...”, anh nhắn nhủ.
Bà Phạm Thị Trái chậm rãi rót rượu ra nắp can thay ly rồi ân cần mời khách phương xa. “Bà con đồng bào rất vui khi gặp người ở xa tới uống rượu thiệt tình. Khi ấy như là anh em, sướng khổ có nhau...”, bà bộc bạch.
 
Phụ nữ “giải mỏi” với rượu
Phụ nữ “giải mỏi” với rượu
Kham khổ vì Covid-19
Những đợt lên rừng cưa hạ và lột vỏ keo thuê dài ngày, đồng bào vùng cao thường mang lương thực, thực phẩm: gạo, mắm, muối, bột ngọt, cá kho mặn để ăn nhiều ngày, mì tôm cho vào nước sôi thay canh cùng ít cá khô. Bữa cơm hết sức đạm bạc bởi họ tiết kiệm tiền để lo cho gia đình, con cái ăn học. Dăm bảy bữa, có người rời núi mua thực phẩm cho cả nhóm bởi vượt qua những dốc cao lắm nỗi gian truân.
Khi TX.Đức Phổ và H.Ba Tơ phát hiện ca bệnh Covid-19, chính quyền lập nhiều chốt chặn nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Đường đến chợ và xóm làng bị chặn nên họ không thể mua hàng hóa khiến cuộc sống thêm khốn khó. Họ chia nhau những gói mì tôm cuối cùng để nấu canh cho qua bữa cơm đạm bạc. Sau giờ làm việc, họ quẩn quanh trong rừng tìm hái rau dại nấu cùng muối và bột ngọt. “Lúc đó chỉ có chút rau rừng nấu canh ăn với nước mắm. Cực lắm!”, bà Trái cho biết.
Keo bạt ngàn mang lại nguồn thu cho chủ rừng nhưng tàn phá môi trường sinh sống của nhiều loại động, thực vật. Sau 4 - 6 năm trồng mới, họ khai thác và đốt trụi rồi trồng mới. Những chu kỳ như thế cứ lặp lại làm suy kiệt nguồn nước ngầm, gây xói lở đất rừng vào mùa mưa lũ. Mưa ầm ào trong chốc lát, nước từ rừng tuôn ra khe suối rồi hòa vào sông đổ về hạ nguồn gây nên lũ lụt kinh hoàng. Sau vài ngày tạnh mưa, suối khe khô cạn trơ sỏi đá.
Mùa khô, rau rừng khan hiếm. Bữa ăn của mỗi gia đình hết sức kham khổ. Nhiều người lấy nước chan vào chén làm mềm những hạt cơm khô cứng.
“Chúng tôi rất tiết kiệm nhưng vẫn phải mua chút cá để kho mặn và mì tôm nấu canh ăn với cơm cho có sức còn làm. Những bữa không thể xuống núi mua được thứ gì ăn uống khổ lắm. Giờ tạm dừng chốt chặn đỡ khổ rồi. Trông hết dịch bệnh để được tự do làm ăn và mua bán”, chị Phạm Thị Biết tâm sự.
 
Đồng bào dân tộc HRê quây quần bên nhau trong đêm tối
Đồng bào dân tộc HRê quây quần bên nhau trong đêm tối
Ám ảnh đêm mưa gió
Đồng bào dân tộc thiểu số cưa hạ và lột vỏ keo thuê thường chọn vạt rừng xanh tốt nằm cạnh đường nhấp nhô hằn vết bánh xe chở gỗ dựng lán trại. Trú ngụ cạnh đường tiện cho việc đi lại, rừng cây xanh mát che nắng nóng như đổ lửa. Vị trí thuận lợi nhưng tiềm ẩn những rủi ro. Ấy là cây keo dễ bị bật gốc ngã đổ vào lán trại khi mưa gió. Anh Héo cùng nhiều người bao lần gồng mình trong giá lạnh, chống chọi với gió mưa nơi núi rừng.
Đang đêm, gió thổi mạnh kéo mây đen giăng kín bầu trời, che khuất trăng sao. Người lớn thét gọi nhau rời võng, con trẻ nơm nớp lo sợ. Rồi mưa như trút nước. Gió ầm ào như sơn thần gầm gừ đe dọa. Mặc cho mưa quất vào da thịt rát buốt, họ ghì những sợi dây vào thân gỗ giữ cho lán trại khỏi bay theo gió cuốn, mắt luôn canh chừng cây ngã đổ. Mưa tạnh, họ cùng nhau gia cố lán trại, vỗ về con thơ chìm vào giấc ngủ rồi đốt lửa sưởi ấm chờ trời sáng.
“Mấy anh lên đây đêm nay gió nhẹ nên đỡ muỗi cắn. Nếu có gió mạnh kèm với mưa thì khổ lắm, sợ cây ngã đập trúng người. Biết có thể gặp nguy hiểm nhưng chúng tôi không thể dựng lán trại trên khu đất trống vì không có bóng cây, nắng nóng không chịu nổi...”, anh Héo cho biết.
Anh Phạm Văn Thủy từng trải qua nhiều đêm mưa gió giữa rừng khuya, hiểm nguy cận kề. Anh luôn cảm thấy áy náy khi nhớ lại khung cảnh sau đêm mưa gần một năm về trước. Đợt ấy, anh nhận khai thác keo thuê và rủ nhiều người trong làng hăm hở lên rừng. Mọi người dựng lán trại dưới tán keo xanh hai bên đường vừa san ủi cho xe tải lên xuống chở gỗ. Bản tin thời tiết hôm ấy dự báo chỉ có mưa nhẹ khi cơn bão số 9 đang lởn vởn ngoài khơi xa.
Vì việc gia đình nên anh Thủy và anh Đức cưỡi xe máy vượt dốc núi trơn trượt về nhà vào chiều muộn. Tầm nửa đêm, chuông điện thoại reo liên hồi. Anh bấm máy và chợt nghe tiếng gió gào thét, cây ngã ào ào. Bên kia, giọng người bạn hốt hoảng báo tin “mưa gió lớn lắm”. Ruột anh nóng như lửa đốt, mở mắt nhìn lên trần nhà mong đêm chóng qua. Trời vừa hửng sáng, anh vội phóng xe máy đến chân núi rồi lội bộ qua những con dốc trơn nhẫy, đường lầy lội bùn đất.
Đến nơi, khung cảnh tan hoang bày ra trước mắt. Cây cối ngã rạp đè sập lán trại. Đường xe chở gỗ biến thành mương nước cuốn trôi những chiếc xe máy khá xa, bùn đất phủ lấp trông thật thảm hại. Những gương mặt còn vẻ hoảng sợ sau đêm mưa gió tơi bời. Họ rọi đèn pin tìm hốc đá hay lùm cây bụi ẩn nấp trong đêm lạnh. Hồi lâu, mọi người thu dọn đồ đạc rồi bước đi khó nhọc trên con đường bùn đất nhão nhét trở về nhà.
“May là đêm đó bão chưa vào và không có ai bị thương. Bà con không trách nhưng tôi áy náy lắm vì mình rủ họ đi làm mà về nhà vào lúc mưa gió như thế. Mấy anh may mắn nên lên rừng gặp đêm trời có trăng sao như thế này...”, anh Thủy tâm sự.
Đêm khuya. Mùi than tro từ những cánh rừng vừa đốt trụi để trồng lứa keo mới khi sa mưa giông nồng trong gió. Trăng hạ tuần lơ lửng lưng trời trải ánh sáng bàng bạc. Gần võng tôi nằm là những người đồng bào HRê chìm vào giấc ngủ sau ngày lao động nhọc nhằn, chẳng thể ngắm khung cảnh thiên nhiên huyền ảo.
(còn tiếp)
Theo Trang Thy (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.