Mùa lạc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mùa lạc trên Tây Nguyên chìm trong mưa và sương giữa những ngày tháng 6, tháng 7 Âm lịch. Người ta gieo trồng khi bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa nên mùa thu hoạch lạc diễn ra đúng vào giữa tháng cao điểm của mùa mưa.
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Cánh đồng lạc mới tháng trước còn bát ngát màu xanh, giờ thân và lá đã tàn úa và rệu rã héo vàng trông như mảnh đất bị bỏ hoang. Nếu ai đó đi ngang qua, sẽ có cảm tưởng triền đồi không có một chút sức sống. Nhưng họ không biết rằng ở dưới những thân lá héo tàn ấy là lúc lỉu những củ lạc chắc nịch đang chờ được thu hoạch.
Mùa lạc là mùa vất vả. Dưới màn sương và mưa dày đặc, bàng bạc của đất trời, trên ruộng rẫy, những chiếc dù xanh đỏ tím vàng rải rác mọc lên như nấm. Mỗi người đi hái lạc cầm theo một chiếc dù, buộc vào cọc, cắm phập vào đất để che cho khỏi ướt. Người nông dân ngồi vặt lạc trong cái se lạnh của gió, cái ướt át của những trận mưa rả rích và cả hơi đất ngai ngái bốc lên quyện với hương nồng như mùi cỏ dại của thân lạc. Mặc cho cảm giác khó chịu như bị trêu đùa bởi thời tiết, người ta vẫn tỉ mẩn ngồi lựa những củ lạc chắc nhất, đẹp nhất mong sao bán được cho những thương lái khó tính. Bàn tay người lao động chai cứng đi một phần là vì thế.
Mùa lạc ở đây không có tiếng ù ù của máy tuốt lạc như trên nông trường Điện Biên của nhà văn Nguyễn Khải mà chỉ có tiếng người nói cười xa xa và thi thoảng có tiếng ồ ồ khe khẽ của rổ lạc được đổ vào bao. Không có máy móc thu hoạch, nhưng thu hoạch lạc phải khẩn trương nếu không là hỏng cả vì lạc sẽ mọc mầm. Bởi thế, mỗi lần đi nhổ lạc là phải huy động một lực lượng đông đảo, từ trẻ con đến người già, từ họ hàng đến làng xóm để thu hái. Người thôn quê bao đời vẫn hay vừa làm vừa chuyện trò và ở đây cũng không ngoại lệ. Họ kể từ chuyện con gà, con chó trong nhà, đến kinh nghiệm sản xuất, canh tác; kể từ chuyện làng chuyện xóm, đến chuyện đại sự quốc gia. Mỗi người góp vào một câu chuyện, mỗi câu chuyện được kể ra mộc mạc, chất phác và dung dị đúng như con người của họ vậy. Hình như mỗi người lao động luôn có một chút hài hước nên cứ mỗi giọng kể vang vang cất lên là một lần được dịp cười nghiêng ngả. Chính cái hài hước và lạc quan ấy đã khiến người ta vượt qua những nỗi vất vả cực nhọc trong đời sống lao động sản xuất. Và trong mùa lạc này, tiếng cười nói ấy của họ đã làm họ tạm quên đi những nỗi nhọc nhằn giữa cái nắng mưa thất thường để mỗi người một tay nhanh chóng thu hoạch xong cánh đồng lạc.
Tối đến, cả nhà quây quần xem phim bên rổ lạc luộc thơm ngon nóng hổi. Những đứa trẻ thì bới tìm lựa những củ lạc non trong rổ. Bởi lạc non mềm, cắn ra hút được chút nước ngòn ngọt bên trong, hoặc thậm chí còn ăn được cả vỏ. Còn lạc già là những hạt khít đầy trong lớp vỏ cứng, béo ngậy và giòn, vừa ăn vừa xem phim hay nói chuyện thì khỏi phải chê. Nhưng luộc lạc cũng phải canh cho khéo, nếu không thì lạc sẽ bị nhừ, chưa kịp nhai mà đã bở ra, mất hết cái ngon ngọt và giòn. Ngày lao động mệt nhọc khép lại với niềm vui quây quần bên nhau. Giản dị thế, nhưng ấm áp biết bao!
Rồi mùa lạc cũng chóng qua, bất giác chợt nghĩ: Không biết những đứa con phương xa có kịp cảm nhận được những vất vả của mẹ cha giữa những ngày mùa trong mưa dầm ướt lạnh này không?
Nguyễn Đức Hiền

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.