Mùa móc chín

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi sinh ra ở vùng gò đồi thuộc miền Trung và có một tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm khó phai mờ. Miền Trung tuy nhiều nắng gió, lắm rủi ro nhưng bù lại trời cho nhiều cây xanh trái ngọt bốn mùa. Cuối hè sang thu, tiết trời mát dịu, những trái sim, trái móc bắt đầu chín tới. Gò đồi như rộng mở, mời gọi đám trẻ chăn bò và học trò làng trên xóm dưới tung tăng khám phá “kho báu” mà thiên nhiên ban tặng.
Đất gò ở quê thường là những vùng đất xấu bị bỏ hoang hóa, ít cây cao bóng mát nhưng nhiều bụi rậm, cây gai. Dân làng tôi chọn những mảnh đất trống ven đồi để an táng người quá cố. Nhiều thế hệ trôi qua, bên cạnh cây đa, miếu thổ thần thì gò đồi cũng trở thành một mảnh “hồn quê” gắn bó cùng mọi người với bao buồn vui trong cuộc đời. Chúng tôi lớn lên cùng cây sim, cây móc ở góc quê ấy như con chim yêu tổ, như nước suối nhớ nguồn. Tôi nhớ từng bụi dủ dẻ, từng khóm gai cứt cu trên gò đồi khô cằn. Và, tất nhiên không quên những bụi sim, khóm móc thân thương đầy trái, trĩu cành trong mùa chờ đợi. Trái móc chín lai rai từ cuối hạ kéo dài đến giữa thu. Cứ mỗi chiều trên đồi móc trở về, lũ trẻ làng tôi nhìn đứa nào miệng lưỡi cũng tô một màu đen sẫm, trông thật buồn cười.
Không ai vun trồng, nhưng người mẹ thiên nhiên vùng đất cỗi quê nghèo ở làng tôi lại ưu ái với cây móc rừng. Dưới cái nắng hè oi bức, khu gò đồi như cái chảo rang. Nhưng cứ đến mùa khai hoa nở nhụy, những bụi móc vẫn trỗi dậy xanh tươi với sức sống diệu kỳ. Khi những chùm hoa móc tím bắt đầu bung nở như ngàn tia nắng ấm giữa mùa xuân, chúng đẹp đến ngỡ ngàng, chẳng ai tin đó là loài hoa hoang dại. Chúng tôi ngắm hoa mà mong đợi đến ngày những chùm móc chín mọng đầu mùa, lóng lánh đen như ngọc…
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Mẹ tôi kể rằng, ngày xưa, ở khu rừng Sầm hoang vu, có cậu bé rất hiền lành, tốt bụng chăn trâu cho phú hộ. Một hôm, cậu để lạc mất con nghé. Sợ ông chủ phạt nặng vì để mất trâu, cậu ta ra sức đi tìm khắp khu rừng cho đến khi trời tối sầm mà con nghé vẫn bặt vô âm tín. Cậu nghĩ, có lẽ con nghé đã bị chúa sơn lâm bắt rồi. Chuyến này thì ông chủ không tha cho tội để mất trâu. Đêm ấy, cậu không dám lùa trâu về làng. Vừa mệt vừa đói khát, cậu dắt đàn trâu đến bên dòng suối trong rừng để trú ngụ qua đêm rồi trèo lên một tảng đá cao nằm nghỉ. Cậu thiếp đi lúc nào không hay. Nửa đêm tỉnh giấc, dưới ánh trăng đầu tháng mờ ảo, cậu không tin vào mắt mình, dưới dòng suối đang chảy róc rách, một nhóm con gái xinh đẹp trút bỏ xiêm y đang hồn nhiên vui đùa tắm mát. Quá bất ngờ, cậu bé chăn trâu nằm yên lặng quan sát. Trong lúc quờ quạng, cậu ta đụng phải hòn đá nhỏ lăn xuống vực. Nghe tiếng động, các cô gái nhìn lên và phát hiện có người trên tảng đá gần suối. Vừa hoảng hốt vừa ngượng ngùng, các cô đều ngồi sụp xuống dòng nước lấy tay che mặt. Cậu bé chăn trâu cảm thấy động lòng. Nhìn xuống bụi cây dại gần đó, những bộ xiêm y lộng lẫy của các cô đang còn đung đưa trước gió. Biết các cô gái mắc cỡ không dám lên bờ lấy xiêm y, cậu bước xuống nhặt tất cả đồ đạc đang mắc trên cành cây đem đến bờ suối đặt lên hòn đá khô ráo gần nơi các cô tắm. Rồi cậu ta tế nhị quay mặt bỏ đi… Thấy cậu bé không tinh nghịch mà còn tỏ ra muốn giúp mình, các cô gái yên tâm lên bờ mặc lại xiêm y. Cậu ta lang thang một hồi rồi quay lại với đàn trâu đang nằm nghỉ. Nhìn xuống dòng suối, các cô gái đã biến tự lúc nào. Trời bắt đầu hừng sáng. Điều ngạc nhiên là con nghé lạc đàn hồi chiều, giờ thấy trở lại nằm giữa bầy trâu mẹ. Mừng quá, cậu chạy lại vỗ về con nghé: “Mi đi đâu mà giờ mới về?… Tao tìm mi mỏi mệt luôn!”.
Khi nỗi lo mất trâu đã vơi đi thì cơn đói đang dày vò cậu ta. Định tìm vài thứ quả rừng để lót bụng, cậu đi ngang bụi cây mà các cô đã treo xiêm y hồi hôm. Như có một phép lạ, từng chùm trái chín mọng lúc lỉu trên cành cây dại như mời gọi. Cậu hái chùm quả chín bằng hạt đậu phộng bỏ vào miệng ăn thử. Trời ơi, nó ngon ngọt và có pha vị chua, chát nhưng thơm hơn trái trâm. Cậu bé chăn trâu vui sướng, ngồi ăn cho đến no bụng. Khi bước xuống dòng suối trong mát để vốc nước uống, cậu ngạc nhiên soi bóng mình, thấy miệng lưỡi nhuộm toàn màu xanh đen. Cậu cố rửa hoài mà không sạch. Biết rằng màu nhuộm ấy là do chính trái cây vừa ăn, cậu ta yên tâm và cảm thấy khoan khoái vô cùng. Chiều hôm đó, khi lùa trâu về nhà, cậu đem chuyện hôm qua ở lại trên rừng kể cho ông chủ nghe. Câu chuyện được lan truyền khắp cả xóm. Người làng thấy lạ nên kéo nhau lên rừng hái quả. Từ đó, người ta gọi loài cây dại mọc thành bụi này là móc rừng hay là cây sầm đá, có nơi gọi là sầm móc.
Ngày nay, đồi móc quê tôi đã không còn nữa. Những chùm móc chín mọng trong ký ức cũng trở thành cổ tích như câu chuyện mẹ kể ngày xưa.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...