Thấy chồng cầm hai cây tre dài, tôi ngạc nhiên hỏi: “Anh mua tre làm gì thế?”. Anh cười: “Làm lồng đèn cho con”. Tôi nghĩ: “Ừ nhỉ, sắp tới Trung thu rồi, chắc các con thích lắm đây!”.
Chồng tôi bắt đầu công đoạn chẻ tre. Những thanh tre được vót kỹ càng, trơn láng, anh cột thành bó nhỏ. Hai đứa con nhỏ ngồi xúm lại háo hức chờ đợi để được cùng với ba làm lồng đèn ông sao.
Những ngày nghỉ dịch ở nhà, lũ trẻ đã chán ti vi, nghe được ba làm lồng đèn cho thì thích lắm, đứa nào cũng ăn cơm thật nhanh để được làm lồng đèn. Chồng tôi sắp những thanh tre ra ngay ngắn, bắt đầu xếp hình ngôi sao và định hình bằng dây kẽm. Hai đứa nhỏ ngồi xếp bằng, nhìn ba không chớp, đôi mắt to tròn say sưa nhìn theo từng động tác của ba, đầy vẻ ngạc nhiên và tò mò. Vừa làm, chồng tôi vừa hướng dẫn hai đứa nhỏ cầm những thanh tre tập xếp lồng đèn nhỏ cho mình. Rồi cả 2 chí chóe giành nhau thanh tre thẳng hơn, đẹp hơn... Tôi nhìn ba cha con mà lòng rộn ràng nhớ về thuở nhỏ của mình.
Minh họa: Thủy Ngọc |
Hồi tôi còn nhỏ, cứ đến Tết Trung thu là ba tôi thường làm tặng những cái lồng đèn hình ngôi sao, hình con thỏ, có khi làm lồng đèn bằng giấy, bằng lon bia. Có lồng đèn mới, tôi thích lắm cầm đi khoe cả xóm. Đến đêm Trung thu thì những đứa trẻ trong xóm nhỏ của tôi hẹn nhau, cùng xách lồng đèn với những ngọn đèn cầy được thắp sáng, đi lòng vòng quanh xóm, lúc thì hát, lúc thì tíu tít nói chuyện. Nhưng cũng có khi đan xen là những tiếng khóc vì lồng đèn bị cháy, hoặc bị thổi tắt nến bởi những cậu nhóc nghịch ngợm. Rồi đoàn rước đèn của chúng tôi sẽ đi theo những đoàn lân từ nhà này sang nhà khác đến hết xóm mới chịu về nhà, trong sự hân hoan, phấn khích.
Trung thu bây giờ chỉ là sự tiện lợi, khi lũ trẻ chơi lồng đèn chủ yếu là lồng đèn điện nhập từ Trung Quốc với những đoạn nhạc được thu sẵn, bật nhiều lần, hết pin đoạn nhạc sẽ trở nên eo éo khó nghe. Lũ trẻ bây giờ cũng “cả thèm chóng chán”, chúng chơi một lúc lại thôi, vì cái nào cũng giống cái nào. Không thú vị như lũ trẻ hồi xưa của chúng tôi, chỉ nhà nào giàu mới có tiền mua lồng đèn làm sẵn, còn hầu như là tự làm. Có lẽ do ngày xưa thiếu thốn, nên lũ trẻ chúng tôi chỉ cần có đồ chơi là rất quý, giữ gìn như báu vật dù là món đồ được làm bằng tay rất đơn giản. Hai đứa con tôi cũng được mua cho những cái lồng đèn điện hình Đôrêmon, hình siêu nhân… nhưng có vẻ chúng cũng không thích cho lắm, chơi được một lúc là lại bỏ đấy, tìm đồ chơi khác để chơi, hoặc đòi hỏi những thứ lạ lẫm hơn.
Tôi nhớ, cứ Trung thu về, có một cụ già thường ngồi bán lồng đèn ở ngay góc đường Phạm Hồng Thái và Hai Bà Trưng, đoạn trước Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku. Cụ thường treo những chiếc lồng đèn được làm bằng tay, rất tinh xảo và tỉ mỉ, đung đưa trong gió. Năm nào tôi cũng ghé chỗ cụ để xem cụ làm lồng đèn và mua một cái nhỏ nhỏ về treo trong nhà cho có không khí của ngày rằm tháng tám. Cũng một vài người lớn nhớ về ngày xưa cũ nên cũng tìm đến ông cụ để mua về cho con của mình. Năm nay, gần đến Tết Trung thu, tôi đã đôi lần cố ý đi ngang đoạn đường đó, tần ngần lần tìm mà không thấy cụ. Không biết có phải vì ảnh hưởng dịch bệnh nên cụ cũng hạn chế ra đường...
Ba cha con sau một buổi tối cùng nhau làm lồng đèn, thành quả là một cái đèn ông sao to và hai cái lồng đèn nhỏ đủ màu sắc, phần màu do hai con trai dán dưới sự hướng dẫn của tôi. Cầm lồng đèn trên tay hai đứa nhỏ đều thích mê, cứ cầm mãi trên tay, thi thoảng lại hỏi trời tối chưa?
Chồng tôi tắt điện và thắp đèn cầy cho cái đèn lớn, chiếc đèn ông sao sáng lên giữa đêm, trước đôi mắt ngạc nhiên của hai đứa trẻ. Cả gia đình tôi, bốn người cùng đi lòng vòng trong nhà, trong sân, cùng nhau hát: “Tùng dinh dinh dinh dinh tùng dinh dinh/Đây ánh sao vui chiếu xa non ngàn/Tùng dinh dinh dinh dinh tùng dinh dinh/Ánh sao Bác Hồ tỏa sáng nơi nơi!...”. Nhìn ánh mắt lấp lánh và nụ cười trong trẻo giòn tan của các con, tôi nghĩ mặc dù năm nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các cháu không được đi rước đèn, nhưng có lẽ trong lòng của chúng đã có một mùa Trung thu ấm áp.
LÊ VI THỦY