Văn phòng Trung ương Đảng vừa thông báo: Ngày 6.11, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì hội nghị Bộ Chính trị để xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo thông báo này, xét bối cảnh tình hình, nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm và quá trình công tác, đóng góp của ông Nguyễn Văn Bình đối với Đảng, Nhà nước; căn cứ quy định, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình bằng hình thức cảnh cáo.
Quyết định này được xem xét trên cơ sở thông báo kết luận của Uỷ ban kiểm tra Trung ương tại kỳ họp 49: “Sau khi xem xét kết quả thẩm tra, xác minh nội dung phản ánh liên quan đến đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Nguyễn Văn Bình”.
Một số ý kiến cho rằng, việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với một Uỷ viên Bộ Chính trị ngay trước thềm Đại hội XIII là một đề nghị “nhạy cảm”, ở một thời điểm rất “nhạy cảm”.
Trên thực tế, việc tiến hành kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật những cán bộ, Đảng viên vi phạm là một công tác thường xuyên, liên tục và là một hoạt động bình thường của Đảng.
Xử lý, xác minh đơn thư, phản ánh cũng là một nguyên tắc được nêu trong Quy định 13/QĐ-UBKTTW ngày 18.9.2019: “Việc tiếp nhận, xử lý đơn thư, tiếp đảng viên và công dân phải thực hiện theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đảm bảo tính khách quan, khoa học, chính xác, kịp thời”.
Việc Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình bằng hình thức cảnh cáo ở thời điểm này càng khẳng định công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, đúng các quy định của Đảng, quy định của Nhà nước, liên tục, kịp thời theo tinh thần chung hiện nay là làm rất quyết liệt, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, quy trình đảm bảo công bằng, minh bạch.
Liên quan đến công tác nhân sự cho Đại hội XIII, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 12 khoá XII, Tổng bí thư- Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Các trường hợp có đơn, thư tố cáo, khiếu nại hoặc phải xem xét về chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống,... thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan kiểm tra, rà soát kỹ, kết luận rõ trước khi Bộ Chính trị xem xét, quyết định”.
Đồng thời, trong bài viết: “Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm về chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII", Tổng Bí thư- Chủ tịch Nước cũng đặt vấn đề: “Công tác nhân sự Đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải "có con mắt tinh đời" trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu”.
Từ những yêu cầu trên, việc xem xét, xử lý những vi phạm của đồng chí Nguyễn Văn Bình không chỉ đúng nguyên tắc Đảng, đúng với việc thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW, Nghị quyết 26-NQ/TW khóa XII... mà còn cho thấy công tác rà soát cán bộ có đức, có tài, có tín nhiệm trong Đảng và Nhân dân đã, đang và tiếp tục được triển khai.
Quá trình xem xét, xử lý đúng người, đúng mức độ vi phạm, khách quan, công tâm, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ càng khẳng định nhận định được nêu ra trong Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIII: “Việc công khai kết luận kiểm tra và xử lý vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần giáo dục cán bộ, đảng viên, được nhân dân đồng tình, ủng hộ”.
Theo HOÀNG LÂM (LĐO)