Bất động sản nghỉ dưỡng năm 2020, sẽ có một năm khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2020, bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và condotel nói riêng sẽ khó khăn khi nhà đầu tư đang mất niềm tin vào phân khúc này.
Bất động sản nghỉ dưỡng giảm 80%
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, năm 2019 lượng giao dịch condotel giảm 5 - 10%/năm. Giá bán bình quân của căn hộ du lịch giảm 8% so với năm trước đó. Những địa phương có nhiều giao dịch về condotel trước đây nhất là Đà Nẵng và Khánh Hòa nhưng đã sụt giảm mạnh.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, condotel là loại hình bất động sản mới, được phát triển nhanh ở Việt Nam từ năm 2015, cao trào năm 2016, 2017. Tuy nhiên, từ năm 2018, 2019, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có xu hướng chững lại. Đáng chú ý, số dự án condotel được thẩm định mới dự kiến trong năm 2019 giảm 80% so với cao điểm. Từ năm 2015 đến nay có khoảng trên 30.000 căn condotel. Trong quý III/2019, chỉ có 2.515 giao dịch thành công.
Bất động sản nghỉ dưỡng năm 2020, sẽ có một năm khó khăn. (Ảnh minh hoạ: KT)
Bất động sản nghỉ dưỡng năm 2020, sẽ có một năm khó khăn. (Ảnh minh hoạ: KT)
Giai đoạn 2016-2017 và nửa đầu năm 2018 nhờ vào hiện tượng cam kết lợi nhuận khủng 10-12% một năm, thậm chí có nơi cam kết đến 15% một năm, thị trường đầu tư condotel diễn biến sôi động.
Mặc dù vậy, do tác động tiêu cực từ sự kiện dự án Cocobay không đảm bảo cam kết lợi nhuận cho khách hàng khiến tâm lí nhà đầu tư e ngại.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định: “Giao dịch tại thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm 2020 có thể không tăng so với năm 2019.”
Tuy nhiên, ông Đính vẫn cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng là thị trường có tiềm năng phát triển bởi đòn bẩy là kinh tế du lịch và khả năng sinh lời tốt. Ngoài ra, pháp lí dành cho loại hình sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có thể được qui định cụ thể trong năm 2020, cải thiện tâm lí cho các nhà đầu tư.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, bất động sản nghỉ dưỡng đang phát triển tốt thì từ câu chuyện của Cocobay có biểu hiện “đứt gánh giữa đường”.
“Đây là thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của chủ đầu tư, muốn thu hút nhà đầu tư thứ cấp bằng lợi nhuận cam kết. Trên thế giới không có chuyện cam kết lợi nhuận, nếu cùng nhau đầu tư thì chủ đầu tư dự án và nhà đầu tư thứ cấp phải cùng nhau chia sẻ lợi nhuận và rủi ro trong kinh doanh” - GS. Đặng Hùng Võ nói.
Tín dụng vào bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục bị “siết”
Ngoài niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng sau sự kiện dự án Cocobay, nhiều lý do khiến cho bất động sản nghỉ dưỡng rơi vào trạng thái “đóng băng” tạm thời. Đó là  vốn vay để đầu tư cho bất động sản nghỉ dưỡng bị hạn chế, giá bán của sản phẩm ở ngưỡng cao, cũng như vấn đề pháp lý cho cho các sản phẩm condotel vẫn chưa thực sự được tháo gỡ gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư.
Vấn đề pháp lý, đây được xem là rào cản với bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Cụ thể, dù xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ năm 2014 đến nay, loại hình này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu là sổ đỏ như các loại hình bất động sản khác.
Trong bối cảnh các ngân hàng đồng loạt siết vốn vay bất động sản như hiện nay khiến cho không ít các dự án bị đẩy giá lên cao và đưa các doanh nghiệp bất động sản rơi vào thế khó. Mặt bằng chung giá của condotel đang rơi vào khoảng 35 đến 45 triệu/m2; trong khi diện tích condotel trung bình từ 45 đến hơn 100m2. Đây là con số quá cao để có thể sở hữu được một condotel.
Điểm duy nhất để hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân là mức lợi nhuận từ 8 - 12% mà các chủ đầu tư đưa ra. Nhưng điều này không có được sự đảm bảo khi có những dự án đã đổ vỡ không giữ được cam kết lợi nhuận với khách hàng.
Trước những khó khăn của bất động sản nghỉ dưỡng nhưng ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế lại có cái nhìn lạc quan về thị trường này với kinh tế biển và du lịch là thế mạnh của Việt Nam đang được phát triển.
“Condotel là thế mạnh của Việt Nam về kinh tế nói chung chứ không riêng gì bất động sản. Về lâu dài thì condotel là tiềm năng cuối cùng của bất động sản Việt Nam cho nên dù hiện tại có những trục trặc về pháp lý khiến nhà đầu tư e ngại nhưng vẫn có tiềm năng phát triển” - ông Lê Xuân Nghĩa nói.
Theo Phương Hoài/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm

Thị trường đất nền 'rã băng'

Thị trường đất nền 'rã băng'

Ở phía Bắc, nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, như Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức tăng từ 1,7 - 2 lần so với quý I/2023. Trong khi ở phía Nam, mức độ quan tâm đất nền tại quận 12, TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn tăng từ 13 - 25%.