Mùa vải trắng tay của nông dân Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm 2024, hầu hết nhà vườn Đắk Nông mất mùa vải, thậm chí nhiều vườn rộng cả ha nhưng không có một quả nào.

Gia đình chị Nguyễn Thị Minh, bon Păng Sim, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song có 2ha vải u hồng trồng thuần, trong đó 1ha cho thu hoạch. Năm 2023, vườn vải thu được khoảng 25 tấn quả nhưng vụ mùa năm 2024, vườn vải của gia đình chị Minh giảm sản lượng khoảng 80%, chỉ còn 20%.

Gia đình chị Nguyễn Thị Minh, bon Păng Sim, xã Trường Xuân (Đắk Song) mất mùa vải

Gia đình chị Nguyễn Thị Minh, bon Păng Sim, xã Trường Xuân (Đắk Song) mất mùa vải

Chị Minh cho biết, đây là năm thất bại nặng nề nhất của gia đình sau hơn 10 năm trồng vải. Vườn vải của gia đình trồng bằng giống tốt, chăm sóc đúng quy trình, sử dụng phân bón hợp lý nên chất lượng quả vải luôn đạt cao, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Quả vải Đắk Nông những năm trước được thị trường ghi nhận đạt chất lượng cao

Quả vải Đắk Nông những năm trước được thị trường ghi nhận đạt chất lượng cao

Chị Minh cho rằng, nguyên nhân mất mùa là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thời tiết thay đổi quá thất thường, đặc biệt là giai đoạn vườn vải ra hoa, đậu quả. Bởi theo chị Minh cùng với kỹ thuật ức chế ra hoa như cắt tỉa cành, cắt khoanh vỏ gốc cây thì nhiệt độ là vô cùng quan trọng. Cụ thể, đối với vải u hồng, nhiệt độ từ 15-17 độ C mới phù hợp cho cây ra hoa. Thế nhưng giai đoạn cây ra hoa khoảng tháng 12/2023 đến tháng 1/2024 nhiệt độ cao hơn rất nhiều. Dù đã áp dụng các biện pháp để làm mát vườn nhưng vẫn không đạt hiệu quả.

Năm ngoái, 1ha của gia đình thu về 25 tấn quả. Với giá bán 25.000 đồng/kg, gia đình chị Minh thu về khoảng 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 250 triệu đồng. Năm nay, thương lái hỏi mua với giá 45.000 đồng/kg nhưng gia đình chị Minh không có bán. “Tháng 5 hàng năm là tháng gia đình thu tiền bán vải, gửi vải biếu bạn bè, người thân, ai cũng khen ngon. Nhưng năm nay, tay trắng, vải cũng không có mà ăn, mất mùa hoàn toàn vì thời tiết” - chị Minh chia sẻ.

Diện tích vải của người dân huyện Đắk Song có khoảng 20ha. Năm nay, bà con phản ánh tình trạng cây vải mất mùa do nắng nóng giai đoạn cây ra hoa, đậu quả.

Vườn vải của gia đình chị Trần Thị Loan, thôn 7, xã Đắk Ha (Đắk Glong) mất mùa

Vườn vải của gia đình chị Trần Thị Loan, thôn 7, xã Đắk Ha (Đắk Glong) mất mùa

Gia đình chị Trần Thị Loan, thôn 7, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong có trên 1ha vải trồng thuần và trồng xen với các loại cây ăn quả khác như bơ, sầu riêng. Năm 2023, hơn 100 cây vải đem về cho gia đình 100 triệu đồng. Nhưng năm nay, 100 cây chị không thu về được đồng nào mà còn lỗ hàng chục triệu đồng tiền thuê cắt tỉa cành, khoanh gốc, bón phân.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, năm 2023, nhiều vườn vải cho quả sai, hình thức đẹp, chất lượng tốt, mang lại thu nhập khá cho dân. Nhưng năm 2024 này, hầu hết các vườn vải ở Đắk Nông mất mùa, nông dân lỗ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, không thu hồi được vốn.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, vải không phải là cây trồng truyền thống của người dân Đắk Nông. Loại cây được các nhà nông trồng rải rác khoảng ít năm nay, với một số giống vải chính như u hồng, vải thiều. Do đó, phần lớn nhà nông còn ít kinh nghiệm, chưa áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật chăm sóc vải

Năm nay, vải ít quả là do ảnh hưởng của thời tiết bất thường, nhất là việc xuất hiện những cơn mưa trái mùa vào khoảng đầu năm âm lịch. Các cơn mưa vào đầu mùa khô, rồi sương muối, nên cây vải ra hoa nhiều đợt lẻ tẻ, không đồng đều, đậu quả ít, có những lứa hoa bị thối.

Cũng theo Sở NN-PNTN, tại Kế hoạch số 766 của UBND tỉnh Đắk Nông về phát triển ngành hàng cây ăn quả, rau chủ lực, thế mạnh của địa phương đến năm 2030, vải cùng với nhãn, chôm chôm được tỉnh đưa vào diện cây trồng phát triển chiến lược. Diện tích các loại cây này toàn tỉnh đến năm 2030 là 710ha, trong đó địa phương có diện tích lớn nhất là huyện Cư Jút 250ha, tiếp đến là 2 huyện Krông Nô, Đắk Glong, mỗi địa phương 100ha, còn lại là các địa phương khác.

Đắk Nông hình thành và phát triển các vùng sản xuất vải theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững gắn với chế biến. Tỉnh đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến hình thành các vùng sản xuất vải tập trung, sản lượng hàng hóa lớn; sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, có giá trị gia tăng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mùa vải trắng tay của nông dân Đắk Nông ảnh 4 Mùa vải trắng tay của nông dân Đắk Nông ảnh 5

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.