Một nhóm đối tượng mạo danh Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng để lừa đảo. Đây là lời cảnh tỉnh người dân cảnh giác trước loại tội phạm này.
Thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại không mới nhưng nhiều người vẫn bị lừa. (Ảnh minh họa: KT). |
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương xảy ra các vụ lừa đảo qua điện thoại hoặc các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber… Thủ đoạn của loại tội phạm này không mới nhưng nhiều người bị mắc bẫy và mất tiền oan. Mới đây, một nhóm đối tượng mạo danh Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng để lừa đảo. Vụ việc này thêm lời cảnh tỉnh người dân cảnh giác trước những loại tội phạm này.
Khoảng 13h00 ngày 01/10, anh Hồ Đăng Kh. thường trú tại Phường 18, Quận 4, thành phố Hồ Chí Minh nhận được điện thoại của một phụ nữ gọi đến số máy bàn của cơ quan nơi anh Kh. đang công tác. Sau vài lời hỏi thăm, người phụ nữ này xưng là nhân viên Bưu Điện thành phố Hồ Chí Minh và cho biết có một bưu kiện gửi đến người nhận là anh Kh. nhưng đã 2 ngày chưa thấy người nhận.
Người phụ nữ này cho biết, trong bưu phẩm có hàng chục thẻ tín dụng chuyển đi nước ngoài nhưng bưu điện phát hiện, gửi trả về nơi gửi ở thành phố Đà Nẵng và bị Công an thành phố Đà Nẵng thu giữ để điều tra.
Tiếp sau đó, người phụ nữ này nối máy cho một người tự xưng là cán bộ điều tra của Phòng Cảnh sát Điều tra, Công an thành phố Đà Nẵng. Người đàn ông này dùng lời lẽ như hỏi cung, liên tục tra hỏi anh Kh. về mối quan hệ cá nhân, tài sản… Sau đó, người này dùng số máy di động gọi vào số điện thoại di động của anh Kh. và yêu cầu anh Kh. kết bạn Zalo.
Đối tượng này gửi cho anh Kh. bản chụp “Lệnh bắt bị can” của Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại thành phố Đà Nẵng ngày 2/10. Trong đó, có nội dung ghi “Ông Hồ Đăng Kh. bị Viện Kiểm sát Cấp cao tại thành phố Đà Nẵng bắt tạm giam về tội: Mở 2 tài khoản tại Ngân hàng Đầu tư và Phát Triển - BIDV và Ngân hàng Ngoại Thương -Vietcombank dùng để rửa tiền trốn thuế xuyên quốc gia cho đường dây buôn bán ma túy theo lời khai của hai đối tượng Nguyễn Văn Long và Lê Thị Minh Thư…”.
Đồng thời, đối tượng nam này yêu cầu anh Hồ Đăng Kh. phải chuyển cho chúng số tiền hơn 300 triệu đồng vào một tài khoản tại một ngân hàng để phục vụ công tác điều tra… Rất may anh Kh. đã cảnh giác và không làm theo yêu cầu của các đối tượng này.
Sáng ngày 4/10, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV đã trao đổi với ông Nguyễn Quang Dũng, Viện Trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại thành phố Đà Nẵng để xác nhận những thông tin liên quan.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại thành phố Đà Nẵng nhận định đây là văn bản giả mạo. |
Ông Dũng cho biết, đây là văn bản giả mạo. Con dấu trong văn bản không đúng với mẫu con dấu của Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại thành phố Đà Nẵng. Theo nguyên tắc, khi phát lệnh bắt bị can để tạm giam phải có chữ ký của Viện trưởng nhưng văn bản giả mạo này lại không có.
Ông Nguyễn Quang Dũng khẳng định, đơn vị không thụ lý giải quyết vụ việc nào liên quan đến những người như nội dung trong văn bản giả mạo và sự việc này cũng không thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị.
Đại tá Quách Văn Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian gần đây, đơn vị liên tục nhận được nhiều đơn thư của người dân phản ánh, một số người mạo danh các cơ quan tư pháp hoặc thông qua các trang mạng xã hội để lừa đảo.
Nội dung lừa đảo xoay quanh việc người bị hại nợ cước viễn thông, hoặc có liên quan đến một vụ án mua bán ma túy... Sau đó, các đối tượng yêu cầu người bị hại mở tài khoản hoặc gửi tiền vào một tài khoản có sẵn để kiểm tra. Đây là thủ đoạn không mới nhưng đã có nhiều người nhẹ dạ, cả tin bị lừa cả tỷ đồng.
"Cục Cảnh sát Hình sự và Phòng Cảnh sát Hình sự công an các địa phương đang điều tra. Có những vụ đã khởi tố vụ án và đang xác minh để xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Người dân khi tiếp nhận những cuộc điện thoại lạ có những thông tin như vậy thì cần hết sức cảnh giác. Nếu đã nhỡ chuyển tiền thì nên khẩn trương báo cáo cơ quan công an để điều tra", Đại tá Quách Văn Dũng khuyến cáo.
Vinh Thông/VOV-Miền Trung