Môi giới chồng Hàn-guồng máy dối trá, coi rẻ hạnh phúc cô dâu Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các công ty môi giới lừa dối, dịch sai lời, cố tình vẽ nên ảo ảnh khiến các cô gái trẻ nhẹ dạ cưới chồng Hàn mà không có dịp tìm hiểu. Họ kiếm tiền nhờ hủy hoại những cuộc đời.
“Lúc đấy run, ai cũng thế thôi, cũng sợ mà”, Bùi Thị Thương, 32 tuổi, kể lại với Zing.vn về một ngày năm 2009 khi cô phải đưa ra lựa chọn quan trọng nhất của cuộc đời chỉ trong thoáng chốc.
Cô cùng khoảng 20-30 cô gái trẻ khác được người môi giới lấy chồng Hàn Quốc đưa đến một nhà hàng ở Hải Phòng quê cô. Họ ngồi trong phòng to. Mỗi lượt, 4-5 cô sang một phòng nhỏ hơn để gặp 4-5 đàn ông Hàn Quốc sang Việt Nam tìm vợ. Các rể Hàn Quốc muốn cưới ai sẽ hỏi ý kiến, nếu cô gái đồng ý cần phải trả lời luôn ở đó.
“Nếu không đồng ý (chọn rể Hàn) người ta tìm người khác nên không có nhiều thời gian đâu”, Thương kể. Có những lúc, cô gái phải hỏi bố mẹ, thì sẽ mất vài tiếng, hoặc được cho một đêm để trả lời vào hôm sau.
 Đàn ông Hàn Quốc tìm vợ Việt Nam thường qua thành từng đợt và làm đám cưới tập thể với các cô dâu Việt. Ảnh: New York Times.
Đàn ông Hàn Quốc tìm vợ Việt Nam thường qua thành từng đợt và làm đám cưới tập thể với các cô dâu Việt. Ảnh: New York Times.
Nhìn mặt hiền thì chọn
Nhưng Thương quyết định chọn một người đàn ông Hàn ngay tại chỗ, dù trước đó, chị và người chồng tương lai hỏi rất ít về nhau. “Chủ yếu nhìn mặt thấy hiền lành phúc hậu nên mình đồng ý luôn. Có thể tìm hiểu kỹ hơn qua phiên dịch, nhưng đợt đấy các cô dâu hầu hết cũng vậy”.
Họ ngồi sang một bên, không nói được nhiều vì rào cản ngôn ngữ, chờ các đôi khác tiếp tục xem mắt. Cha mẹ chị không phản đối, nên hôm sau chị quay lại đây trang điểm, chụp ảnh cưới, đến chiều làm đám cưới tập thể với vài cặp đôi tương tự,  hôm sau nữa thì đi trăng mật ở Hạ Long.
Với lựa chọn tuổi đôi mươi mà sau này chị coi là “mạo hiểm” và “nhắm mắt”, Thương trở thành một trong khoảng 40.000 cô gái Việt đang làm dâu tại xứ sở kim chi (tính đến tháng 2/2018 theo Bộ Gia đình và Bình đẳng giới Hàn Quốc).
“Run. Cũng sợ mà. Đi rồi, lấy rồi, giờ mà làm lại chắc cũng không...”, chị cười, không nói hết câu, tiếng trẻ con vòi vĩnh không ngớt vang lên qua điện thoại.
 Các công ty môi giới đang tạo ra hàng nghìn video quảng cáo các cô gái trẻ Việt Nam “như các món hàng” trên YouTube. Ảnh: Liên minh Công dân vì Truyền thông Dân chủ.
Các công ty môi giới đang tạo ra hàng nghìn video quảng cáo các cô gái trẻ Việt Nam “như các món hàng” trên YouTube. Ảnh: Liên minh Công dân vì Truyền thông Dân chủ.
Che giấu thông tin, kiếm lời trên khổ đau
Vụ bạo hành kinh hoàng đầu tháng 7 được ghi lại trong video, trong đó chồng Hàn Quốc đánh đập tàn nhẫn người vợ Việt trong suốt ba giờ, trước mặt con trai hai tuổi, đã khiến dư luận hai nước phẫn nộ, đồng thời hướng sự chú ý tới nạn bạo hành đang quá phổ biến trong các gia đình “đa văn hóa” ở Hàn. 42% cô dâu nước ngoài lấy chồng Hàn thừa nhận bị bạo hành, theo Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc (NHRCK).
Làn sóng cô dâu Việt sang Hàn Quốc vẫn mạnh trong những năm gần đây, hơn 73% số phụ nữ nước ngoài làm dâu ở Hàn Quốc trong những năm 2012-2014 là người Việt. Nhiều người lấy chồng chóng vánh qua các công ty môi giới, vốn không được luật Việt Nam cho phép.
Các chuyên gia và người trong cuộc nói với Zing.vn rằng các công ty môi giới tìm nhiều cách lừa dối cả cô dâu Việt lẫn chồng Hàn, để đám cưới diễn ra nhanh nhất có thể rồi thu tiền, bất chấp khác biệt lớn giữa hai người hay cái nhìn thiếu thực tế của cô dâu về đất Hàn - những điều sẽ đe dọa hạnh phúc của họ. Nói cách khác, các công ty này lừa dối, kiếm lời trên sự khổ đau trong hôn nhân của nhiều cô gái trẻ Việt Nam.
“Môi giới hôn nhân quốc tế không có mục đích tìm hạnh phúc cho người độc thân mà mục đích là kiếm tiền”, bà Vũ Thu Hiền, chuyên gia có 11 năm tư vấn cho các cô dâu bị bạo hành tại Trung tâm Phúc lợi Người nước ngoài Suwon, nói với Zing.vn. “Không có thì tốt hơn”.
Những cuộc hôn nhân không có sự tìm hiểu kỹ, dựa theo sắp đặt của các công ty môi giới, được cho là một nguyên nhân lớn dẫn đến con số đau lòng 42% cô dâu nước ngoài bị bạo hành ở Hàn Quốc. Trong số đó, 81,1% nói họ bị ngược đãi về tinh thần và chửi rủa. 67,9% nói họ bị cưỡng hiếp hoặc quấy rối tình dục ngay trong nhà.
 Chồng Hàn Quốc say xỉn và đánh đập người vợ Việt Nam trước mặt đứa con trai hai tuổi ngày 4/7. Ảnh: Korea Times.
Chồng Hàn Quốc say xỉn và đánh đập người vợ Việt Nam trước mặt đứa con trai hai tuổi ngày 4/7. Ảnh: Korea Times.
“Môi giới bóp méo, làm sai lệch việc kết hôn. Họ không giới thiệu thật lòng”, bà Hiền nói. “Hai bên thường không hợp nhau. Họ chỉ nhìn đối phương bên ngoài chứ không biết cuộc sống, tính cách thế nào”.
"Đa số công ty môi giới nói quá lên (về rể Hàn Quốc)", Linh Chang, cô dâu Việt từng lấy chồng Hàn qua môi giới, cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình, nói với Zing.vn. "Ví dụ chồng em làm nhân viên công ty gas, thì bảo là quản lý tập đoàn gas... Mối nói chồng là dân thành phố, sau qua Hàn mới biết chồng là dân quê".
“Nhiều trường hợp, môi giới nói chồng làm lương cao và có công việc thế này, thế kia, nhà cửa ổn định, sang bên này hoàn toàn không thế”, bà Nguyễn Thị Hiền, từ Trung tâm Tư vấn Phụ nữ Nhập cư Seoul và đã 5 năm tư vấn các cô dâu Việt ở Seoul, nói. Nhiều cô dâu tưởng gặp người tốt, môi giới nói là hiền, mà sang bên kia mới biết là bạo lực.
Minh họa cho sự lừa dối của công ty môi giới, bà Nguyễn Thị Hiền kể về nhiều trường hợp sang Hàn mới biết chồng đã có vài đời vợ. Bà ngạc nhiên vì khi các cô dâu xin visa sang Hàn Quốc, họ phải nộp cho đại sứ quán giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân của chồng, lấy từ chính quyền bên Hàn. Giấy này ghi rõ người chồng đã bao nhiêu lần kết hôn.
“Đã ly hôn nhiều lần thì phải có vấn đề”, bà Hiền nói. “Mình thắc mắc vì sao các cô dâu không biết và được trả lời là công ty môi giới làm giấy tờ cho từ A đến Z... chắc công ty môi giới phải biết mà cố tình che giấu”.
 Gia đình một cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Ảnh minh họa: AFP.
Gia đình một cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Ảnh minh họa: AFP.
Môi giới “đến từng nhà” và những đám cưới chóng vánh
"Họ chỉ nghĩ làm sao được nhiều khách, nhiều tiền”, Thương nói về môi giới. Ngày còn ở Hải Phòng và chưa chồng, chị thường được một bà mối trong làng bắt chuyện. “Nói chung (bà ta) đều nói tốt, nói chồng (bên Hàn) làm được nhiều tiền, cuộc sống nhàn, tốt hơn ở Việt Nam... để thuyết phục mình đi”, Thương nói. “Cũng không biết thực hư thế nào”.
Trong làng của Thương đã có những cô dâu lấy chồng Hàn, “thấy cuộc sống cũng được”. Ở tuổi 20, Thương cảm thấy sang Hàn Quốc sẽ “có tương lai hơn”, nên chị quyết định tìm chồng Hàn. Một số bạn bè chị cũng quyết định ra đi vì gia đình khó khăn, vì muốn sang làm để gửi tiền cho bố mẹ.
“Do hoàn cảnh nghèo, khó khăn mới phải thế, nếu ở Việt Nam có cuộc sống tốt hơn thì chẳng ai muốn lấy chồng xa hết cả”, chị chia sẻ.
Bà mối của làng Thương có một “mối trên nữa”, người này liên lạc với người phiên dịch có quan hệ với “mối bên Hàn”. Bà ta không biết gì về thông tin của các rể Hàn, mà chỉ dẫn các cô gái đến công ty môi giới. “Cưới xong bà sang nhà mình đòi 5 triệu thôi... như kiểu mình được bán vào đấy. Từ đấy không liên lạc gì cả”.
“Bà ấy không biết gì về chồng Hàn cả”, Linh Chang, người lấy chồng làm tập đoàn gas, nói với Zing.vn, và cho biết bà mối sẽ được công ty môi giới cho ít tiền, rồi muốn ăn tiền bên cô dâu bao nhiêu là tùy. “Trước nhà em phải trả cho bà mối là 10 triệu”.
Bà Nguyễn Thị Hiền ở Seoul cho biết nhiều công ty môi giới thu tiền đặt cọc ngay từ khi làm giấy tờ. “Người ta muốn nắm đằng chuôi, đã bỏ tiền ra là khó hủy hôn”, bà nói. “Nhiều khi cô dâu bảo mất tiền cho môi giới, các chú rể bàng hoàng” vì tưởng rằng mình đang chi trả toàn bộ chi phí.
Hình ảnh một số cô dâu hay về “Hải Dương, Hải Phòng” chơi càng khiến người trong làng, trong xóm cảm thấy họ hạnh phúc. “Tự nhiên nghĩ lấy chồng Hàn sẽ sống tốt hơn. Thường các cô dâu không lường trước được mọi việc... ở tuổi 20”.
Các lợi ích như “đi tất cho chồng”, “ngoan ngoãn ở nhà”, “nấu ăn giỏi”, “chăm sóc, nấu ăn cho chồng và mẹ chồng” được các kênh “lăng xê” trên YouTube, mời gọi người tìm vợ người Việt. Ảnh: Chụp màn hình.
Các lợi ích như “đi tất cho chồng”, “ngoan ngoãn ở nhà”, “nấu ăn giỏi”, “chăm sóc, nấu ăn cho chồng và mẹ chồng” được các kênh “lăng xê” trên YouTube, mời gọi người tìm vợ người Việt. Ảnh: Chụp màn hình.
Các trung tâm môi giới kết hôn quốc tế thường cho các “chân rết” đi tìm chú rể, cô dâu, ở mỗi địa phương, cả Hàn Quốc và Việt Nam, theo bà Vũ Thu Hiền ở Suwon. Thông tin từ trung tâm mẹ sang trung tâm con, sang các “chân rết” bị nói sai, “lấp liếm đi một tí”.
“Các cô gái thành phố tiếp xúc nhiều, có thể biết nhiều hơn về cuộc sống bên Hàn, còn vùng sâu vùng xa - họ không hiểu, mà chỉ tin vào các bà mối, ‘chân rết’ môi giới - những người đến từng nhà”, bà Hiền ở Suwon nói.
Phóng viên Kim Dong In, chuyên viết về môi giới hôn nhân trên tạp chí Sisa IN hàng đầu về tin tức ở Hàn Quốc, viết cho Zing.vn cả công ty môi giới Việt Nam và Hàn Quốc đều lừa dối. Chẳng hạn, có người chồng Hàn Quốc có tiền án, tiền sự. Công ty Hàn Quốc sẽ nói giảm đi, còn công ty Việt Nam sẽ nói giảm thêm.
Sau khi cưới người rể Hàn Quốc lựa chọn trong tích tắc, Thương cùng chồng đi tuần trăng mật 2-3 ngày ở Hạ Long do môi giới lên kế hoạch cùng ba cặp vợ chồng nữa.
Chị cùng hầu hết cô dâu khác muốn có thời gian tìm hiểu người chồng trước khi cưới, nhưng khoản tiền phí của chồng Hàn hạn hẹp, “công thức (của môi giới) như thế rồi, mình chỉ làm theo”. “Cũng mạo hiểm, kiểu nhắm mắt, chẳng biết số phận mình thế nào”, Thương nhìn lại.
“Tối thứ sáu rể Hàn đi, thứ bảy có mặt ở Việt Nam, ngày chủ nhật làm đăng ký kết hôn, sáng thứ hai họ lại có thể đi làm rồi”, bà Vũ Thu Hương nêu ví dụ về các đám cưới chóng vánh. “Họ không mất nhiều thời gian tán tỉnh, đi lại nhiều mà bỏ tiền ra là các công ty môi giới lo hết”.
Nhiều cô dâu sau này nói với bà Nguyễn Thị Hiền ở Seoul rằng “đã cưới, đã ngủ với nhau rồi, họ hàng đến dự đám cưới rồi, không còn cách nào khác chỉ có đi thôi... dù nói chuyện thêm với chồng, nhận ra không hài lòng, không muốn kết hôn nữa”.
Sang tới Hàn Quốc là khi mà thực tế khác biệt nhất so với màu hồng vẽ nên bởi công ty môi giới. Ảnh minh họa: New York Times.
Sang tới Hàn Quốc là khi mà thực tế khác biệt nhất so với màu hồng vẽ nên bởi công ty môi giới. Ảnh minh họa: New York Times.
Sang để giúp đỡ bố mẹ nhưng bị cấm đi làm, bắt ở nhà
Ngày đầu tiên Thương đến Hàn Quốc là một ngày tháng 1, trời giá rét và có tuyết. Chồng chị tới đón ở sân bay. Ở quê ở Việt Nam chị quen ở nhà rộng, sang đây bỡ ngỡ vì nhà bé. Nhưng chị sớm nhận ra ở Hàn Quốc “phải có điều kiện mới có nhà” và cảm thấy “mình hạnh phúc hơn so với nhiều người”.
Sang tới Hàn Quốc là khi mà thực tế khác biệt nhất so với màu hồng vẽ nên bởi công ty môi giới hay bởi chính các cô dâu.
Môi giới cũng không nói rõ mong đợi khác nhau về hôn nhân của chồng Hàn, dẫn đến mâu thuẫn lớn. Thậm chí, họ lợi dụng vai trò trung gian phiên dịch để che giấu ngay cả khi các bên thành thật. Nhiều cô dâu tới tư vấn nói với bà Nguyễn Thị Hiền ở Seoul một cách cay đắng “nếu biết chồng như thế đã không kết hôn rồi”.
“Nhiều cô dâu sang bên này cứ muốn gửi tiền về cho gia đình nghèo ở Việt Nam”, bà Hiền ở Seoul nói. “Nhưng nhiều chồng Hàn nhiều tuổi rồi, muốn vợ đẻ con trước rồi tính, và lo việc nhà, chăm sóc mẹ chồng, thay vì đi làm giúp gia đình ở Việt Nam. Hy vọng về hôn nhân khác nhau dẫn đến mâu thuẫn”.
Các cô dâu ngoại quốc đang dự một hội chợ việc làm ở Seoul ngày 5/4. Ảnh: Yonhap.
Các cô dâu ngoại quốc đang dự một hội chợ việc làm ở Seoul ngày 5/4. Ảnh: Yonhap.
Có những người đã thẳng thắn ngay từ đầu là muốn đi làm giúp đỡ gia đình, nhưng “nói với môi giới, môi giới lại dịch lệch đi, không đúng với nguyện vọng lấy chồng của cô dâu”. Có những cô dâu thừa nhận với môi giới khi xem mắt là đã có con để xem chồng có chấp nhận không. Nhưng môi giới giấu đi, để khi sang bên kia chồng mới biết, xảy ra cãi vã.
Cuộc sống ở Hàn Quốc ban đầu của Thương không dễ dàng như tưởng tượng. Nhiều lúc cũng hối hận, nghĩ đáng ra không nên lấy chồng bên này, xa bố xa mẹ, dù mẹ chồng đối xử tốt. “Thời tiết, văn hóa cũng khác nhiều. Những năm tháng đầu cô đơn. May sau này đi học tiếng ở (trung tâm) đa văn hóa có nhiều chị em Việt Nam như mình, nếu cứ ở nhà mãi có khi trầm cảm”, Thương nói.
Môi giới cũng cố tình để các cô dâu Việt nhầm lẫn giữa chồng Hàn ở quê và ở thành phố, một sự khác biệt lớn. Thương sang Seoul ở thành phố như bà mối nói, nhưng nhiều cô gái sang mới biết mình ở quê. “Ít người hỏi kỹ, chỉ bảo ở đâu là biết ở đấy thôi... cứ nghĩ chung cư là thành phố, mà ở quê cũng có thể có chung cư. Về vùng quê toàn người già, làm nông tất nhiên vất vả hơn thành phố”.
Thương học tiếng một thời gian cũng có đi làm, nhưng nhiều chồng và mẹ chồng các nhà khác không cho vợ đi làm, bắt ở nhà. “Họ sợ đi ra giao tiếp nhiều người, học cái không tốt rồi bỏ trốn”.
 Gần 80% nam giới trong một nghiên cứu 2.000 người ở Hàn Quốc thừa nhận họ từng ngược đãi bạn gái. Ảnh: The New Paper.
Gần 80% nam giới trong một nghiên cứu 2.000 người ở Hàn Quốc thừa nhận họ từng ngược đãi bạn gái. Ảnh: The New Paper.
“Tốt nhất là dẹp mấy công ty môi giới này”
Thương cho rằng quan niệm ở Việt Nam về cô dâu Việt sang đây là những người “lười lao động” hay “chỉ muốn ăn sẵn” không phản ánh đúng thực tế. “Nhiều người chồng nghèo, chứ giàu có họ đâu có sang Việt Nam. Cuộc sống chỉ đủ ăn, đủ tiêu, nếu mình muốn có tiền gửi cho bố mẹ thì cũng phải đi làm vất vả, chứ ai cho tiền đâu, nếu chồng cho cũng chỉ giúp một chút thôi”, Thương nói.
“Ở đây làm cật lực, vất vả chứ không phải làm chậm, lúc nào cũng nhanh tay nhanh chân, tác phong của họ nhanh lắm. Làm thêm ngày 9-10 tiếng, giờ nghỉ trưa chỉ có 40 phút hoặc 50 phút, làm nông còn vất vả hơn”.
Sau nhiều vụ vợ Việt Nam phát hiện chồng Hàn từng có nhiều đời vợ, và bị các trung tâm lên tiếng, bà Hiền ở Seoul cho biết chính quyền đã quy định ly hôn vợ nước ngoài rồi thì không được lấy vợ nước ngoài khác trong vòng 5 năm. Việc chứng minh tài chính, nhà cửa để cấp visa cho vợ cũng khắt khe hơn trước.
Nhưng bà cho rằng còn rất nhiều điều phải thay đổi đối với môi giới hôn nhân để bảo vệ cô dâu, chú rể.
“Quảng cáo con gái Việt như hàng hóa là không được, làm thế chồng sẽ khinh thường. Phải trao đổi thông tin chính xác giữa hai bên, tạo cho hai bên thời gian tìm hiểu nhau, tất nhiên sẽ khó vì ở xa và do kinh tế, nhưng phải như vậy để hai bên suy nghĩ kỹ rồi mới quyết định”, bà nói. “Phải có những lớp học dành cho cô dâu, giúp họ lường trước về cuộc sống ở Hàn Quốc... nhưng tốt nhất là dẹp mấy công ty môi giới này”.
 Một lớp dạy về văn hóa Hàn Quốc cho các cô dâu Việt ở TP.HCM. Ảnh: Al Jazeera.
Một lớp dạy về văn hóa Hàn Quốc cho các cô dâu Việt ở TP.HCM. Ảnh: Al Jazeera.
Linh Chang, nạn nhân của bạo hành bởi chồng là “quản lý tập đoàn gas” nhưng thực ra là nhân viên, đang trong quá trình ly hôn, kiện tụng để đòi quyền nuôi con. Cô cẩn thận ghi lại bằng chứng như tin nhắn và hình ảnh chiếc TV vỡ tan trên sàn nhà.
Tiếng trẻ con vẫn réo rắt từ đầu dây điện thoại của Thương, tiếng dỗ trẻ xen lẫn lời kể về thời đôi mươi ngây thơ: “Mình cũng tin tưởng mối đấy, không nghĩ mối nói dối... nhưng bây giờ mới biết hầu như toàn nói dối”.
Thương dành phần lớn thời gian 10 năm nay ở nhà nuôi con. Chị chỉ có thể đi làm vài tháng ngắn ngủi rồi phải nghỉ, một phần vì hai đứa cách nhau vài năm (4 tuổi và 9 tuổi). Chị vẫn cố gắng học tiếng Hàn và tin học mong tìm việc làm ổn định sau này, thỉnh thoảng đi làm thêm ở trung tâm đa văn hóa và phiên dịch ở trường đại học. Bà mối ở Việt Nam thì có vẻ đang “thành đạt”.
“Chắc mối của mình vẫn làm đấy, bà ấy vẫn được nhiều người”, Thương nói. “Làm được nhiều tiền, xây được nhà to, chỉ nhờ làm mối lái”.
Trọng Thuấn (zing)

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.