"Mong đợi ngậm ngùi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cứ ngỡ vẫn còn đó những tưng bừng, hoan hỉ khi mùa xuân chạm ngõ. Vậy mà giờ đây, những thành phố náo nhiệt chợt thưa người. Pleiku của tôi cũng không giấu được dáng vẻ trầm lắng của một buổi sáng mà hết thảy các tiệm cà phê san sát nhau bỗng vắng hoe những dáng ngồi quây quần, bặt đi những tiếng “điểm tin” rôm rả dù trên tay người chưa có một tờ báo sớm. Có lẽ, hơn bao giờ hết, tôi-như bao người-ước sao mua được một tấm vé quay trở về những ngày đã cũ…
Nhớ nhiều thế những ngày sải chân về phía phố, nơi có những âm thanh tưởng như rời rạc nhất mà lại hòa hợp nhất: tiếng khói rít xuống mặt đường, tiếng gió lồng lên những tán cây rụng lá muộn màng, tiếng khe khẽ bung nụ của đóa bằng lăng tím, tiếng cười họp chợ và cả tiếng giật mình của cánh chim đậu nhầm ô cửa. Đó là những thanh âm đầy tiết tấu, là nỗi vui mà người lữ thứ dễ có được mỗi ngày nên chỉ mới tạm lắng thôi đã hóa thành kỷ niệm.
Dạo này, tôi cứ ngỡ mình với phố là người bạn đã lâu không gặp. Khoảng cách địa lý thật gần mà nỗi nhớ hóa bâng khuâng, thành ra nhiều đêm nằm mơ phố. Những cội cây già trên đường Nguyễn Du bây giờ hẳn đã ngào ngạt nắng. Dăm chiếc ghế đá quanh chỗ lúc trước ta ngồi hẳn đang cần ấm hơi người, may mà nắng tháng tư đã vàng như mật. Hoa líu ríu nở đâu đó thẹn thùng muốn níu chân ai, thoảng chút hương nhẹ bẫng như có như không. Thì ra, khoảng thời gian ngắn ngủi vừa qua như một nốt trầm dài trên khuông nhạc, tựa tiếng mưa rơi trong một đêm không ngủ.
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Ngày biết phố xá cửa đóng then cài, cốt để giữ cái bình an cho mọi nhà, tôi vẫn hay trêu bạn bè rằng “những hẹn hò từ nay khép lại”. Mà khép lại thật đã bao ngày. Nỗi nhớ những cuộc hẹn giữa phố manh nha tự những giây phút xa cách đầu tiên, bây giờ lại thức dậy trong trí nhớ. Có lẽ, khi sự tĩnh lặng đã vừa đủ thì người ta lại nghĩ ngay đến không khí huyên náo thường nhật. Trong những ngày như thế này, tôi tự hỏi đó có phải là những “mong đợi ngậm ngùi” hay chăng?
Pleiku tự trong tiềm thức tôi mùa nào cũng đẹp, mùa nào cũng quyến rũ. Nhờ vậy mà lòng tôi không khi nào thôi say đắm. Mong cho đất nước bình yên qua những thăng trầm; mong sao thành phố của tôi trở lại nhịp sống tươi vui của ngày cũ. Để thấy đàn em nhỏ hân hoan tựu trường, để thỉnh thoảng lại có gánh hàng hoa rao phố, để nắng hạ thắp thêm tin yêu lên hàng phượng vỹ. Rồi tới đây, cơn mưa hè sẽ hồn nhiên đổ xuống tắm mát cho bao mái nhà hoa niên sắc đỏ. 
Tôi tin rằng, những ngày ảm đạm nhất rồi sẽ qua đi. Mỗi người trong chúng ta sẽ vỡ lẽ ra đôi điều trong những ngày phố thênh thang đến lạ. Điều ta mất đi, điều ta có được sẽ đắp đổi cho nhau, để ta biết mình đang hạnh phúc. Một sớm choàng dậy, mở mắt thấy ban mai và bắt đầu một ngày như mọi ngày. Thế thôi đã là hạnh phúc!
Tháng tư! Nhanh như thể mùa nào qua đây cũng vội vàng. Mùa hạ của tôi, thành phố của tôi... Những ngã tư hò hẹn…
LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.