Lâm tặc cưa... không sót cây nào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần đây xảy ra nhiều vụ án phá rừng ở huyện Kon Plông (Kon Tum), nơi được xem là “trái tim” du lịch của tỉnh. Đáng nói, lâm tặc thường chọn những khu vực rừng có vị trí, tầm nhìn đẹp để tổ chức triệt hạ.
Xót xa những cánh rừng bị phá, đốt
Ông Bùi Quốc Đổng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông - cho biết, đơn vị vừa khởi tố vụ án Hủy hoại rừng xảy ra tại lô 8, khoảnh 12 Tiểu khu 477, lâm phần rừng UBND xã Măng Cành quản lý. Toàn bộ hồ sơ đã chuyển sang cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý theo thẩm quyền.
Theo ghi nhận của PV, bên bờ sông Đăk Snghé, những cánh rừng tự nhiên, cây gỗ lớn cao vút đã bị lâm tặc triệt hạ, gãy đổ hàng loạt. Từ cây nhỏ đến cây lớn vài người ôm, lâm tặc dùng cưa xăng cắt hạ ngang gốc. Gỗ dổi, táu, bằng lăng… hàng chục năm tuổi nằm ngổn ngang. Cả một vạt rừng nguyên sinh, không khí trong lành trước đó giờ bị trống hoác, trơ trọi, nhức mắt…
Theo kết quả đo đếm của ngành chức năng, diện tích bị phá trắng khoảng 14.360m2. Tại bìa rừng, cơ quan Công an gắn nhiều tấm bảng “hiện trường vụ án cấm vào”. Có những vạt rừng, lâm tặc đã phun tưới xăng dầu sau đó châm lửa đốt. Cây gỗ lâu năm, sừng sững trong phút chốc thành than, vết cháy đen loang lổ trên nền đất rừng. Chỉ có những cây gỗ lõi rắn chắc còn sót lại.
"Gỗ tròn có giá trị có thể nhóm lâm tặc đã di chuyển ra khỏi hiện trường. Vài cơn mưa rừng trút xuống, mọi dấu vết một vụ phá rừng quy mô, bài bản sẽ bị phai mờ, mất mọi dấu vết. Lâm tặc cố tình để vụ hủy hoại rừng diễn ra đã lâu năm, không còn ai quan tâm” - anh A Sỹ - người dân xã Măng Cành bức xúc nói. 
Phá rừng để làm du lịch?  
Điều đáng nói, vụ án phá rừng diễn ra ở nơi có… góc nhìn đẹp. Từ vị trí hiện trường, phía bên kia sông Đăk Snghé là rừng xanh, thấp thoáng những bản làng mờ sương, ruộng lúa của dân. Anh A Lực - người dân xã Đăk Long, huyện Kon Plông tiết lộ: “Thực tế rừng đang bị hủy hoại, xâm lấn dần dần, đặc biệt những nơi có vị trí đẹp, tầm nhìn bao quát để làm du lịch, mở các homestay, farmstay… Phong trào mở homestay có cảnh quan gần rừng, gần suối đang nở rộ ở vùng rìa của thị trấn Măng Đen. Chỉ có lấn chiếm đất rừng hoặc xây dựng trên đất lâm nghiệp, còn vị trí đất ở thị trấn Măng Đen đã bị “cò mồi” đẩy giá quá cao, giới đầu tư khó đủ nguồn tài chính để làm du lịch”.
Theo ông Bùi Quốc Đổng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông, sau khi nhận tin báo có phá rừng, Công an huyện, Viện kiểm sát huyện phối hợp xác minh, khám nghiệm hiện trường, hiện đang điều tra, lần tìm ra thủ phạm. “Hạt Kiểm lâm sẽ tích cực phối hợp với địa chính xã, kiểm lâm địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm tra các khu vực rừng để ngăn chặn. Việc người dân xâm lấn, hủy hoại diện tích rừng ở vùng xa, cách sông trở suối khó đi lại cũng gây khó khăn cho đơn vị quản lý” - ông Đổng nói.
Măng Đen có khí hậu trong lành, được ví là Đà Lạt thứ 2 là nhờ những cánh rừng bạt ngàn. Rừng mất dần, trong khi thủ phạm vẫn chưa tìm ra và chưa thấy cơ quan có thẩm quyền nào truy cứu trách nhiệm của Kiểm lâm trong vai trò, chức trách quản lý, bảo vệ rừng. 
THANH TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm