(GLO)- Chúng ta biết có 2 loại cơm nắm (còn gọi là cơm vắt) khá phổ biến từ trước đến nay, trong Nam cũng như ngoài Bắc là, cơm nắm muối vừng (mè) và cơm nắm muối lạc (đậu phụng). Nhưng với chúng tôi, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, còn có một loại cơm nắm khác, đó là cơm nắm muối… chiên. Có lẽ ngày nay, loại cơm nắm này đã không còn tồn tại nữa. Cũng chẳng lấy gì ngạc nhiên, bởi nó ra đời và kết thúc “sứ mạng” của mình theo một “giai đoạn lịch sử” nhất định.
Cơm nắm là một trong những loại thức ăn khá quen thuộc mà bà con làm nông, lâm, ngư, diêm ta từ ngày xưa đã hay sử dụng như một loại “lương khô” trong những ngày phải đi lao động sản xuất hay vì một công việc nào đó phải xa nhà, không có điều kiện đem theo dụng cụ và gạo, mắm, muối nấu nướng, kho um... Để làm ra một phần cơm nắm cũng không có gì phức tạp. Khi quan sát thấy anh chị nuôi quân làm, tôi thấy rất đơn giản, cơm nấu như bình thường, có phần hơi nhão một chút, có thể độn mì, bắp, xới ra rổ rá, cho vào một chiếc khăn vuông bằng vải mịn đã nhúng nước để hơi khô và… vắt thật mạnh, làm nhiều lần cho đến khi vắt cơm nắm cứng săn thì được.
Ảnh nguồn internet |
Từ kinh nghiệm dân gian trên, sau này trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, cán bộ, bộ đội, dân quân, du kích, giao liên của chúng ta đã học tập và làm theo. Chắc nhiều người chưa quên, trong “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/Chiến sĩ anh hùng/Đầu nung lửa sắt/Năm mươi sáu ngày đêm/Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt…”, nói lên sự vất vả của các chiến sĩ Điện Biên đã khoét núi, đào hầm, dựng công sự, kéo pháo vào trận địa suốt ngày đêm, lại ở những nơi vô cùng ác liệt, khó khăn tứ bề, không có điều kiện để tổ chức các bếp ăn tập thể và bằng bát đũa, mâm bàn. Vì vậy, cơm nắm được tiếp tế từ phía sau cho bộ đội hàng ngày là điều tốt nhất trong các bữa ăn của các anh, và từ đó các anh đã làm nên kỳ tích… “Cơm vắt muối vừng/Mà nên chiến thắng lẫy lừng Điện Biên!”.
Ngày đó ở K8, Gia Lai, cánh giao liên vùng biên và vùng địch hậu như anh chị em chúng tôi, nhiệm vụ đa phần chỉ được giao thực hiện trong một ngày, hoặc một ngày đêm. Vì thế, trang bị cho mỗi người sao cho thật gọn gàng, tiện lợi; thường là khẩu súng hạng nhẹ, vài chục viên đạn và một chiếc túi vải, trong đó gồm cả công văn, giấy tờ, báo chí, bông băng; vài vật dụng cho cá nhân dùng trong ngày; không thể đem theo gạo, lương khô, ang-gô cồng kềnh, mà chỉ một vắt cơm nắm nho nhỏ đủ một người dùng từ một đến hai bữa. Nắm cơm của chúng tôi được chị nuôi của đơn vị Trần Thị Tài làm cho, chẳng mấy khi được kèm muối đậu hay vừng vì thứ đó là thuộc hàng... xa xỉ. Vậy nên, chị đã sáng kiến giã muối trắng rồi “chiên” với mỡ hoặc chút dầu phụng, thế là thành món muối… chiên đi kèm cơm vắt mà thành cơm vắt muối... chiên. Chỉ thế mà khi dạ dày của những cô cậu giao liên chúng tôi réo sôi, thì món cơm ấy bỗng chốc trở thành… cao lương mỹ vị.
Có một chuyện về cơm vắt muối... chiên mà đã gần 47 năm về trước, giờ nhắc lại tôi vẫn còn nhớ như in. Ấy là lần tôi và anh Lương Văn Có được giao nhiệm vụ đem công văn lên Đội công tác cánh Tây của K8. Để đến được nơi hẹn, chúng tôi phải vượt sông Ba. Vào mùa mưa lũ, con sông Ba oằn mình trong làn nước dữ, mặt sông thường ngày chỗ hẹp nối hai bờ chỉ vài chục mét, nhưng hôm ấy có lẽ nước lên đến trên cả trăm mét. Vì chuyến công tác “đặc biệt”, chúng tôi không thể quay về, bỏ cuộc, mà đợi cho đến khi nước rút dần mới bơi qua. Lũ nguồn cho nên nước dâng nhanh mà cũng xuống nhanh. Và đúng như dự đoán của chúng tôi, sau gần hết buổi chiều thì nước xuống phân nửa. Bụng kêu dạ cào, cái đói ập đến, dẫu vậy chúng tôi cố chịu đựng, phần cơm nắm muối... chiên của chúng tôi để dành khi xong việc sẽ “xử lý” lấy sức quay về hậu cứ với quãng đường hơn bốn tiếng đồng hồ đi bộ.
Giao tài liệu cho người có trách nhiệm, chúng tôi vội vã quay lại cho kịp vượt sông Ba trước khi trời tối hẳn, dù các anh chị ở đội công tác bảo ngủ lại, hôm sau về. Khi đã vượt sông lần hai an toàn trước khi cơn mưa tối ập đến và chọn một chỗ tránh mưa, chuẩn bị cho “bữa cơm” trong khi dạ dày của cả hai đứa như chẳng buồn kêu réo gì nữa, thì… cơm còn mà muối đi đâu hết cả. Chợt nhớ ra điều mà đã có mấy người từng mắc, tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra với gói muối chiên của chúng tôi. Ấy là khi chị nuôi Trần Thị Tài chuẩn bị cơm nắm muối... chiên cho chúng tôi vào lúc những chú gà rừng chưa kịp báo thức cho một ngày mới, muối... chiên còn đang hôi hổi nóng. Thấy tôi giục, chị vội cho vào túi ni lông, giờ chiếc túi nhỏ thì còn, nhưng muối đã… ra đi, để lại một lỗ tròn nơi đáy túi.
Đoàn Minh Phụng