Liệu Đà Lạt và Bảo Lộc có phải hạ loại đô thị sau khi sáp nhập?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau khi sáp nhập Lạc Dương vào TP Đà Lạt và 5 xã của huyện Bảo Lâm vào TP Bảo Lộc thì 2 thành phố này có mật độ dân số thấp.

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng có 2 thành phố là Đà Lạt - đô thị loại I và Bảo Lộc - đô thị loại 3. Sắp tới, huyện Lạc Dương sẽ được sáp nhập vào TP Đà Lạt và 5 xã ((Lộc An, Lộc Thành, Lộc Nam, Tân Lạc và Lộc Tân) của huyện Bảo Lâm sáp nhập vào TP Bảo Lộc.

Sau khi sáp nhập huyện Lạc Dương, TP Đà Lạt có tổng diện tích 1.704 km2.
Sau khi sáp nhập huyện Lạc Dương, TP Đà Lạt có tổng diện tích 1.704 km2.

Theo Bộ Xây dựng, TP Đà Lạt sau sáp nhập có dân số tăng lên hơn 293 ngàn người (huyện Lạc Dương đang có hơn 35 ngàn người), diện tích tăng lên 1.704 km2 (huyện Lạc Dương gần 1.314 km2), mật độ dân số hơn 1172 người/km2. Khu vực nội thị của Đà Lạt dự kiến gồm 12 phường - gồm 11 phường hiện hữu và thị trấn Lạc Dương thành phường Langbiang. Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đề xuất sau sáp nhập thì Đà Lạt đạt tiêu chí đô thị loại II.

TP Bảo Lộc sau sáp nhập có dân số tăng lên gần 262 ngàn người (5 xã của huyện Bảo Lâm có dân số gần 66 ngàn người), diện tích tăng lên hơn 598 km2, mật độ dân số gần 438 người/km2. Khu vực nội thị gồm 6 phường hiện hữu và 2 phường mới - phường Lộc Châu từ xã Lộc Châu và Lộc Nga từ việc sáp nhập xã Lộc Nga hiện hữu với xã Tân Lạc của huyện Bảo Lâm.

Theo quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040, thành phố này hướng đến mục tiêu đạt đô thị loại 2 vào năm 2025, là đô thị tiệm cận loại 1 vào năm 2040.

Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, đô thị vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên thì mức tối thiểu của các tiêu chuẩn quy mô dân số bằng 60% mức quy định; mức tối thiểu của tiêu chuẩn mật độ dân số toàn đô thị bằng 50% mức quy định; các tiêu chí khác thực hiện theo quy định với loại đô thị tương ứng.

Tuy nhiên, việc sáp nhập huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt sẽ ảnh hưởng các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị của Đà Lạt; còn phương án sáp nhập 5 xã của huyện Bảo Lâm vào TP Bảo Lộc chỉ mới đáp ứng 53% tỉ lệ số phường mới thành lập.

5 xã của huyện Bảo Lâm sẽ sáp nhập vào TP Bảo Lộc.

5 xã của huyện Bảo Lâm sẽ sáp nhập vào TP Bảo Lộc.

Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, đánh giá kĩ lưỡng các phương án, phạm vi sắp xếp để hạn chế tối đa tác động chất lượng đô thị và các tác động bất lợi khác nếu phải hạ loại độ thị. Lưu ý tiêu chuẩn mật độ dân số toàn đô thị phải lớn hơn mật độ dân số bình quân toàn quốc.

UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tập trung hoàn thành đầy đủ hồ sơ đề án phân loại đô thị, tham mưu đề xuất UBND tỉnh trước đầu tháng 6-2024.

Trong đó cần lưu ý đối với việc sáp nhập huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt, phải đánh giá kỹ các phương án, phạm vi sắp xếp để hạn chế tối đa tác động chất lượng đô thị và các tác động bất lợi khác nếu phải hạ loại đô thị sau sáp nhập. Tuân thủ yêu cầu loại đô thị theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.

Đối với việc sáp nhập 5 xã thuộc huyện Bảo Lâm vào TP Bảo Lộc, phải rà soát các tiêu chuẩn đơn vị hành chính sau sắp xếp nhằm đảm bảo đề án phân loại đô thị được đồng bộ, phù hợp với các tiêu chuẩn đề ra.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.