Ở tuổi 84, NGND Siu Pơi vẫn miệt mài với việc biên soạn, bổ sung từ điển Jrai- Việt cho hoàn thiện; biên dịch, sưu tầm dân ca; viết trường ca... Với ông, thời gian không còn nhiều: “Tôi chỉ sợ không kịp hoàn thành cuốn từ điển mà tôi tâm huyết thì đã theo Yàng mất”- Siu Pơi nói và cười vang. Chân dung của một NGND, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, giản dị, gần gũi ngay từ phút đầu gặp ông.
Năm lần gặp Bác Hồ
Cơ duyên này có lẽ hiếm người nào có được như Siu Pơi. Nhớ lại những lần gặp ấy, ông khẳng định: “Đó chính là người thầy tư tưởng, giúp tôi có tâm thế vững vàng khi đứng trên bục giảng; và biết rằng, con đường mình chọn đầy vinh quang nhưng cũng không ít nhọc nhằn”.
… Năm 1966, Bác bất ngờ đến thăm Trường Dân tộc Trung ương miền Nam tại Hà Nội. Bác hỏi: “Có ai trong số các cháu là thầy- cô giáo không?”. Thầy giáo trẻ Siu Pơi rụt rè đứng dậy: “Thưa Bác, có cháu ạ!”. Bác nhìn Siu Pơi đầy trìu mến, Người dặn dò: “Người thầy, quan trọng nhất là dạy người, dạy chữ”. “Dạy người” rồi “dạy chữ”, lời dạy của Bác ám ảnh mãi tâm trí nhà giáo trẻ. Ông hiểu rằng, cần phải dạy cho học trò làm người trước rồi mới dạy kiến thức. Muốn thế, đạo đức người thầy cũng phải đặt lên hàng đầu để làm gương.
Kỷ niệm những lần gặp Bác như vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí minh mẫn của NGND đã ở độ tuổi xưa nay hiếm này: Lần cuối cùng gặp mặt, Bác nói chuyện với chúng tôi rất lâu. Người nói: “Chúng ta đã đánh đuổi được thực dân Pháp và tiếp tục đánh đế quốc Mỹ để rồi xây dựng cho được chủ nghĩa xã hội. Muốn thế, phải có con người xã hội chủ nghĩa”… Tôi hiểu con người xã hội chủ nghĩa trong lời Bác là con người phát triển toàn diện về đạo đức và tri thức. Đó cũng là trách nhiệm đặt lên vai những người thầy như chúng tôi. Gắn bó nửa thế kỷ với sự nghiệp “trồng người”, ông Siu Pơi luôn lấy lời dặn của Bác làm kim chỉ nam và hết lòng với sự nghiệp giáo dục.
Vợ chồng Nhà giáo Nhân dân Siu Pơi- Nhà giáo Ưu tú Nay H’Wil. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Người thầy không chỉ cần kiến thức...
Xuất phát là nghệ sĩ hoạt động ở đoàn Văn công E 120 nhưng NGƯT Nay H’Wil “bén duyên” với giáo dục bởi lý do rất đặc biệt: “Vì tình yêu với Siu Pơi nên tôi yêu luôn cả nghề mà ông ấy chọn”. Ngoài tình yêu với chồng, một lý do quan trọng khác khiến cho nữ văn công vốn quen với nếp sống phóng khoáng, tự do của hoạt động nghệ thuật quyết gắn bó với nghề giáo. “Khi tôi chuyển sang dạy nhạc cho học sinh miền Nam (1967), chính tình cảm với các em đã kéo tôi gần lại với nghề. Hầu hết các em xa cha mẹ, sống dựa vào tình thân của người xung quanh. Hoàn cảnh khi ấy hết sức khốc liệt khi chúng tôi phải liên tục di tản, có thời gian chúng tôi phải di tản đến Quế Lâm (Trung Quốc)”.
Trong rất nhiều kỷ niệm sâu sắc gắn với nghề giáo, NGƯT Nay H’Wil kể lại chuyện nhất quỷ, nhì ma, thứ ba... học sinh miền Nam: “Hồi ở Quế Lâm (năm 1967) có một lớp học sinh miền Nam toàn những đứa cá tính (bà dùng từ “cá tính”, tuyệt đối không dùng từ “quậy phá” hay “hư hỏng”- N.V). Thầy giáo nào được phân chủ nhiệm cũng không chịu nổi, chỉ một thời gian ngắn là xin “rút”. Cấp trên giao cho tôi lớp ấy. Tôi lo lắm. Nhưng khi bước vào lớp, tôi đã hiểu ngay rằng, tôi phải làm gì để ghìm cương những con ngựa bất kham.
Bằng sự dịu dàng, quan tâm của một người phụ nữ, tôi đã đưa lớp dần đi vào nền nếp và dẫn đầu toàn trường. Nhiều em trong lớp đó nay đã là cán bộ “to”. Kể lại chuyện này, NGƯT Nay H’Wil cho rằng, người thầy không chỉ cần kiến thức mà cần một tấm lòng với học trò. Phải quan tâm tới các em, nhất là học sinh cá biệt, vì đằng sau đó, chắc chắn phải có lý do mà các em không thể nói ra, che giấu bằng cách nghịch phá.
Từ một sự tình cờ, dần dà nghề giáo đã gắn bó máu thịt với Nay H’Wil. Tình yêu của hai người càng bền chặt hơn bởi có chung niềm đam mê, chung sự gắn bó. Niềm hạnh phúc của ông bà như được nhân lên khi chứng kiến sự trưởng thành của cô con gái đầu, cũng trong môi trường sư phạm, đó là Nay H’Tuyết- NGƯT, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo. “Khi H’Tuyết đang học ngành Y ở Tây Nguyên, tôi nghĩ tính H’Tuyết không kiên nhẫn lắm nên chuyển nó sang ngành Sư phạm. H’Tuyết đã không làm chúng tôi thất vọng”- NGND Siu Pơi kể.
Ôn lại những kỷ niệm của những năm tháng rực rỡ nhất của nghề giáo, cả hai ông bà hài lòng khi "khoe" với chúng tôi những lứa học trò đã thành đạt như: Ksor Phước, Măng Đung, Sô Lây Tăng… “Hạnh phúc nhất là nhiều học trò của chúng tôi đã trở thành những người có ích, và vẫn luôn nhớ tới những người thầy như chúng tôi…”.