Môi giới bất động sản 'hết việc'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là một trong những thị trường sôi động nhất cả nước nhưng từ sau tết, giao dịch bất động sản tại TP.HCM cũng sụt giảm thê thảm...
 
Nhiều dự án đang gặp khó khăn nên cần nhà nước hỗ trợ. Ảnh: Độc Lập
Mới đây, hiện tượng cả ngàn người đổ về xã Bình Ba ((H.Châu Đức, Bà Rịa- Vũng Tàu) mua đất cả ngày lẫn đêm khiến nhiều người kỳ vọng bất động sản sẽ khởi sắc trở lại bất chấp dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng đến rất nhiều ngành. Thế nhưng theo các chuyên gia, đây chỉ là “chiêu” thổi giá của các đầu nậu.
Là một trong những thị trường sôi động nhất cả nước nhưng từ sau tết, giao dịch bất động sản (BĐS) tại TP.HCM cũng sụt giảm thê thảm, khiến các công ty môi giới, thậm chí các chủ đầu tư khóc ròng. Nhiều công ty môi giới BĐS đã cho nhân viên tạm nghỉ một thời gian.
Ngưng giao dịch để “nghe ngóng”
Theo các chuyên gia, có thể từ quý 2/2020 trở đi thì thị trường BĐS TP.HCM và các tỉnh lân cận mới có dấu hiệu rục rịch trở lại với một số dự án chung cư/nhà phố được bung ra thị trường. Tuy vậy, một số doanh nghiệp vẫn tin tưởng rằng năm nay là năm sàng lọc của thị trường BĐS và diễn biến chung là vẫn sẽ phát triển ổn định trong vòng 2 năm tới.
Anh T.K.H (Q.4, TP.HCM) tìm mặt bằng mở nhà hàng từ cuối năm ngoái không được. Dự tính đầu năm nay, anh đẩy mạnh việc tìm kiếm để mở nhà hàng vì mặt bằng đang thuê đã hết hạn, chủ nhà muốn lấy lại sử dụng chứ không cho thuê nữa. Thế nhưng đến nay, việc này đã tạm ngưng.
“Cuối năm thì Nghị định 100 khiến các quán nhậu, nhà hàng sụt giảm một lượng khách đáng kể. Ra tết thì dịch Covid-19 khiến ngành dịch vụ “đứng hình”. Hôm trước, tôi tới nhà hàng của người bạn, cả buổi tối chỉ có 2 bàn khách, kể cả bàn tôi. Không biết cầm cự được bao lâu. Thế này thì còn mở nhà hàng gì nữa”, anh H. nói.
Chị M.H (ngụ tại Phú Mỹ Hưng, Q.7) thì than thở không bán được mảnh đất ở H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) để mua căn hộ cho thuê kiếm thêm thu nhập chi tiêu hằng tháng. Chị H. kể chị góp 5 tỉ đồng cùng mua đất với người em từ vài năm qua. “Cuối năm 2019, thông tin phê duyệt cầu Cát Lái khiến đất Nhơn Trạch lên cơn sốt, tôi đã hối bán nhưng em tôi không chịu. Qua năm nay nó đồng ý bán thì lại chẳng ai mua. Tôi về hưu rồi, chẳng mong lời lỗ nhiều nữa, chỉ muốn đổi sang căn hộ cho thuê để có thêm tiền chi tiêu cho thoải mái”, chị Hà cho biết.
Thực tế, thanh khoản trên thị trường BĐS tại TP.HCM đã sụt giảm mạnh sau tết. Ông Thanh Tùng, nhân viên môi giới của Công ty Coutruy Garden - chuyên bán các sản phẩm từ nước ngoài, cho biết do dịch cúm, nên chủ đầu tư dự án đã dừng các hoạt động bán hàng trên toàn thế giới đến cuối tháng 3.2020 mới triển khai trở lại. Trong thời gian này đa số các nhân viên đều không đi làm, toàn công ty chỉ “ngồi chơi xơi nước”.
Không giấu giếm, đại diện Công ty PPX thừa nhận từ đầu năm đến nay số lượng giao dịch sụt giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019. “Tất cả cũng do dịch Covid-19, mọi người không còn chú trọng gì vào việc làm ăn, kinh doanh, nhất là đầu tư vào lĩnh vực BĐS, lĩnh vực cần lượng tiền lớn. Trong giai đoạn này nhiều người có tâm lý “tích trữ” tiền mặt để trong tình huống xấu nhất là dịch bệnh bùng phát thì họ có tiền để chăm lo cuộc sống, khách hàng không muốn đi lại xem đất”, vị này nhận định.
Hạ giá cũng không có giao dịch
Theo ông Đinh Duy Trinh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn BĐS Việt Nam, hiện tại giao dịch chững hẳn. Không thể “kiếm cơm” từ nghề, nhiều môi giới đã dần chuyển qua làm việc khác hoặc tạm nghỉ một thời gian. Ở một số khu vực đất đai “nóng sốt” nhất thời gian qua ở TP.HCM như Q.9, Hóc Môn, Củ Chi hay Q.12, số lượng môi giới dẫn khách đi xem đất nền, nhà phố đếm trên đầu ngón tay, thậm chí cả tuần không có khách nào. Đa số chào bán ở thời điểm này là sản phẩm thứ cấp nhà đầu tư gửi nhưng cũng không bán được. Nhiều nền đất có hiện tượng hạ giá để ra hàng cũng không có giao dịch. “Bản thân công ty của tôi cũng đã cắt giảm nhân sự hơn một nửa. Giai đoạn này các anh em môi giới hay nói nửa đùa nửa thật là nín thở qua sông, làm túc tắc để duy trì công ty chứ không trông mong vào sự phát triển”, ông Trinh cho hay.
Một doanh nghiệp BĐS tại Q.12 đã chuẩn bị cho các kế hoạch tiếp cận khách hàng nhưng do lượng khách quan tâm dự án ít nên dừng kế hoạch để triển khai nội dung khác. Một số doanh nghiệp khác thì chờ diễn biến của dịch bệnh mới bung hàng hoặc dời kế hoạch triển khai dự án vào quý cuối năm.
Ghi nhận cho thấy không chỉ ở TP.HCM, các khu vực tỉnh lân cận cũng trong tình trạng khó khăn về giao dịch ngay thời điểm sau tết. Theo các doanh nghiệp, nếu cùng kỳ năm ngoái sau tết vẫn khá nhiều khách hàng đi xem nhà đất thì hiện tại vắng hẳn. Một phần vì thị trường thiếu nguồn cung mới, phần vì tác động của tâm lý người mua từ dịch Covid-19. Ở một số khu vực có thông tin về hạ tầng giao thông chuẩn bị triển khai cũng ghi nhận sự chững lại rõ rệt. Nếu trước tết vẫn có giao dịch thì sau tết khá im ắng.
“Từ đầu năm đến nay cả xã hội đều chăm chăm vào việc chống dịch, không ai nghĩ gì đến BĐS nên công ty tôi cũng không bán được gì. Cuối tuần rồi công ty tổ chức sự kiện bán hàng tập trung nhưng không bán được căn nào. Năm nay chúng tôi chỉ tập trung bán hàng tồn đọng năm ngoái còn nhiều, ước khoảng 2.000 tỉ đồng và không triển khai thêm các dự án mới”, lãnh đạo một công ty BĐS ở Long An buồn rầu nói.
Mong muốn “tháo” chính sách
Không chỉ ảnh hưởng do dịch cúm Vũ Hán, ông Trần Đức Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trần Anh, nói thẳng ở tỉnh Long An,
6 tháng cuối năm 2019 không ra được một chủ trương đầu tư nào. Bước qua năm 2020, mọi việc có vẻ cũng không khá hơn. Hiện nay xin dự án mới không cấp, trong khi Nghị định 30 về đấu thầu dự án không rõ ràng, không có cách giải quyết cụ thể như thế nào khiến doanh nghiệp tiến thoái lưỡng nan.
“Mong muốn của các doanh nghiệp làm sao cho một cơ chế minh bạch, các luật cần phải rõ ràng, không được chồng chéo. Ví dụ hiện nay đã có quy định cho xây dựng căn hộ diện tích nhỏ 25 m2. Tuy nhiên đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể ở một chung cư thương mại được xây dựng bao nhiêu phần trăm căn hộ nhỏ. Trong khi ở Long An hiện nay các khu công nghiệp rất nhiều nên nhu cầu về loại hình căn hộ nhỏ rất lớn. Còn thị trường lên xuống tôi nghĩ là chuyện bình thường. Lên thì doanh nghiệp lời, xuống thì lỗ, phải chấp nhận”, ông Vinh bức xúc.
Liên quan những khó khăn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu kiến nghị UBND TP.HCM: “Dịch Covid-19 đang tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nước ta, làm tăng thêm khó khăn cho thị trường BĐS, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Do đó, UBND TP.HCM cần đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch cúm Corona về việc cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu lại các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế… để giúp cho một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật nhưng đang gặp khó khăn”.
Đa số các doanh nghiệp BĐS đều mong muốn nhà nước có cơ chế nào tháo gỡ khó khăn đối với loại đất công xen cài trong các dự án. Bởi hiện nay đa số các dự án đứng hình mà nguyên nhân xuất phát từ quy định phải đấu giá đất công mà thực tế đất công cộng đó là đất rạch, bờ đất, đường. HoREA đề xuất hình thức “giao đất” cho chủ đầu tư, cơ chế đổi ngang “đất thô” hoặc Chính phủ cho phép thực hiện hoán đổi phần đất thuộc nhà nước quản lý để lấy đất đã có hạ tầng của dự án, theo tỷ lệ do nhà nước quy định đối với những dự án (mới) đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư tỷ lệ hoán đổi có thể khoảng 15%... Theo HoREA, cách làm này giúp nhà nước có lợi và doanh nghiệp cũng có lối thoát cho các dự án bị “đứng hình” có khi chỉ vì vài mét vuông đất công.
Đình Sơn (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều bạn trẻ đã đặt lịch chụp ảnh từ sớm để đón Tết Nguyên đán 2025 (ảnh nhân vật cung cấp).

Dịp Tết, nhiều dịch vụ “ăn nên làm ra”

(GLO)- Ngay từ đầu tháng Chạp, nhu cầu đăng ký, sử dụng các dịch vụ trong dịp Tết như chụp ảnh, dọn nhà, giặt ủi... của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này “ăn nên làm ra”.