Một vật giống tiền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa Thủ đô, giữa ban ngày ban mặt, một “tự quản viên” mặc đồng phục, nhận một “vật giống tiền”. Hồi kết sẽ là một biểu hiện của “tham nhũng vặt” được kiên quyết xử lý hay rồi lại "hoà cả làng"?
Đã xác định được một tự quản viên nhận một
Đã xác định được một tự quản viên nhận một "vật giống tiền". Ảnh: Cắt từ clip
UBND phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hôm qua đã quyết định đình chỉ công việc với một “tự quản viên”. Quá trình xác minh, người nhận đã nhận “vật giống tiền” của 2 người phụ nữ bán hàng rong không phải công chức, viên chức của phường Hàng Trống, mà chỉ là tự quản viên, hỗ trợ phường trong công tác trật tự.
Các bản tin trên báo chí dùng từ rất chuẩn: Vật giống tiền.
Nó sẽ là tiền- như một “tang vật” của hành vi “làm luật”, của tham nhũng vặt, nếu sau đây việc xử lý quyết liệt.
Nhưng thật mỉa mai “vật giống tiền” sẽ trở thành một thành ngữ mới nếu việc xử lý xuê xoa.
Trong một phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông từng giải thích lý do vì sao đóng góp tới gần 30% GDP mà hơn 5 triệu hộ kinh doanh chỉ đóng góp 1,6% ngân sách, là:  Vì họ đang phải “nuôi cả bộ máy chính quyền địa phương, nuôi rất lớn các đồng chí ạ”.
Còn Đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân cũng từng kể lại trước nghị trường: “Hàng nước trà cũng vẫn phải nộp tiền hằng tháng. Tôi có hỏi cô bán hàng nước, thuốc lá, cô nói đóng 1,5 triệu đồng/tháng”.
Tính như ông Thân: “Ví dụ trung bình mỗi hộ chỉ đóng 1 triệu đồng/tháng, nhân với 12 tháng, nhân với 3,3 triệu hộ kinh doanh, tôi tính là ra 39.600 tỉ đồng/năm”. Ngân sách thất thu quá lớn.
Và câu hỏi vì sao đã được trả lời bằng câu chuyện “vật giống tiền” ở phường Hàng Trống. Hay nói như các vị đại biểu quốc hội, 3,3 triệu hộ kinh doanh, và kể cả trà đá cho đến hàng rong vỉa hè vẫn đóng đều. Chỉ là đóng cho ai đó, nuôi ai đó, chứ không phải cho Nhà nước.
Trong một cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ ra rằng: “Đi làm gì cũng phải phong bao phong bì, lót tay, gợi ý. Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu chứ không phải chỉ có tham nhũng lớn”.
Chúng ta vẫn khó trong câu hỏi “bằng chứng”, với việc “cưa đôi tiền phạt”, hay “tiền phế”, “tiền luật”, “hụi chết”- những thuật ngữ đời sống để chỉ hành vi tham nhũng vặt- một thứ ghẻ ruồi gây xói mòn niềm tin giữa nhân dân và bộ máy công quyền.
Hôm nay, bằng chứng- một “vật giống tiền” ấy đã được phơi bày.
Chúng ta cần phải nói thẳng với nhau, rằng hành vi nhận một “vật giống tiền” ấy, xảy ra ngay ở Phố Ấu Triệu, thuộc quận trung tâm Hoàn Kiếm của Thủ đô. Hành vi ấy cực kỳ công khai. Giữa ban ngày ban mặt, giữa bàn dân thiên hạ.
Theo Đào Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Du lịch đã trở thành điểm sáng vượt trội trong bức tranh kinh tế TPHCM tháng 4 khi chỉ trong 15 ngày (từ ngày 2-4 đến 4-5) đã phục vụ gần 2,7 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 15.700 tỷ đồng, cao gấp đôi doanh thu dịp Tết Ất Tỵ.

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Việc triển khai tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều hiệu quả to lớn, cụ thể trong khuôn khổ bài viết này là hiệu quả từ đề xuất chuyển quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ) cho người dân về cấp xã của Sở TN-MT TP.HCM.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...