Món nợ 'đỏ đen'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Kết quả của 30 năm đầu ấp tay gối là một gia đình hạnh phúc với ba mặt con xinh xắn, ngoan hiền, bỗng chốc hóa thành bi kịch bởi món nợ hơn 300 triệu do người chồng trót "nướng" vào cờ bạc.

 

 



Trong cơn phẫn uất vì xót của, người vợ đã vung chày tước đoạt tính mạng chồng mình. Người chết, kẻ đi tù, ba đứa con bỗng bơ vơ... Đó là bi kịch của gia đình bị cáo Trịnh Thị Vẽ - người đàn bà lam lũ, tuổi trạc ngũ tuần - bị tòa xét xử về tội "giết người".

Tan cửa nát nhà

Ông Bốn và bà Vẽ lấy nhau từ năm 1989. Ông không biết chữ, bà mới học hết lớp 2. Thế nhưng hoàn cảnh khó khăn không ngăn họ có một gia đình hạnh phúc, ba đứa con gái lần lượt ra đời.

Năm 1999, vợ chồng ông bà đùm túm các con từ Huế vào Sài Gòn mưu sinh. Bà Vẽ làm công nhân ở quận Tân Phú, còn ông Bốn làm quản gia cho một gia đình ở Tân Bình. Cuộc sống tuy túng thiếu nhưng đầm ấm, hạnh phúc.

Ông bà chắt chiu mua được một căn nhà nhỏ ở huyện Hóc Môn. Cũng từ mái nhà đơn sơ ấy, ba đứa con gái xinh xắn, ngoan hiền đã vào đại học. Trải qua bao thăng trầm bên nhau, ở dốc bên kia cuộc đời, có căn nhà che mưa che nắng, chứng kiến con cái trưởng thành là một giấc mơ hạnh phúc mà bao người mơ ước. Vậy mà hạnh phúc ấy bỗng trở thành thảm kịch vì món nợ hơn 300 triệu đồng.

Chuyện là ông Bốn nói bà Vẽ mượn giùm ông một ít tiền để ông cho một người quen vay lại, mỗi tháng người này sẽ trả cho ông bà 15 triệu đồng. Nghe chồng nói vậy, bà Vẽ đi vay mượn của những người hàng xóm cũ và đồng nghiệp trong công ty, tổng cộng được 326 triệu đồng với lãi suất 3-5%/tháng. Hai tháng đầu ông Bốn đưa tiền lãi cho vợ đầy đủ, nhưng sau đó không thấy ông đưa nữa.

Hôm ấy là ngày rằm tháng chạp, bà Vẽ nhờ bạn chở đến chỗ ông Bốn đang làm rồi hai vợ chồng cùng về. Tối đến, ông Bốn mua vài lon bia nhâm nhi, còn bà Vẽ nấu nồi cháo gà để vợ chồng ăn tối. Con cái đã lớn, đứa đi học, đứa đi làm xa. Ở nhà chỉ còn vợ chồng già nương tựa lẫn nhau. Ăn xong, ông Bốn lên giường nằm xem tivi, còn bà Vẽ ngồi cạnh giã tỏi, ướp thịt làm thức ăn cho ngày mai.

Bi kịch sẽ không xảy ra nếu hôm ấy bà Vẽ không lên tiếng hỏi về món nợ hơn 300 triệu ông nhờ bà vay mà mấy nay không thấy tiền lời. Suy nghĩ một chặp, ông Bốn ngồi dậy nói với vợ số tiền trên ông không cho vay, mà chơi lô đề thua sạch rồi...

Gánh nặng cơm áo gạo tiền bỗng đổ sập lên vai người đàn bà lam lũ khiến bà suy sụp. Hai ông bà cãi vã. Trong cơn nóng giận, bà Vẽ cầm cái chày đang giã tỏi đập lên đầu chồng khiến ông gục xuống giường. Chưa hả giận, bà Vẽ tiếp tục lấy dao chém vào cổ chồng... Cái chết của ông Bốn khiến bà phải đứng trước tòa vì tội giết người, các con bà vừa mồ côi cha, nay mẹ lại vướng vòng lao lý.

Nếu không vì quá giận...

Trước bục khai báo là người đàn bà ngoài 50 tuổi, mái tóc búi rối sau ót đã bạc quá nửa, khuôn mặt hằn lên sự khắc khổ. Thoạt nhìn không ai nghĩ một người đàn bà yếu đuối như vậy lại là hung thủ giết chết chồng mình.

Suốt cả phiên tòa, bà chỉ khóc. Nước mắt, nước mũi làm đôi tai bà ù đi, khiến con gái lớn ngồi bên cạnh phải liên tục nhắc lại câu hỏi của tòa dành cho mẹ: "Mẹ giết ba như thế nào?", "Khi nào mẹ biết ba chết?", "Mẹ phải nghe rõ rồi hãy trả lời"...

Nhắc đến cái chết của chồng, bà càng khóc tợn. Bản cáo trạng như thước phim tua chậm cứa vào nỗi đau của những người trong cuộc. Mỗi lần bị hỏi về chi tiết trong vụ án, bà Vẽ lập bập khai lại. Lời khai của bà khi thế này, lúc thế khác khiến vị kiểm sát viên phải xác nhận lại nhiều lần.

Bà Vẽ nói rằng nhiều chi tiết trong vụ án bà không nhớ bởi lửa giận phừng phừng cháy lúc ấy đã thiêu đốt tâm trí của bà, tới khi thức tỉnh thì sự việc đã rồi.

"Có lúc nào bị cáo chợt ân hận, muốn tri hô để mọi người đưa ông Bốn đi cấp cứu không?" - một thẩm phán hỏi. Ngước đôi mắt ầng ậc nước, bà Vẽ trả lời: "Em hối hận, hối hận nhiều lắm... nhưng lúc đó chết rồi". Rồi bà lại khóc nấc lên, ba người con cũng sụt sùi khóc.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Vẽ cho rằng thời điểm xảy ra án mạng là ngày rằm tháng chạp - lúc mà mọi nhà hân hoan chuẩn bị đón tết cổ truyền, còn bị cáo thì phải gánh nợ ngân hàng, nợ lãi ngoài. Với đồng lương công nhân ít ỏi, trong nhà không còn tài sản dự trữ vì còn trả rất nhiều khoản nợ là áp lực tinh thần của người phụ nữ tay hòm chìa khóa như bị cáo, nên khi chồng tuyên bố đã đánh đề thua sạch đã dẫn đến hành động "tức nước vỡ bờ".

Sự thất vọng, ức chế cùng cực khiến bị cáo không thể giữ được bình tĩnh, tước đoạt tính mạng của nạn nhân mà không kịp suy xét hậu quả, và xin HĐXX xem xét cho bị cáo về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nhưng không được chấp nhận.

TAND TP.HCM tuyên phạt bà Vẽ mức án chung thân về tội "giết người" nhưng chắc hẳn trong thâm tâm người đàn bà ấy, không có mức án nào đau đớn bằng việc đã tự tay hủy hoại hạnh phúc gia đình mình.

Có lẽ sẽ chẳng có bi kịch nào xảy ra nếu người chồng không mê cờ bạc và người vợ không nóng giận mà mất kiểm soát. Bởi người ta từng nói: "Sự tức giận như ngọn lửa thiêu cháy hết mọi điều tốt đẹp".

 


Họa vô đơn chí

Đến tòa với tư cách đại diện cho người bị hại, chị V. - người con lớn - nghẹn ngào kể: "Khi mua nhà, cả nhà gom góp được 600 triệu, số còn lại phải vay ngân hàng và người thân. Sau đó, mẹ dành dụm trả cho người thân 200 triệu.

Thế nhưng năm 2017 nhà bị mất trộm hơn 100 triệu. Số tiền ấy là tiền mẹ giữ giùm người chị họ. Họa vô đơn chí, năm sau đó mẹ tôi bị tai nạn xe đứt dây chằng, mẹ phải vay mượn khắp nơi để lo viện phí. Tình hình kinh tế của nhà tôi thời điểm đó rất khó khăn. Chúng tôi biết ba chơi đề từ lâu nhưng ba nói chỉ đánh nhỏ thôi. Không ngờ...".


Theo TUYẾT MAI (TTO)

Có thể bạn quan tâm

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi) để điều tra về tội “Giết người”, người dân ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch nơi nghi phạm cư trú không khỏi bàng hoàng với thủ đoạn tàn độc của người phụ nữ này.
Các đội thi thuyết trình về sản phẩm tái chế của mình trước Ban Giám khảo cuộc thi

Gia đình chị Nguyễn Thị Hường giành giải nhất hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường” thị xã An Khê

(GLO)- Nhân kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2024), ngày 24-6, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị xã An Khê tổ chức Hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường”. Gia đình chị Nguyễn Thị Hường-hội viên phụ nữ xã Cửu An xuất sắc giành giải nhất hội thi.