Mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Câu chuyện thời tiết muôn đời vẫn thế mà sao lắm nỗi niềm! Phải chăng chính mưa đã ẩn chứa nỗi niềm hay lòng người trắc ẩn nỗi niềm cùng mưa? Có lẽ cả hai đều đúng. Thế mới nên truyền thuyết Thủy Tinh hàng năm hô mưa, gọi gió giành lại người yêu. Thế mới nên câu chuyện ngôn tình chim Ô Thước bắc cầu sông Ngân cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau.
Đầu mùa, những cơn mưa ầm ào nặng hạt trắng xóa không gian sau bao ngày khô rang khô rốc. Hạt mưa viên mãn no tròn, phóng đãng và dữ dội cùng gió giật, sấm vang, chớp lòa tung mình trên mái nhà, hàng cây, vườn hoang, bãi trống… Mưa tắm gội không gian. Mưa rửa trôi bụi bặm. Mưa thỏa khát mọi vật. Mưa đánh thức sự sống tiềm sinh, đem đến lời hẹn mùa màng bội thu. Đưa tay hứng mưa. Những giọt nước mát rượi no tròn thi nhau thả mình cho ước mơ cống hiến được toại thành dậy lên kỷ niệm ấu thơ thuở hồn nhiên cùng bạn bè cởi trần đuổi bắt dưới mưa. Trong làn mưa trắng xóa, nhớ hoạt cảnh cắm câu, đơm cá nước ngược. Lại thương nỗi bao đồng, những người đàn ông khiếm thị với bó chổi trên vai có kịp trú mưa; những gánh hàng rong trên phố, người bán vé số, em bé đánh giày… có bị ế ẩm? Liệu họ có đem nỗi buồn mưu sinh vào bữa cơm chiều cùng gia đình để sẻ chia nỗi niềm dù biết chẳng vui gì?
Ngày mở ra sau trận mưa rào tinh khôi, trong ngần. Có vẻ đẹp hiện trên gương mặt người nông dân với nụ cười mãn nguyện, trở nên hoạt ngôn, rôm rả chuyện làm đất, tra hạt; chuyện hạt giống nảy mầm; chuyện vườn cây thắm sắc lá, trĩu quả ngọt cùng nỗi lo giá cả khó đoán…
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Mưa dầm. Như thể Tây Nguyên là trung tâm dự báo thời tiết cho cả nước, trong khu vực và rộng hơn. Nơi đâu có bão, áp thấp thì ở đây mưa. Trời mưa như vắt cạn đến giọt nước cuối cùng. Những đợt mưa như thế làm mọi thứ sũng ướt, nẫu ra, rong rêu, mốc meo. Đến cả gian bếp nhà sàn cũng khó tìm được hơi ấm tỏa quanh, dù chí ít sau lớp tro tàn luôn có đốm than hồng giữ lửa. Mưa nhiều, người già cứ co ro lóng róng quanh quẩn trong nhà mà sinh bệnh, sinh ốm. Trẻ con không chạy nhảy được buồn chân, buồn tay tự dưng biết than trách, sao trời mưa mải miết! Nhà nông than khó, cây xơ cành xác lá, cỏ dại lên um, chăm bón, thu hoạch khó bề; vật nuôi chậm lớn, dịch bệnh dễ bùng phát mà chẳng biết cách nào. Người nơi xa đến, dễ cảm nhận bị tù túng vì mưa vây hãm chẳng buồn bước chân khỏi nhà rồi sinh chán, tìm cớ thoái chân…
Ngày mưa dầm trong không gian se lạnh, lòng gợi nỗi niềm xưa, thả hồn trôi theo vệt ký ức. Tôi tìm thấy gương mặt mình có dấu chân gầy guộc của mẹ cha giữa mưa phùn gió buốt nẻo đồng sâu, ruộng cạn lặn lội mưu sinh. Tôi tìm thấy dấu chân bùn đất của mình trên con đường quê ngày cắp sách rồi tự hỏi: Phải chăng gian khó đã trui rèn ý chí con người, cho con người sức bền chịu đựng để rồi biết kiềm chế cảm xúc khi vui, lúc buồn như chính những hạt mưa kia cũng nhọc nhằn, chịu lời than trách đem lại mạch ngầm, tạo dòng sông suối nuôi bao sinh vật, cây trái có nguồn sống qua ngày nắng nỏ khô khan?
Trong những đợt mưa dầm dề như thế, cũng có lúc làm tôi nhẹ lòng, đó là khoảnh khắc nắng lên. Nắng mới tưng bừng làm sao! Bầu trời xanh nõn đến ngây thơ thả trôi vài mảng mây trắng bạc hồn nhiên theo gió. Chim chóc mừng vui cất tiếng hót trong ngần; cây reo, lá vẫy; trên mỗi cung đường, dòng người xuôi ngược. Nắng lên, khoảnh khắc thôi mà giục chân muốn bước, giục tay động việc.
Mưa cuối mùa. Những cơn mưa bất chợt về chiều ít khi đi kèm cùng sấm vang, chớp giật. Mưa tạnh, sương mù sầm sập buông. Ôi cái màn sương đậm đặc, mịt mờ cho ta dễ thảng thốt khi lần đầu nhìn thấy! Trong không gian trắng nhờ mênh mông, dễ cho ta cảm nhận tiếng nói mơ hồ giữa con người và thiên nhiên: thầm thì mà ngân rung, tĩnh lặng mà sâu lắng. Cùng với sương mù, hoàng hôn ngớp ngoải vẽ lên bức tranh vân cẩu có lâu đài xưa, thành quách cũ, bến sông xa vắng, dáng người trong mộng ảo mờ. Trong cái không gian ấy, cứ thả hồn phiêu diêu cùng sương bay gió nhẹ, le se lạnh lùa mặc bước chân phong trần quên lãng về đâu.    
Rồi mùa khô đến, gió đông lại về trên đóa cúc quỳ rực vàng. Lòng người sẽ ấm lại, yên tĩnh và vui vẻ hơn. Rồi nắng gió kéo dài để rồi mong mưa, ngóng gió cho xem!
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.