Mùa tam giác mạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cái rét đầu đông vừa phủ xuống cao nguyên phía Bắc, lập tức các vạt nương tam giác mạch tươi hồng tấp nập du khách chụp ảnh, ngắm hoa. Loài cây lương thực của đồng bào nghèo bỗng trở thành cơ hội tăng cao nguồn thu du lịch, giục các tỉnh lên kế hoạch chi tiết và chuẩn bị các kỹ năng đón đầu.
 

 Du khách say mê chụp ảnh giữa đồng hoa tam giác mạch. Ảnh: Hoàng Thiên Nga
Chủ nương hoa cắm bảng thu tiền ủng hộ của du khách. Ảnh: Hoàng Thiên Nga

Gió mùa chuyển sang tiết cuối thu đầu đông, các khách sạn, nhà nghỉ ở Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang đều báo hết phòng. Những nhóm phượt không chủ động trước phương tiện, cần thuê xe máy giá 200.000-250.000 đồng/xe/ngày đều phải chờ dài cổ. Nhiều nhà hàng, quán ăn dù đã tuyển dụng gấp thêm nhân viên có lúc vẫn xin lỗi vì đã vét tới cạn nồi trôi rế, mà chẳng còn gì để bưng ra phục vụ các nhóm du khách mải săn hoa đói đến ríu chân, xanh mặt. Hơn nữa, những vùng trồng nhiều tam giác mạch đều thuần nông, đồng bào chưa khéo kỹ năng phục vụ du khách tại nhà kiểu “home stay” khéo léo như các láng giềng năng động ở Sa Pa, Tam Đảo.

Tam giác mạch, loài đậu thân mềm từ xa xưa đồng bào vẫn trồng lấy hạt làm thức ăn dự trữ cho qua mùa giáp hạt hoặc để ủ men nấu rượu, sao phơi pha vào các thang thuốc Đông y, thân cây làm thức ăn cho gia súc. Những vạt hoa nhỏ li ti, trắng mịn hoặc phớt hồng dịu dàng trên những vạt nương rải rác giữa cao nguyên đá lô xô núi đèo hùng vĩ chưa bao giờ trở nên nổi tiếng đến như vậy, khi toàn cầu chưa nghiện chơi facebook, đi phượt và chụp ảnh selfie "tự sướng" như bây giờ. Lúc mới nở, cánh hoa chúm chím hình chóp nón ba mặt, ủ trong lòng một viên mạch bùi béo chỉ nhỉnh hơn hạt vừng. Vì năng suất thấp hơn bắp và lúa, bình quân chỉ thu được 1 tấn hạt/ha với giá 25-30 ngàn đồng/ký hạt, xét về giá trị nông sản thì không cao, diện tích trồng bị hạn chế, nếu như ngành du lịch không phát hiện ra vẻ đẹp của tam giác mạch cũng hút du khách chẳng khác gì các loài hoa đầy mật ngọt thu hút bướm, ong.

Vòng đời tam giác mạch chỉ khoảng một tháng. Khi mới nở, hoa trắng tinh, dần chuyển sang phớt hồng, ánh tím rồi đỏ thẫm. Ở Lào Cai, tam giác mạch được trồng nhiều ở các huyện phía bắc giáp với Hà Giang như Simacai, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương. Sang Cao Bằng. Tam giác mạch trắng chập chùng trên các vành nương uốn tròn ở Trà Lĩnh-Trùng Khánh. Tam giác mạch hồng tím đẹp rực rỡ khắp Hà Giang, du khách chen chân đông hơn cả ở những huyện vùng cao chập chùng núi đá hiểm trở như Hoàng Su Phì, Xín Mần, Phó Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Lũng Cú, Ma Lé, Đồng Văn… Nhiều nơi, chính quyền cho phép các chủ nương đặt thùng để du khách bỏ tiền “giẫm hoa” như thay lời xin lỗi người trồng, mỗi lượt khách 10 ngàn đồng. Ai có lòng cứ vui vẻ ủng hộ thêm bao nhiêu tùy ý.  

Chữa cháy bằng giải pháp tình thế, đôi bên cùng có lợi, các huyện đã tuyên truyền, vận động các hộ dân trong vùng cho khách ở trọ chung nhà, nấu cơm cho khách cùng ăn, tập làm home stay với giá 100 ngàn đồng/lượt người nghỉ qua đêm dù khâu phục vụ còn nhiều vụng về, bỡ ngỡ, vừa tăng thu nhập cho dân nghèo vừa ngăn bớt tình trạng dịch vụ chặt chém. Trong mái nhà nhỏ bên đường Lũng Cú nơi chúng tôi qua một trưa sắp ngả qua chiều, chị chủ nhà đã thơm thảo nhường cả nồi cơm nguội và mấy chiếc trứng chiên, bó rau chưa kịp luộc cho khách phương Nam vô bếp “tự xử”.

 

Mùa tam giác mạch ảnh 2

Du khách say mê chụp ảnh giữa đồng hoa tam giác mạch. Ảnh: Hoàng Thiên Nga

 

Mùa tam giác mạch sắp qua, các tỉnh trong vùng vẫn chưa kịp quy hoạch đưa hoa vào phát triển du lịch, dù có nơi đã bắt đầu triển khai chương trình nhà nước và nhân dân cùng gieo trồng. Mong năm sau trở lại, khi nhâm nhi vị rượu Bản Phố, Nậm Pung bên những nương hoa hồng thắm, du khách có dịp hiểu sâu hơn vị tam giác mạch nồng ấm đã tan ra sao trong từng giọt men nồng đặc sản này.

Sau hơn một giờ bay từ Hà Nội về Tây Nguyên, máy bay còn đang nghiêng cánh lượn vòng trước khi hạ cánh, đôi du khách Việt kiều vừa phượt khắp vùng tam giác mạch dọc biên giới phía Bắc ngồi bên tôi đã thích thú trầm trồ, thắc mắc về sắc hoa vàng lao xao bên dưới. Tôi chỉ kịp nói cho họ nghe đó là dã quỳ, cũng nở rộ vào đầu đông như tam giác mạch. Nhưng rất khác ở chỗ đây là loài hoa hoàn toàn hoang dã, hào phóng dâng đời sắc vàng lộng lẫy, tươi thắm viền khắp những con đường cao nguyên đất đỏ, chẳng đòi hỏi du khách phải trả lại bất cứ điều gì…

Hoàng Thiên Nga

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.