Lũ oan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi Thương đến được bờ suối Đak Haway thì đã ba giờ chiều. Ra đến giữa dòng, nước mới xâm xấp trên cổ chân. Phải còn gần hai cây số nữa mới tới cái rẫy gần nhất của Đinh Tưl. Đi nhanh thì chừng năm giờ mới trở về lại suối Haway.

Qua suối, như mọi lần, Thương lại vòng qua con dốc trên gốc sung. Chị muốn tránh cái “tư dinh” của vợ chồng Tư Thiên ở đầu làng Tua. Ở đây, làng nào cũng có người Kinh vào mở quán, bán buôn, đổi chác với dân trong làng. Mỗi làng là một quán, phần lớn đời sống của làng nằm trong tay họ. Vợ chồng Tư Thiên đang thống trị kinh tế tại làng Tua. Thương cũng làm cái việc mua bán đổi chác với dân làng, nhưng chị giao hàng tận rẫy trên núi. Đổi được nải chuối, chục bắp thì lại nai lưng gùi về. Cực lắm! Vì cực nên vợ chồng Tư Thiên đâu thèm làm cái dịch vụ giao tận nơi như chị. Nhưng dưới mắt vợ chồng Tư Thiên, chị cứ vẫn được xem là kẻ “cạnh tranh không lành mạnh” của họ.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Phải tránh thôi! Thương ngại cái nhìn như chửi vào mặt người ta của mụ vợ, cặp mắt đau đáu tục tằn của lão chồng như muốn lột trần tấm thân còn đẫy đà của chị. Nhanh chân thôi! Phía Sơ Ró, thượng nguồn Đak Haway cũng đang xám ngoét một trận mưa lớn.

Đinh Tưl lấy hết một lít rượu trắng, một ký khô chuồn, một cây thuốc Mai. Tưl làm rẫy thì không ai chê được. Vạt nương mới đốt năm ngoái nằm lưng chừng núi, dốc lắm. Khi bước lên, bàn chân này phải ngang đầu gối chân kia, nhưng qua tay Tưl là đủ ăn cả năm cho cả nhà. Còn một ít hàng, Thương định cố qua con giông này, ghé nhà Đinh Chun... Mà thôi vậy, về thôi. Bỗng nhiên, Thương thấy sốt ruột quá! Chị quay quả đi như chạy. Đinh Tưl mở ngay chai rượu trắng, tợp ngay một ngụm lớn, chẳng kịp lùi một con khô chuồn làm mồi. Hai ngày rồi không có rượu, thèm lắm!

Đúng bốn giờ ba mươi, chân Thương chạm vào mép nước Đak Haway. Cơn mưa nguồn làm đổi màu con suối, ngầu ngầu đục, nước đang lên đấy, nhanh lắm. Chừng này mà ra đến giữa dòng cũng phải tới trên bẹn mất. Cơn lũ bà chằng hai ba tháng mười đã qua cả mười mấy hai chục ngày rồi! Mưa cơn thôi mà. Nghĩ vậy, Thương lao xuống dòng suối, guồng chân, cứ lạng quạng mà lần bước.

Chợt, Thương có cảm giác đáy Đak Haway như sụt xuống. Thảng thốt, chị đã thấy dòng suối ngầu lên sùi bọt. Kinh nghiệm mấy năm qua lại ở đây khiến chị nhoài người, hết sức lao thật nhanh. Lũ về thật rồi! Không kịp nữa, chân chị hụt hẫng, nước ùa về hất chị vào cái cây khô giữa dòng. Chị nắm chặt cành cây khẳng khiu, thả mặc những lọn nước như vòi bạch tuộc quấn lấy chị mà đưa lên, nhận xuống. Bất giác chị gọi tên chồng, tên người đàn ông đã ba năm rồi bỏ chị một mình với đứa con còn ẵm ngửa. Vậy nên, ba năm nay, Thương mang con, bỏ xứ đồng bằng lên tha phương cầu thực ở đất núi này. Từ đó, tưởng chẳng bao giờ chị nghĩ đến hắn nữa.

Thấy cơn mưa lớn, Đinh Tưl che vội cái chòi rẫy rồi tất tả về làng. Mang cho hai mẹ con mấy con khô là cái cớ thôi, chứ thực ra có chút men là lại thèm lắm được ôm vợ ngủ. Đến Đak Haway, vừa lúc mưa sập xuống... Bỗng Tưl thất thanh kêu lên: “Trời ơi!”. Nếu không có cái áo khoác màu hồng tươi của Thương nhập nhoàng trong nước, chắc gì Tưl đã thấy chị khi đang cắm đầu chạy về làng. Từ mép nước ra đến chỗ cây khô nơi chị đang bám vào đó cũng hơn mười mét. Tưl quýnh quáng tìm cái gì đó đủ dài. Men của rượu giờ mới ngấm, làm Tưl ngã lên, té xuống…

- Ở đó, mình về làng kêu người…

Nước càng lúc càng dữ dội hơn, cành cây khô chỉ còn chút ngọn để Thương bám thật mong manh. Con nước hàm hồ cứ nắm lấy chị mà hất lên, nhồi xuống như vô tình giúp chị bẻ đi cái vật duy nhất làm chỗ mà hy vọng.

Tư Thiên vặn ngọn cây đèn Hoa Kỳ cho sáng hơn để nhìn rõ dĩa mồi kỳ đà xào sả ớt, con kỳ đà phải tới hai ký mà hồi chiều lão mới đổi bốn lon gạo gạt ngang cho thằng Đinh Ru. Vợ lão làm đồ nhậu quá đã. Chẳng thế, lão với Tám Tỉ, bạn lão, chuyên thu mua mì củ đã làm gần lít Bầu Đá rồi mà vẫn chưa thấm tháp gì.

Cái cành khô gặp nước dai đi nên đã không gãy trước khi Thương buông tay. Xoáy nước giữa dòng Đak Haway không nhận chị xuống mà ném chị vào gần bờ hơn….

Đinh Tưl chúi đầu ngay trước cửa quán Tư Thiên. Gượng dậy, Tưl chưa kịp nói gì, lão Tư Thiên đã kê ly Bầu Đá ngay miệng: “Đã rồi phải không? Thêm ly này cho tới luôn, trả công mày hôm giúp tao dựng cái cần ăng-ten ti vi”. Lão nghiêng cái ly, nửa ly cối rượu trôi tuột gần hết vào bụng Tưl. Tưl sõng xoài hai tay, hai chân giữa quán lão Tư, cảm nhận cuối cùng của Tưl là thấy đũng quần mình nóng hẳn lên. Cười khùng khục trong cổ họng, Tư Thiên rót tiếp, đẩy ly rượu qua cho Tám Tỉ, hất hàm kênh kiệu ngụ ý thúc bạn lão cạn ly. Liếc cặp mắt trắng dã xuống Đinh Tưl, Tư Thiên dặn vợ: “Chút bớt mưa, qua biểu con vợ nó cõng về”.

Cái ném mạnh của con xoáy làm đầu Thương đập mạnh vào đá cùng lúc cái áo khoác màu hồng tươi của chị vướng vào đám lằng ngoằng rễ cây. Thương quấn lấy đám rễ cây đó với sức lực cuối cùng. Nước bỗng mặn tanh qua vị giác yếu ớt của chị, nhưng chị chẳng thấy một quầng nước đỏ tươi quanh đầu mình. Thương chìm hẳn vào vô thức.

Ba thanh niên làng Tua đặt Thương nằm trên tấm catu cũ. Đinh Tưl đứng đó, thất thần. Cặp mắt trắng dã của Tư Thiên giờ nổi đầy gân máu trông càng đáng sợ. Lão oang oang: “May mà mắc vô đám đó, chớ không tìm mỏi!”. Chẳng biết Thương có nhận ra được cái may này không? Vợ Tư Thiên lặc lè ngồi xuống đưa tay vuốt mắt Thương. Mụ bỗng đứng bật dậy, mặt tái mét, giật lùi về phía chồng. Mắt Thương vẫn mở trừng trừng nhìn về phía bên kia suối Đak Haway, phía mặt trời sắp mọc. Chị vẫn chờ tia nắng mới đầu ngày…

Nguyễn Sơn

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.