Mê đắm trong thế giới tre nứa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi tìm hiểu và khám phá thế giới nhạc cụ được chế tác từ nguyên liệu tre nứa gần gũi, quen thuộc của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên.

Trong số nhạc cụ thuộc bộ hơi (sáo vỗ, đinh tút, đing buốt, đing năm) cũng như bộ gõ (t’rưng, ching kram, đing pá, đing pơng) đều đã có sự cách điệu và sáng tạo đáng kinh ngạc, khiến những ai có dịp thưởng thức, dù một lần cũng cảm thấy lạ lẫm và mê đắm.

Sự cách điệu và sáng tạo ấy đến từ những nhạc công, hoặc nhà nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc hiện đại như: Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, Trương Ân, Niê Sơn (nguyên thành viên Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk), Nguyễn Đức và Nguyễn Trường (nguyên giáo viên giảng dạy âm nhạc Trường Cao đẳng Văn hóa Đắk Lắk). Tôi đã nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện với những nghệ sĩ, nghệ nhân này - và lần nào cũng vậy, họ đều cho ra mắt những sáng tạo nhạc cụ tre nứa hết sức mới mẻ.

Diễn tấu đàn t'rưng. Ảnh: Hữu Hùng

Diễn tấu đàn t'rưng. Ảnh: Hữu Hùng

Gần đây nhất là chiếc đàn tre lắc của anh Nguyễn Đức được cách điệu từ nhạc cụ truyền thống có tên gọi Angklung của Indonesia. Nhạc cụ ấy cũng được chế tác từ chất liệu tre nứa và được xem là “quốc cầm” của quốc đảo này, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2010.

Đàn Angklung được cấu tạo từ 2 – 3 ống tre đặt vuông góc trên thanh tre ngắn (làm giá đỡ) khoảng 15 – 30 cm. Nối kết các ống tre là những thanh tre vót nhỏ như chiếc đũa, được buộc bằng dây mây. Âm thanh (tremolo - tiếng reo) của Angklung tạo nên do các nghệ sĩ dùng tay để lắc, làm cho các ống tre va đập vào nhau một cách ăn ý giữa nhiều người cùng diễn tấu trong bất kỳ không gian nào. Từ nguyên lý ấy, nghệ nhân Nguyễn Đức đã gộp 15 chiếc Angklung đơn lẻ lại trên một khung gỗ cố định, rồi dùng những phím tre tương ứng kết nối với từng chiếc đàn trên để chơi (như chơi piano vậy). Sáng tạo này được anh đặt cái tên rất dân dã: Đàn tre lắc - và nó có thể chơi được bất kỳ tác phẩm âm nhạc nào theo bảy nốt (đồ - rê - mi - pha - sol - la - si) hiện đại.

Diễn tấu đàn tre lắc, hòa điệu cùng guitare do vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Đức thể hiện.

Diễn tấu đàn tre lắc, hòa điệu cùng guitare do vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Đức thể hiện.

Hiện chiếc đàn tre lắc của nghệ nhân Nguyễn Đức chỉ có độc một bản và được anh đặt trang trọng trong phòng khách. Ai đến nhà chơi (thôn 5, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột), nếu thích thú cứ việc chơi; hoặc mời vợ chồng anh diễn tấu, có guitare đệm cùng thì quả là một trải nghiệm khó quên. Theo anh, trong thế giới nhạc cụ tre nứa thì sự cách điệu, sáng tạo là vô bờ bến và điều đó đã giúp vốn âm nhạc Tây Nguyên mở rộng biên độ lan tỏa hơn đến với công chúng trong nước cũng như bạn bè quốc tế. Ví như tại Hội thảo Tre thế giới lần thứ 4 năm 2022 (World Bamboo Work Shop) diễn ra tại Làng tre Phú An - Bình Dương, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật liên quan đến tre được Tổ chức Tre thế giới mời nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân chế tác nhạc cụ tre nứa đến trình diễn nhằm ghi nhận, tôn vinh công dụng và ý nghĩa của tre trong đời sống (trong đó có âm nhạc), anh Đức cùng với nghệ sĩ Nguyễn Trường đã góp mặt để giới thiệu vốn âm nhạc tre nứa của Tây Nguyên và đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người tham dự.

Nghệ nhân Nguyễn Đức chia sẻ, tuy lúc ấy, chiếc đàn tre lắc của anh chưa ra đời, nhưng với một số nhạc cụ được chế tác, sáng tạo mới như ching kram cộng hưởng, đing pá mở rộng cao độ hàng âm và viola tre (một sáng tạo của Nguyễn Trường) được giới thiệu, diễn tấu sinh động khiến tất cả mọi người ngạc nhiên và thích thú. Ông Michel Abadie, Giám đốc Tổ chức Tre thế giới đã cảm khái rằng: Qua bàn tay của con người đã cho thấy cây tre cùng đồng hành với chúng ta trong quá trình phát triển - từ kinh tế, xã hội, văn hóa đến nghệ thuật (trong đó có âm nhạc) để hướng tới một thế giới tốt đẹp, ý nghĩa hơn. Những nhạc cụ của tre nứa trên đã chứng tỏ điều đó một cách sinh động và sâu sắc.

Du khách quốc tế tìm hiểu, trải nghiệm với nhạc cụ tre nứa Tây Nguyên.

Du khách quốc tế tìm hiểu, trải nghiệm với nhạc cụ tre nứa Tây Nguyên.

Với Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân và Trương Ân cũng thế - chế tác, sáng tạo thêm nhạc cụ tre nứa đối với họ là niềm say mê đắm đuối.

Gặp nhau lần nào, nghệ sĩ Vũ Lân cũng nhắc đến những nhạc cụ tre nứa mà mình từng gắn bó và tìm cách phát triển nó dưới mọi dạng thức.

Nào là hòa tấu ky pá và đing pơng; diễn tấu h’nung ngba, đing năm, sáo lút, đing buốt, đing tạc tà, tưng gơ và đặc biệt là sáo vỗ do ông sáng tạo ra đầu tiên.

Ông nhận xét về thế giới âm nhạc tre nứa rất đỗi tinh tế, tự hào rằng: Cũng là các nhạc cụ thuộc bộ hơi, nhưng biện pháp kích âm không chỉ là thổi, mà còn sử dụng các thao tác diễn xướng như vỗ, gõ, dỗ, dọng, vuốt… tạo nên những thang âm phong phú, đa dạng hơn. Những biện pháp kích âm độc đáo ấy sẽ còn mở ra cơ hội sáng tạo trong việc chế tác, biểu diễn các nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên.

Trước đây và đến nay cũng vậy, cứ sau mỗi lần biểu diễn trong nước hay quốc tế, chúng tôi không những được tán thưởng bằng những tràng pháo tay kéo dài, mà khán giả còn tìm gặp các nghệ nhân để tìm hiểu về các loại nhạc cụ truyền thống của các tộc người ở Tây Nguyên. Điều đó thật hạnh phúc, bởi vốn âm nhạc Tây Nguyên đã được nhiều người biết đến và có sức lan tỏa ngày càng sâu rộng hơn”- Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân.

Quả đúng như nhận xét của Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, dư địa trong thế giới nhạc cụ này vẫn giàu tiềm năng, cảm xúc để các nghệ sĩ, nghệ nhân khai thác và sáng tạo.

Ví như từ những ống tre nứa dài ngắn khác nhau, được người Êđê, Bana, J'rai, M’nông, Xê đăng… treo trang trí trước hiên nhà, để khi cơn gió thổi qua làm những ống tre nứa ấy va đập vào nhau, phát ra âm thanh trong trẻo, tươi vui - nghệ sĩ Trương Ân đã kết hợp nó lại thành một hàng ống liền kề nhau (số lượng nhiều hay ít, tùy thuộc vào không gian diễn xướng), sau đó đeo vào người để diễn tấu.

Loại nhạc cụ mới mẻ này được gọi là chiêng gió đeo, nó có lợi thế là di chuyển linh hoạt trong bất kỳ không gian, hoàn cảnh nào - trên sân khấu cố định, hay ngoài trời khoáng đạt. Với sáng tạo này, chiêng gió ở đâu cũng có thể hòa điệu nhịp nhàng với các loại nhạc cụ truyền thống tiêu biểu như cồng chiêng, ching kram, đàn t’rưng và nhiều bộ gõ có ống cộng hưởng khác được những nghệ sĩ, nghệ nhân nói trên cách điệu và sáng tạo không ngừng.

Theo Đình Đối (baodaklak)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.