Lâm Đồng: "Gã điên" nuôi heo giữa "bão" dịch tả lợn châu Phi, sau 4 tháng lãi hơn 1 tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều người đã nói anh Vũ Quang Thành (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) là “gã điên” khi xây chuồng nuôi heo lúc dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành. Nhưng trong làm ăn, nhiều khi "liều ăn nhiều". Anh Thành lãi hơn 1 tỷ sau 4 tháng nuôi heo.
"Gã điên" ngược dòng nuôi lợn
Tháng 5/2020, tỉnh Lâm Đồng đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Người dân đang dần tái đàn để gây dựng những đàn lợn mới nhằm phục hồi kinh tế. 
Đến xã Gia Lâm, chúng tôi được giới thiệu đến trang trại lợn của anh Vũ Quang thành. Đây được xem là hộ dân duy nhất nuôi lợn tại xã Gia Lâm.
 
Anh Thành tiến hành phun nước, vệ sinh chuồng trại nuôi lợn.
Trao đổi với phóng viên, anh Thành cho biết, vào năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành trên cả nước, các hộ chăn nuôi heo tại Lâm Đồng bị thiệt hại rất lớn. Vào thời điểm này, anh Thành đã tìm hiểu và rút ra được kinh nghiệm cho riêng mình.
Theo anh Thành, dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng đến hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bởi công tác vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh chưa được chú trọng.
"Sau khi tìm hiểu và được người quen tư vấn, tôi đã vay thế chấp tài sản cho ngân hàng để vay 1 tỷ đồng. Trong đó, tôi dùng 800 triệu đồng xây dựng chuồng nuôi heo theo mô hình chuồng lạnh công nghệ Đan Mạch. Khi gia đình tôi quyết định rồi chở vật liệu xây dựng về xây chuồng nuôi lợn, nhiều người nói tôi là " gã điên" mới nuôi heo vào lúc này. Tuy nhiên, trước khi làm, tôi đã tìm hiểu rất kỹ nên bỏ ngoài tai hết", anh Thành nhớ lại.
Hệ thống chuồng lạnh nuôi heo của anh Thành được xây dựng trên diện tích 500m2 cùng hệ thống nhà kho, ao xử lý nước thải, hầm Biogas. Trong đó, tường của chuồng nuôi heo được xây cao kín, xung quanh lắp đặt nhiều cửa kính, hệ thống đèn điện. Nhiệt độ luôn được duy trì ở mức 20-27 độ nhờ hệ thống điều khiển tự động.
 
Tay cầm chiếc vòi xịt nước, anh Thành chia sẻ: "Thời buổi này, không biết thì phải tìm hiểu, phải học, hầu như tất cả kiến thức khoa học kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật nuôi heo đều có trên mạng. Lần nuôi heo đầu tiên bắt đầu làm chưa có kinh nghiệm nên rất lo lắng. Nhiều đêm tôi suy nghĩ đến mất ngủ. Nhờ áp dụng công nghệ nên khi vào khu chuồng chăn nuôi heo không hề có mùi hôi".
Hiệu quả bất ngờ, "liều ăn nhiều"
Theo thống kê của cơ quan chức năng địa phương, kể từ khi phát hiện dịch tả lợn châu Phi tại Lâm Đồng vào tháng 6/2019, đến nay đã khiến hơn 68.000 con heo mắc bệnh, tiêu hủy hơn 4.000 tấn. Hiện nay, tại xã Gia Lâm chỉ còn khoảng 10.000 con heo do các hộ liên kết nuôi gia công cho doanh nghiệp. Còn lại, anh Thành chính là hộ cá nhân duy nhất còn nuôi heo.
Sau khi được tư vấn, xây chuồng nuôi heo theo tiêu chuẩn của Đan Mạch, tháng 11/2019, 350 con heo giống được anh Thành lựa chọn kỹ càng, đảm bảo tiêu chuẩn được đưa vào nuôi trong mô hình chuồng lạnh. Sau 4 tháng chăm sóc tỉ mỉ đàn heo, anh Thành xuất bán, sau khi trừ chi phí, anh vẫn lãi hơn 1 tỷ đồng.
 
Sau lứa heo đầu tiên, anh Thành đã thu lãi hơn 1 tỷ đồng nhờ cách nuôi heo táo bạo giữa bão dịch tả lợn châu Phi.
"Phải đến khi xuất bán lứa lợn đầu tiên, tính toán lại số tiền lời tôi mới dám nghĩ đến 2 chữ thành công. Nhiều người trêu tôi là "liều ăn nhiều". Ngoài những kỹ thuật chăm sóc heo tôi học được thì việc xử lý phân, khí thải cũng được tôi tính toán ngay từ đầu để không ảnh hưởng đến môi trường cũng như những người dân xung quanh", anh Thành chia sẻ.
Nói về mô hình chăn nuôi heo của anh Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lâm, ông Đinh Văn Sang nhận định, dịch tả heo châu Phi đã ảnh hưởng rất lớn đến các hộ dân nuôi ở quy mô nhỏ, lẻ. Dịch tả lợn châu Phi đã làm người dân thiệt hại rất lớn, khó khăn trong tái đàn. Cách làm mới, đưa công nghệ hiện đại vào chăn nuôi heo của anh Thành là rất táo bạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Phong Lâm (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm