Lê Thị Trường Chinh-Ước mơ đưa nông sản sạch ra thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Các hiệp định thương mại đã ký kết hoặc kết thúc đàm phán đang mở ra cánh cửa lớn cho nông sản Việt vươn ra thị trường thế giới. Nhưng thực tế, con đường này không trải hoa hồng, đòi hỏi doanh nghiệp phải sáng tạo, chủ động”. Đây là chia sẻ của chị Lê Thị Trường Chinh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên An Cát Lợi ( 335 Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku).

Gặp chúng tôi khi vừa từ miền Bắc trở về, chị Lê Thị Trường Chinh vui vẻ cho biết: “Tôi vừa ký kết hợp đồng với một đối tác về nông sản sạch Tây Nguyên gồm cà phê, hồ tiêu, trà và măng khô trị giá khoảng 7 tỷ đồng. Đây là hợp đồng có giá trị nhất từ khi thành lập công ty đến nay”.

 

Chị Lê Thị Trường Chinh. Ảnh: H.Đ.T
Chị Lê Thị Trường Chinh. Ảnh: H.Đ.T

Nữ doanh nhân 34 tuổi này cho biết, chị sinh ra và lớn lên ở Gia Lai. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị thi vào Khoa Tài chính của Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng. Tốt nghiệp đại học, chị vào làm việc tại Công ty Nệm Vạn Thành-Chi nhánh Tây Nguyên. 10 năm sau, khi đã phấn đấu lên đến chức vụ Giám đốc Chi nhánh, chị lại xin nghỉ để bắt đầu đảm trách vị trí phụ trách vùng Tây Nguyên của Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam-một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực vay tiêu dùng trả góp. Sau 3 năm làm việc tại Home Credit, với mong muốn được về gần nhà để tiện chăm sóc gia đình, chị xin vào làm ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)-Chi nhánh Gia Lai.

Làm việc tại ngân hàng này được 1 năm, chị nhận thấy vùng đất Tây Nguyên dồi dào nguồn nông sản, nhưng lâu nay bà con nông dân chỉ bán thô, trong sản xuất vẫn còn sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Chị suy nghĩ, tại sao mình không tận dụng thế mạnh này để đưa nông sản sạch Tây Nguyên ra thị trường trong nước và thế giới. Nghĩ là làm, chị xin nghỉ việc ở ngân hàng để ra ngoài mở công ty riêng. Tháng 9-2016, Công ty TNHH một thành viên An Cát Lợi chính thức đi vào hoạt động. Để các sản phẩm của công ty đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chị liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn Tây Nguyên thông qua các mô hình hợp tác xã, mỗi hợp tác xã khoảng 30 hộ dân sản xuất theo quy trình sạch mà công ty đưa ra. Ngược lại, công ty cung cấp phân bón và hướng dẫn quy trình chăm sóc,  thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường 20%.  

Sau khi tạo ra các sản phẩm sạch, một khó khăn lớn lại đến với Công ty An Cát Lợi là khâu tiêu thụ. Nguyên nhân là các sản phẩm sạch, thuần tự nhiên này có giá thành cao và do không dùng chất bảo quản nên thời hạn sử dụng ngắn. Trước những khó khăn đó, chị quyết định tập trung vào thị trường các thành phố lớn và khu du lịch, công ty nước ngoài. Với vốn kiến thức tích lũy từ những năm công tác và học tập, chị cất công đi tìm các đối tác là các công ty lớn và có uy tín như Công ty Delta của Nhật, các công ty của Nga, Hàn Quốc... Đáp lại những nỗ lực không mệt mỏi của chị là những hợp đồng mới. Hiện nay, ngoài cung cấp cho một số đối tác nước ngoài thì sản phẩm của Công ty An Cát Lợi cũng được bày bán ở một số hệ thống siêu thị lớn trong toàn quốc. Các sản phẩm mang thương hiệu An Cát Lợi đều có chất lượng tốt nhất và giá cả hợp lý nhằm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.

Chia tay trong buổi chiều muộn, chị Lê Thị Trường Chinh chia sẻ: Việc nhiều công ty Việt Nam đầu tư sản xuất nông sản sạch đã khẳng định, nông nghiệp hoàn toàn có thể tạo ra lợi nhuận cao nếu đi đúng hướng. Tuy nhiên, việc tạo ra nông sản sạch mới chỉ là một nửa câu chuyện. Lợi thế thực sự của nông nghiệp Việt Nam phải ở khâu chế biến. Do vậy, muốn vươn ra thị trường toàn cầu, cần giải bài toán chế biến và làm thương hiệu để nâng cao giá trị nông sản. Vấn đề là làm thế nào để tạo ra được giá trị đó.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Lê Thị Trường Chinh:

* Phải có chiến lược quản trị lâu dài.
* Xây dựng cho mình một thương hiệu riêng.
* Phải kiên trì và bền chí.

Đây là câu chuyện từ đồng ruộng đến bàn ăn, không phải chỉ bàn ăn trong nước mà cần vươn ra toàn cầu. Muốn như vậy, với những nguyên liệu đạt chất lượng, chúng ta phải chế biến, đóng gói theo khẩu vị, thói quen tiêu dùng của khách hàng, sản phẩm phải đạt được các chuẩn mực theo đẳng cấp quốc tế. Như vậy, đây là “cuộc chơi” của thương hiệu. Muốn đưa được nông sản Việt ra nước ngoài, chúng ta phải chế biến và xây dựng được những thương hiệu có giá trị toàn cầu. Đây cũng là mong muốn của tôi khi xây dựng một thương hiệu riêng cho nông sản sạch Tây Nguyên.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.