Lao động Đắk Nông rộng đường xuất ngoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đắk Nông được đánh giá là thị trường tiềm năng trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn (xuất khẩu lao động).

Người lao động tự tìm cơ hội

6 năm trước, ông Trần Xuân Đà, thôn 6, xã Nam Dong, huyện Cư Jút đã động viên con gái là Trần Thị Giang đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Gia đình ông Đà là một trong những hộ gia đình đầu tiên của huyện Cư Jút cho con đi XKLĐ, bởi khoảng 20 năm trước, người con trai đầu của ông đã từng tới Malaysia.

Ông Trần Xuân Đà gọi điện thoại thăm hỏi, động viên con gái đang đi XKLĐ

Ông Trần Xuân Đà gọi điện thoại thăm hỏi, động viên con gái đang đi XKLĐ

Theo ông Đà, làm việc tại nước ngoài không chỉ giúp các con có thu nhập ổn định mà còn mang lại nhiều kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng bổ ích phục vụ công việc sau khi về nước. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay trong việc XKLĐ vẫn là sự hỗ trợ còn hạn chế, đặc biệt là nguồn vốn vay ưu đãi. “Con tôi lao động tự do nên vốn liếng rất ít. Khi quyết định đi XKLĐ, gia đình tôi tự xoay xở vốn, làm thủ tục và lựa chọn đơn vị môi giới. Xuất phát từ thực tế gia đình đã trải qua, tôi mong rằng trong thời gian tới, sẽ có thêm nguồn hỗ trợ (hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, việc làm) để người lao động có thêm điều kiện ra nước ngoài làm việc”, ông Đà nói.

Tương tự, tháng 10/2023, gia đình ông Nguyễn Văn Thuận, thôn Đắk Quang, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil tạo điều kiện để 2 vợ chồng người con gái đi làm việc tại Nhật Bản theo diện XKLĐ. Cả hai đều đi theo sự hướng dẫn, hỗ trợ từ một người anh trai đã có 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Nhật Bản.

Chia sẻ về quyết định cho con đi làm việc ở nước ngoài, ông Thuận cho biết: “Người con trai đầu của tôi đã gắn bó nhiều năm nên rất thích môi trường làm việc và mức thu nhập dành cho người lao động bên Nhật Bản. Ngoài 3 cháu đang làm việc bên đó, năm nay con út của tôi cũng chuẩn bị sang làm việc cùng với các anh chị”.

Tăng cường hỗ trợ người lao động

XKLĐ được xác định là mũi nhọn trong giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân. Đắk Nông được đánh giá là thị trường tiềm năng nên XKLĐ nhận được sự quan tâm, phối hợp giữa ngành LĐTB-XH với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ.

Năm 2023, tỉnh Đắk Nông vượt 300% kế hoạch khi đưa hơn 600 người lao động đi XKLĐ. Mặc dù vậy, vẫn có trường hợp, người lao động tự tìm việc ở nước ngoài thông qua người thân, môi giới hoặc XKLĐ tự phát, qua đó tiềm ẩn những rủi ro. Công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ người lao động cần phải thực hiện rộng rãi, có chiều sâu và đa dạng về hình thức.

Tìm tới Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông để được tư vấn về XKLĐ, chị Phạm Thị Châu, thôn 9, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song cho biết, chị từng có 3 năm làm việc tại Đài Loan và đã được đào tạo nghề lắp ráp máy tiện. Sau khi được cán bộ Sở LĐTB-XH tư vấn về cơ hội việc làm tại Hàn Quốc, chị Châu đã có kế hoạch đi học tiếng để XKLĐ tại quốc gia này. “Trước đây tôi tự tìm hiểu và vay vốn để sang Đài Loan làm việc nên thời gian đầu công việc bấp bênh, đời sống tâm lý không ổn định. Rút kinh nghiệm từ lần trước, đợt này tôi đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc thông qua các đơn vị được ngành LĐTB-XH cấp phép”, chị Châu nói.

Chị Phạm Thị Châu (thứ 2 từ phải qua) tìm hiểu về thị trường lao động Hàn Quốc tại Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông.

Chị Phạm Thị Châu (thứ 2 từ phải qua) tìm hiểu về thị trường lao động Hàn Quốc tại Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông.

Thực tế, người dân có nhu cầu đi XKLĐ, nhưng rào cản vẫn là không có vốn và thiếu thông tin về thị trường lao động. Xuất phát từ điều này, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với phòng LĐTB-XH các huyện, thành phố tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Qua đó đưa chính sách, thông tin đến với người dân, người lao động.

Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông cho biết: “Năm 2024, tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu đưa khoảng 200 người lao động đi XKLĐ. Bên cạnh công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, tỉnh Đắk Nông cũng tăng cường phối hợp với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường quốc tế”.

Có thể bạn quan tâm