Lênh đênh nỗi buồn cố xứ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đôi khi ta giật mình nghĩ về những thứ ta chất trên chuyến xe đời.
Còn em, em gái, có khi nào em nghĩ về thứ vô hình, hư ảo này chưa? Em lao vun vút trên xa lộ cơm áo giữa thời buổi cực nhọc mới tạo ra được miếng ăn và tồn tại nên em quên cũng phải. Và vì em còn quá trẻ, mà trẻ thì người ta thường chưa cần nhìn lại, ngoái đầu. “Lúc môi còn đong đỏ/ Chưa biết sầu biệt ly”.
Cái nghèo khó trên quê xứ núi cao đã làm em ra đi, biệt tăm, tìm cơ hội ở không gian sống khác kỳ vọng đủ đầy, tiện lợi, thụ hưởng, thăng tiến và được tôn trọng.
Thế mà bỗng một ngày em bảo, thì ra giàu sang cũng chỉ là cái sọt rác và em đã biết buồn…
Đó là lúc em đứng dưới một bóng cổ thụ ven đường thấy mát mẻ và nhìn lên sự sần sùi bạc phếch của thân cây, lòng mang mang nguồn cội. Tiếng chim kêu trên cao, đâu đó nơi những tàng lá, làm cho em thấy sự hoang vu là cái gì đó dễ chịu, dù một bóng cây chỉ là mảnh hoang vu vật vờ. Là khi em nhớ về trường xưa, xóm cũ, cái chợ bần hàn không bao giờ có đồ xa xỉ, nhớ về chỗ em trao cái hôn đầu tiên. Là khi em nhớ về thung lũng ruộng nước gầy gò và cái rẫy xa ngợp mưa, chói nắng, sần sùi bụi đỏ; nhớ cây cầu bằng nguyên một thân cây gác qua hai bờ suối em hay đi về trên đó, dù nay đã được xây bằng bê tông to lừng rồi. Là cái quán cóc ở khúc quanh của con đường núi, nơi có cây kơ nia cuối cùng sót lại. Là cái đám sình lạc loài đầy bèo ở ngoại ô thị trấn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Em cũng buồn khi mang mang trong ký ức là sự thoai thoải của ngọn đồi cùng thảm cỏ xanh trên nó, dù giờ đây người ta làm thủng xuống hóa thành cái hồ nước nham nhở sau khi khai thác quặng thiếc để lại cảnh trạng. Là hồ nước tự nhiên bao đời của làng mà mùa nắng bông súng lên khoe sắc tím biếc, ai cũng có thể xuống đấy hái đôi bông về ăn, thì bỗng một ngày thành của riêng một người được giao lập nhà hàng và thế nhân mỹ miều gọi là “nhà đầu tư”. Là cánh rừng có cái nghĩa địa bên trong của bà con sơn nguyên bản địa đầy tượng gỗ nhà mồ bao giờ cũng như vườn nghệ thuật điêu khắc dân gian bỏ hoang và cứ mỗi sáng ra nắng giòn trên lá, bỗng một ngày bị giao đứt luôn cho nhà đầu tư trồng cây công nghiệp. Là bà già bị lũ con bỏ bê hàng ngày đi nhặt ve chai kiếm sống ở xứ nghèo đến nỗi ve chai vốn dĩ cũng khan hiếm. Là hình ảnh dăm ba phụ nữ sơn cước lúc nào cũng chiếc gùi trên lưng nhìn vào thấy nặng cả một kiếp người, mùa mưa cũng như mùa nắng. Và, khắc đậm đặc nhất cõi lòng em là cái cây ana truol cổ thụ bị dân nhập cư rọc sạch cành còn trơ trọi một mình trên ngọn đồi bên dòng Krông Nô, chỗ có hai, ba ngọn núi trắng phau bỗng nhiên tách rời những dãy núi liền lạc…
Không có sự trao đổi chất với sự nghèo sao nhìn ra chân lý đời. Hơi thở của cái nghèo là hơi thở của tự nhiên, sự thật, chân lý mà, bởi nó không mù mờ như trạng thái giả hình của son phấn phù hoa, khoe khoang. Không yêu thương kẻ cần lao sao hiểu được con người. Không chịu được nỗi buồn sao hiểu được bản thân mình, phải không em.
Những thứ đó nó làm ta mềm lòng ra.
Em về cõi luôn tràn niềm vui nhưng vẫn lênh đênh trong nỗi buồn cố xứ.
Ký ức có cái mượt mà, có cái nham nhở, vật vờ. Mà sao ta nhớ nhiều hơn những hình ảnh liên quan đến cái nghèo em nhỉ. Cái nghèo đi cùng với vẻ buồn bã.
Không biết có phải cái buồn nó dễ làm ta đong đưa, cảm thấy hệ lụy. Cảm giác được về sự yếu đuối của con người. Khoảnh khắc chiến thắng thì bay lên, khoảnh khắc thất bại thì cô lại. Khi chúng ta lạc trôi đầm đìa trong thành tựu, tự đại, hiếu thắng và niềm vui thì ta coi cái nghèo và nỗi buồn là ngoại cuộc, cỏ rác, mà không nhận ra đây chính là thứ ảo. Buồn mà có khi còn là “ảo”, huống gì hân hoan. Cái vui nhạt mau, cái buồn thì đeo đuổi. Chắc bởi nó khiến ta vận động toàn thân, đủ đau. Như những năm cà phê được mùa thì ta ít nhớ, mà mất mùa thì nhớ mãi. Như nụ hôn của tình yêu thậm thật và nụ hôn dành cho kẻ qua đường. Như cảm giác của con người về buổi sáng với buổi chiều. Như tuổi xanh xuân với tuổi úa già. Tuổi xanh là đầu bữa tiệc đời và tuổi già là cuối bữa tiệc ấy, với ngổn ngang chén bát, nồi niêu, chai lọ cùng cảm trạng dọn dẹp. Rõ là cái buồn nó làm ta nhìn xuống, thấy sự bên trong. Cái buồn nó vi tế hơn sao. Thấy được cái nghèo để thấy được cái bao trùm.
Buồn để thấy được mình. Thế chẳng lẽ anh bảo: Cái buồn là một vẻ đẹp. Đẹp gì mà tàn khốc vậy! Đẹp gì mà sự đánh đổi lớn nặng quá vậy. Chả ai muốn nghèo mà nó cứ đến. Chả ai muốn buồn mà nó cứ đeo mang. Cũng chẳng ai muốn thưởng thức sự xa hoa của cảm xúc này. Khi cái nghèo trở thành ký ức thì nó hóa xa hoa cho tâm hồn.
Nhớ lại lần nữa, là giống loài ta chỉ yếu mềm khi buồn thôi. Là như khi em khóc đó. Em khóc cho những cuộc tình tan vỡ chứ em nào khóc cho những cuộc tình viên mãn. Em sẽ đau cho “rã chiếu cạp điều, mưa gió trên vùng đất quạnh hiu”. Em từng khóc dầm dề chăn chiếu, nước không kịp về trên tuyến lệ. Em nhớ từng chi tiết ai, cái gì làm em đau. Cái nghèo, buồn ấy đã khiến em phải rời bỏ không gian máu thịt để nương náu tận Sài Gòn này. Thế mà em vẫn quay quắt vọng thương quê nhà, nâng niu từng nỗi niềm vụn trong vùng ký ức xanh xao, mà không còn chỉ nâng niu cái ê ẩm riêng tư nữa, và mỗi ngày em càng yêu hơn.
Buồn là “gia vị” cuộc đời mà. Không ai chống lại được nó. Mà mắc mớ gì phải chống, chung sống thôi. Nó là nghiệp chúng ta đơm vào, là món nợ của trái tim và cái đầu loài giống con người, so với giống loài khác; là báu vật chúng ta trải nghiệm về ý nghĩa sống. Nó là vật phẩm ký gửi của cuộc đời, vào ngân hàng cuộc sống. Nó là động lực. Nó là cái đền thiêng. Nó là nguồn cội, ký ức, mọi sự khởi đầu đó em. Thật bất hạnh cho ai quá buồn. Lại còn bất hạnh hơn cho ai chưa được biết đến nghèo, biết buồn. Mà chưa chắc chỉ con người đâu, cọp chết ba năm còn quay đầu về núi; con voi khi bệnh tật còn thường tìm quay về cánh rừng cũ để dưỡng thương hoặc hạnh phúc chết mà. Ngay con cá hồi dưới nước kia trưởng thành còn miệt mài bơi cho được ngược dòng hành trình về thượng nguồn để đẻ xong rồi kết thúc sự hiện hữu. Chẳng phải đây đó những quân vương khi giã từ cõi trần đã chọn bản quán để nương náu, gửi thân xác cùng linh hồn đó sao. Trí cao, lòng rộng, danh cả ngất trời Đông Tây đến như Thiền sư Thích Nhất Hạnh hãy còn muốn trở về tổ đình, nơi khởi đầu buổi xuất gia để viên tịch, giải thoát, tìm về nẻo ý, chánh giác nữa là.
Nơi bệ thờ cho một lần làm người duy nhất ở đáy lòng, ta thấy những sức mạnh siêu hạng của sự mong manh, vô hình.
Trên dương gian có ai đang đi mót nỗi buồn không?
Thân thể em bỏ đi nhưng lòng chợt hồi quy. Nơi an trú được nỗi buồn mới là nơi đọng lại. Em đã khâm liệm xong nỗi buồn và đang làm thăng hoa nó như bảo vật. Nếu bảo làm bừng sáng được nỗi đau là con người ta đã trưởng thành thì em đã dư thừa. Thì em cứ thế, em nhé, mình đang bắt đầu có lãi ròng rồi đó.
NGUYỄN HÀNG TÌNH

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.