Một phần Trái Đất đã bắt đầu quay ngược?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thẳm sâu bên trong lòng Trái Đất, một phần của hành tinh không thực sự kết nối thành một khối với các phần còn lại, đã tạm dừng quay gần đây và bắt đầu "đảo chiều".

Theo công trình vừa được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Geoscience, lõi trong của Trái Đất - thứ được cho là một khối kim loại rắn và nóng bỏng - đã bắt đầu quay ngược.

Các phát hiện trước đây chỉ ra lớp này của Trái Đất không kết nối chặt chẽ với phần còn lại, mà gần như di chuyển khá tự do nhờ được ngăn cách với phần còn lại bởi lớp lõi ngoài chứa kim loại nóng chảy.

Dù vậy, lõi trong và cả lõi ngoài cũng ảnh hưởng lớn đến phần còn lại bởi chúng tương tác với từ trường của hành tinh.

Trái Đất gồm nhiều lớp: vỏ, lớp phủ ngoài, lớp phủ trong, lõi ngoài, lõi trong - Ảnh: LIVE SCIENCE

Trái Đất gồm nhiều lớp: vỏ, lớp phủ ngoài, lớp phủ trong, lõi ngoài, lõi trong - Ảnh: LIVE SCIENCE

Theo The Independent, trong nghiên cứu mới, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết các tính chất của lõi Trái Đất trước đây đã được suy luận dựa trên những thay đổi về thời gian di chuyển giữa các sóng địa chấn lặp đi lặp lại đi qua phần sâu thẳm này.

Tuy nhiên, tốc độ quay của lõi bên trong và việc liệu nó có thay đổi theo thời gian hay không vẫn là một ẩn số.

Các tác giả chính Yi Yang và Xiaodong Song từ Đại học Bắc Kinh cho biết các dữ liệu cũ phản ánh sóng địa chấn đi qua lõi Trái Đất theo con đường tương tự từ những năm 1960.

Tuy nhiên kể từ năm 2009, đường đi của sóng địa chấn có sự thay đổi đáng kể về thời gian di chuyển, một sự thay đổi vô cùng nhỏ mà các mô hình chỉ ra rằng có thể phản ánh việc lõi hành tinh đã tạm dừng quay.

Điều này có thể liên quan đến sự đảo ngược chuyển động quay của lõi bên trong, như một phần của dao động kéo dài 7 thập kỷ, cho thấy "một hệ thống cộng hưởng giữa các lớp khác nhau của Trái Đất".

Những biến thiên của sóng địa chấn này cũng liên quan đến những thay đổi trong các quan sát trên bề mặt Trái Đất, ví dụ như độ dài của ngày - vốn không bao giờ tròn 24 giờ mà có thể dài hay ngắn hơn một chút, thường chỉ với khoảng khó nhận thấy là một phần nhỏ của giây.

"Chu kỳ nhiều thập kỷ này trùng khớp với một số thay đổi trong các quan sát địa vật lý khác, đặc biệt là độ dài của ngày và từ trường" - các tác giả viết trong bài công bố.

Những phát hiện mới này cũng đưa ra tia sáng mới về sự tương tác giữa các lớp khác nhau của Trái Đất.

Có thể bạn quan tâm