Kỳ thú ruộng bậc thang bên núi Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- So với danh thắng ruộng bậc thang miền Tây Bắc nước ta thì quần thể ruộng bậc thang Ngọc Linh không thể nào sánh được, nhưng chắc chắn đây vẫn là một cảnh sắc vô cùng kỳ thú nơi miền cực Bắc Tây Nguyên.
Địa danh Ngọc Linh vốn đã nổi tiếng từ xưa, bởi đó là ngọn núi có đỉnh cao thứ nhì Việt Nam (2.598 m). Đến những năm cuối thế kỷ XX, Ngọc Linh thêm một lần nổi tiếng khi giống nhân sâm tốt nhất thế giới được phát hiện tại đây. Và, vừa mới đây thôi, địa danh lại thêm một lần nổi tiếng khi Thủ tướng Chính phủ tôn vinh giống sâm Ngọc Linh lên hàng “quốc bảo”.
Tuy nhiên, bài viết nhỏ này không nhằm nói về sâm Ngọc Linh, chỉ xin làm “hướng dẫn viên du lịch” cho những khách xa có dịp đến tham quan vùng sâm quốc bảo này biết thêm một cảnh sắc tuyệt vời khác đang ẩn mình giữa khối quần sơn đồ sộ nơi miền cực Bắc Tây Nguyên, mà có lẽ lâu nay ít được nói đến. Ấy là quần thể ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Xê Đăng bản địa.
 Ruộng bậc thang ở xã Ngọc Linh (huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum). Ảnh internet
Ruộng bậc thang ở xã Ngọc Linh (huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum). Ảnh internet
Vì nằm gọn trong vùng tâm điểm quần sơn Ngọc Linh điệp trùng hùng vĩ nên khu vực này đều là núi thẳm non cao. Dưới chân các khối núi đồ sộ ken dày là khe sâu suối đá lượn vòng. Các tư liệu xưa nay đều nói chân quần sơn Ngọc Linh là đầu nguồn rất nhiều sông suối thuộc khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, kể cả phía hạ Lào nữa.
Thiên nhiên kiến tạo nên thổ nhưỡng thế nào, ảnh hưởng khí hậu tiểu vùng ra sao không rõ, chỉ biết ở đây ẩm độ đủ khiến từ trên cao ngất nghểu (từ 1.500 m đến trên 2.000 m) luôn phát tích nhiều nguồn nước mạch âm ỉ luồn đất len rừng đổ dọc theo các sườn đồi núi quanh năm không cạn. Nằm ở ngang tầm với những nguồn mạch lưng chừng sườn dốc ấy là các pơlei (làng) của đồng bào Xê Đăng tại chỗ, trông như những tổ chim trời neo đậu. Tập quán của đồng bào Xê Đăng là luôn lập làng ở lưng chừng sườn đồi dốc núi, bởi họ quan niệm trên đỉnh cao là nơi trú ngụ của thần linh, dưới khe sâu là đường đi của ma quỷ, con người ta chỉ nên ở giữa 2 lối ấy!
Với thực trạng rất thiếu (nếu không muốn nói là không có) đất bằng để canh tác nông nghiệp, lại sẵn những dòng khe mạch lượn quanh ngang nơi cư ngụ, thế là bà con Xê Đăng đã nghĩ ra cách ngăn những dòng nước nguồn ấy cho chảy vào những mảnh đất được khai vỡ sơ sài ôm vòng từng bậc theo sườn đồi núi để gieo trồng lúa nước. Lâu ngày, từng mảnh ruộng nho nhỏ cong cong hình trăng khuyết cứ nối dần thành một quần thể rộng dài trông như phác đồ một bức tranh lập thể hay một biểu lập trình khối hình kỷ hà học. Bức tranh lập thể ấy áp mình vào những sườn cao ngút ngát, xa xa nhìn vào như những bậc thang trời hàng năm dâng những mùa vàng bên bóng núi Ngọc Linh vào mỗi mùa lúa chín.
Xã Ngọc Linh chỉ có trên 430 ha lúa nước, nhưng ruộng bậc thang đã chiếm đến trên nửa tổng số diện tích ấy, tức chừng 250 ha. Kế liền về phía Nam Ngọc Linh là xã Măng Ri cũng một quần thể ruộng bậc thang vô cùng kỳ thú, cách nhau một sườn núi Ngọc Pớc. Núi Ngọc Pớc và các núi liên hoàn khác tạo đường phân thủy tự nhiên rõ rệt. Suối Đak Mỹ bắt nguồn từ đây chảy về Tây Bắc; sông Đak Psi cũng bắt nguồn từ đây, chảy về Đông Nam. Hai quần thể ruộng bậc thang  “treo lửng lơ” giữa các sườn núi dựng đứng bên 2 dòng sông suối ấy tạo nên cảm giác cheo leo, kỳ thú trong mắt người thưởng ngoạn.
Ấy là chỉ nói phần “lộ diện” của quần thể ruộng bậc thang trên đường đi thấy được, còn ẩn khuất giữa trùng điệp kia là bao nhiêu thì chưa rõ. Chỉ riêng phần lộ diện này, ở phía xã Ngọc Linh đã trải dài đến 5-6 km theo dọc đường đi, phía Măng Ri cũng dài chừng 3-4 km. Hai quần thể ruộng bậc thang đã dành tặng cho khách tham quan 2 cách thức thưởng ngoạn. Phía Ngọc Linh thì nhìn từ suối Đak Mỹ vát dần lên cao, mà trên tận cùng là khói mây trắng mù vương phủ ngàn xanh. Có những ngọn đồi ruộng phủ lên kín đỉnh. Phía Măng Ri thì từ đường đi trên cao ngắm xuống, từng bậc thang xếp nhau chúi dần đến sông Đak Psi và trải ra sườn đối diện, trông mênh mông thông thoáng.
Nếu chưa có dịp đến Tây Bắc để chiêm ngưỡng danh thắng quốc gia ruộng bậc thang kỳ vĩ thì xin mời tìm về với “những bậc thang vàng” bên bóng núi Ngọc Linh. Nếu đến đây vào những tháng cuối năm, ngoài thưởng ngoạn nhiều cảnh sắc thiên nhiên, du khách sẽ còn có dịp tham dự lễ hội ning-nơng ăn mừng lúa mới của bà con Xê Đăng tại chỗ với rượu ghè (ngày nay còn có cả rượu ngâm sâm củ, sâm lá) với chiêng xoang rộn rã ngày đêm.
Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.