Lâm Đồng: Khóc ngất trong vườn sầu riêng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hàng trăm hộ dân tại các huyện Di Linh, Bảo Lâm và TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) cắn răng bán rẻ như cho số sầu riêng bị gió tuốt rụng. 
 
Sầu riêng của người dân bị gió tuốt rụng đầy gốc. Ảnh: Trùng Dương
Đến chiều 4.8, tình hình thời tiết vẫn diễn biến phức tạp. Người dân trồng sầu riêng ở Lâm Đồng đã nghĩ hết mọi cách để cứu vãn tình hình, nhưng cũng đành vô vọng, chua xót đứng nhìn thành quả lao động cả năm trời trở nên công cốc.
Hàng trăm tấn sầu riêng bị gió giật rụng
Từ 31.7 đến 4.8, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn các huyện Di Linh, Bảo Lâm và TP.Bảo Lộc liên tục xảy ra mưa lớn kèm theo gió giật mạnh.
Đỉnh điểm là chiều và đêm 31.7, mưa lớn và gió lốc đã quét qua các địa phương này khiến hàng loạt vườn sầu riêng của người dân bị gió tuốt rụng trái, nằm la liệt đầy gốc.
Còn khoảng 1 tháng nữa người dân các địa phương trên mới bước vào vụ thu hoạch. Vì thế, hầu hết trái bị gió tuốt rụng là trái non, nên người dân chỉ có thể thu gom bán lại cho thương lái với giá rẻ mạt, từ 3 - 5 ngàn đồng/kg.
Ông Vũ Hồng Long, Trưởng phòng NN - PTNT H.Di Linh, cho biết: “Suốt những ngày qua, lượng sầu riêng bị gió giật rụng tại địa phương đang ngày một tăng lên. Thống kê sơ bộ đến hết ngày 3.8, tại các xã như Hòa Bắc, Hòa Nam, Liên Đầm, Tân Nghĩa, Đinh Trang Hòa và Hòa Ninh (H.Di Linh) có đến hơn 300 tấn trái non của hàng trăm hộ dân bị gió giật rụng. Không chỉ tuốt rụng trái, gió mạnh còn làm nhiều vườn sầu riêng của bà con bị gãy cành, bật gốc gây thiệt hại rất nặng nề". 
 
Người dân dùng xe máy cày thu gom, vận chuyển trái rụng, bán được bao nhiêu thì bán. Ảnh: Trùng Dương
Cùng với Di Linh, thì Bảo Lâm cũng là địa phương bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của mưa bão.
Ông Đậu Văn Xuân, Trưởng phòng NN - PTNT H.Bảo Lâm, cho biết: “Gần 200 tấn sầu riêng của hàng trăm hộ dân tại các xã Lộc Nam, Lộc Thành, Tân Lạc, Lộc An và Lộc Đức bị gió tuốt rụng. Trong đó, có nhưng hộ bị gió giật rụng từ 5 - 7 tấn, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng”.
Tại TP.Bảo Lộc, các hộ dân ở Lộc Nga, Lộc Thanh, Lộc Châu, Đam B’ri, Đại Lào, Lộc Sơn, Lộc Phát, Phường 2… cũng bị gió tuốt rụng hàng chục tấn sầu riêng.
 
Số trái xanh non bị gió tuốt rụng tràn ngập tại các vựa thu mua. Ảnh: Trùng Dương
Khóc ngất trong vườn sầu riêng
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong ngày 3.8, trên tuyến Quốc lộ 55 (qua 2 xã Lộc Thành, Lộc Nam, H.Bảo Lâm), rất đông người dân liên tục dùng xe máy, máy cày chở trái non bị gió tuốt rụng ra bán cho các vựa thu mua.
Trên Quốc lộ 55 có ít nhất 12 vựa thu mua luôn có từ 4 - 5 người/vựa túc trực để cân sầu riêng. Từ ngày 1.8 đến nay, trung bình mỗi vựa đã thu mua từ 15 - 20 tấn trái non bị gió tuốt rụng. Có những vựa đã thu mua hơn 40 tấn và hiện phải tạm ngừng do không có chỗ lưu giữ.
“Gia đình tôi có 3 ha vườn, ước tính năm nay sẽ cho thu khoảng 30 tấn. Sau trận gió lốc xảy ra vào chiều 31.7 đến sáng hôm sau, vợ chồng tôi vào thăm vườn thì điếng người thấy sầu riêng rụng nằm lăn lóc khắp vườn. Tiếc của, vợ tôi ôm mặt khóc ngất tại vườn. Mấy ngày qua, sợ vợ tôi tiếc của mà đổ bệnh nên tôi không dám cho bà ấy vào vườn nữa...", ông Phạm Văn Kề, ngụ thôn Tà Ngào (xã Lộc Thành, H.Bảo Lâm) ngao ngán.
 
Người dân liên tục vận chuyển sầu riêng non đến bán cho các vựa
Cùng chung cảnh ngộ với hàng trăm hộ dân khác, ông Nguyễn Quang Chuyên, ngụ xã Lộc Nam, bất chấp mưa gió chạy xe máy vào vườn gom trái rụng chở ra quốc lộ bán cho đỡ xót của.
“Gia đình tôi có 1,5 ha, từ hôm qua tới nay, tôi đã gom được hơn 2 tấn bị gió giật rụng. Thấy nó rụng đầy vườn xót quá, nên bà con chúng tôi cố gắng gom đem bán. Chứ thực ra, thương lái chỉ mua 3 - 5 ngàn nên chẳng đủ tiền công. Công chở từ vườn ra tới vựa, họ còn lựa chọn quả đẹp mới mua, còn lại chúng tôi phải chở đi đổ. Nhìn cả vườn bị gió giật xơ xác, bà con xót xa lắm”, ông Chuyên cho biết.
Nhìn vườn sầu riêng hơn 1 ha bị gió tuốt rụng đầy gốc, anh Nguyễn Thiện Quang, thôn 9 (xã Hòa Nam, H.Di Linh), chua xót: “Gần 1 tháng nữa là thu hoạch, nhưng gió đã tuốt rụng của gia đình tôi gần 3 tấn sầu riêng. Không chỉ riêng gia đình tôi, mà ở đây nhà nào cũng chịu cảnh tương tự. Người dân chúng tôi làm quần quật cả năm, nhưng giờ coi như công cốc...”.
Ông Cao Quốc Hùng, chủ một vựa trái cây tại xã Lộc Nam (H.Bảo Lâm), cho biết suốt 3 ngày qua, vựa của ông đã thu mua gần 40 tấn sầu riêng xanh non bị gió giật rụng, với giá từ 3 - 5 ngàn đồng/kg.
Ông Hùng cho hay: “Lúc đầu, khi người dân chở đến bán, tôi đều gom hết và bán lại cho các thương lái ở Đồng Nai và TP.HCM mua về làm kem. Nhưng giờ do lượng sầu riêng xanh quá nhiều, thương lái cũng lấy trái từ 2 kg trở lên. Vì thế, nhiều người chở đến bán, do trái quá nhỏ, nên chúng tôi không thể thu mua. Nhìn họ chở đi đổ mà cũng không thể làm gì hơn”.
Trùng Dương (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.