Mưa sao băng đẹp nhất 2023: Người Việt Nam ngắm bằng cách nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Làm sao để người yêu thiên văn Việt Nam ngắm mưa sao băng Perseids, một trong những trận mưa sao băng đang được mong chờ nhất 2023?

Những ngày qua, trên các diễn đàn yêu thiên văn Việt Nam liên tục chia sẻ thông tin về mưa sao băng Perseids, được xem là một trong những trận mưa sao băng lớn, nổi tiếng và đẹp nhất trong năm và có thể quan sát thuận lợi ở Việt Nam.

Nguồn gốc

Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), mưa sao băng Perseids (Anh Tiên) là một trong những màn trình diễn sao băng ấn tượng nhất năm luôn được săn đón. Các sao băng Perseids được tạo ra khi trái đất đi qua các mảnh vụn băng đá - là tàn dư của sao chổi Swift-Tuttle khi nó đến gần trái đất năm 1992.

Mưa sao băng Perseids là một trong những sự kiện thiên văn được mong chờ nhất trong năm. Ảnh: HUY HYUNH

Mưa sao băng Perseids là một trong những sự kiện thiên văn được mong chờ nhất trong năm. Ảnh: HUY HYUNH

Dẫn nguồn NASA, HAS thông tin mưa sao băng Perseids có cực đại vào ngày 12 - 13.8 hằng năm. Số lượng sao băng một giờ có thể lên tới 150 - 200 vệt vào những năm xuất hiện trận mưa sao băng này với điều kiện bầu trời không bị ảnh hưởng bởi ánh trăng (2016 là một ví dụ). Trung bình, bạn có thể chiêm ngưỡng 100 sao băng mỗi giờ vào thời gian cực đại của Perseids.

“Một thiên thạch Perseid thông thường di chuyển với tốc độ khoảng 200.000 km/h khi đi vào khí quyển trái đất (được gọi là sao băng). Hầu hết, các sao băng Perseid đều nhỏ nên không để lại tàn tích trên mặt đất, nếu có thì chúng được gọi là “vẫn thạch”. Các sao băng Perseids là vật thể nóng bỏng, lên đến hơn 1.650oC khi đi vào khí quyển trái đất, đồng thời nén và làm nóng không khí phía trước. Hầu hết các sao băng sẽ được nhìn thấy khi chúng cách mặt đất khoảng 97km”, HAS cho hay.

Sao chổi Swift-Tuttle

HAS cho biết sao chổi Swift-Tuttle được phát hiện độc lập bởi 2 nhà thiên văn học Lewis Swift và Horace Tuttle năm 1862. Lần cuối nó ghé thăm trái đất là năm 1992, tuy nhiên khá mờ nhạt khi quan sát bằng mắt thường. Lần ghé thăm tiếp theo vào năm 2126, có khả năng sẽ tỏa sáng như sao chổi Hale-Bopp năm 1997. Sao chổi Swift-Tuttle được biết đến là vật thể lớn nhất băng qua trái đất theo chu kỳ, nhân của nó rộng khoảng 26km.

Vị trí và thời gian quan sát

Mưa sao băng Perseids cực đại năm nay rơi vào đêm 12, rạng sáng 13.8 - đây là thời điểm cực kỳ lý tưởng để quan sát vì bầu trời không bị ảnh hưởng bởi ánh trăng. Bạn có thể quan sát từ đêm 12, sau khi chòm sao Perseus mọc ở hướng đông bắc.

Cực đỉnh, mưa sao băng Perseids có thể đạt 100 vệt trên giờ. Ảnh: HUY HYUNH

Cực đỉnh, mưa sao băng Perseids có thể đạt 100 vệt trên giờ. Ảnh: HUY HYUNH

Hội Thiên văn Hà Nội cho biết để tìm kiếm các sao băng Perseids, lý tưởng nhất là bắt đầu từ vị trí mà từ đó sao băng xuất hiện, gọi là “điểm phát”. Theo đó, điểm phát của mưa sao băng Perseids là từ chòm sao Perseus (Anh Tiên). Vì không dễ để tìm kiếm chòm sao này, nên bạn có thể dựa vào các chòm sao sáng và nổi bật hơn như Cassiopeia (Tiên Hậu).

Mặc dù mưa sao băng lấy tên từ chòm sao là điểm phát, nhưng chòm sao không phải nguồn phát của chúng. Cách tốt nhất để quan sát mưa sao băng Perseids là hãy chọn một không gian đủ tối, yên tĩnh và thoáng đãng. Bạn không cần sử dụng bất kì dụng cụ nào như kính thiên văn hay ống nhòm, chỉ cần chọn không gian lý tưởng và để mắt bạn thích nghi khoảng 30 phút trong bóng tối.

Mẹo quan sát mưa sao băng Perseids ở Việt Nam

Ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu Chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) cho biết cực đỉnh của mưa sao băng này năm nay rơi vào các ngày cuối tuần. Bên cạnh đó, điều kiện cực kỳ thuận lợi khi trăng, vốn là “kẻ thù” lớn nhất của mưa sao băng, đang ở trong những ngày cuối tuần trăng - nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến độ tối của bầu trời.

“Sau nửa đêm, chòm sao Anh Tiên sẽ cao dần dần theo thời gian từ chân trời đông bắc. Bạn có thể nằm ngửa quay mặt về phía đông bắc, quan sát bao quát từ chân trời lên đến đỉnh đầu là lời khuyên tốt nhất cho bạn”, ông Tuấn hướng dẫn.

Chỉ cần mắt thường cũng có thể quan sát được mưa sao băng nếu thời tiết thuận lợi. Ảnh: HUY HYUNH

Chỉ cần mắt thường cũng có thể quan sát được mưa sao băng nếu thời tiết thuận lợi. Ảnh: HUY HYUNH

Cũng theo ông Tuấn, sao băng nhìn thấy bằng mắt thường, bay vắt qua bầu trời khá nhanh, nếu sử dụng ống nhòm hay kính thiên văn chỉ làm giảm đi khả năng thấy được sao băng.

Bên cạnh đó, mây, mưa, mặt trăng và ô nhiễm ánh sáng là "kẻ thù" của sao băng. Do đó, khả năng quan sát sao băng ở các thành phố lớn gần như là 0. Chúng ta có thể về các vùng quê, nơi tối đèn để quan sát sao băng.

“Nếu bầu trời nhiều mây, không thấy được các sao thì khả năng quan sát được sao băng cũng rất thấp vì chỉ có những sao băng lớn (fireball) mới có đủ khả năng thấy được qua lớp mây mỏng”, cựu Chủ nhiệm HAAC nói thêm.

Có thể bạn quan tâm