Kỳ 1-Sơn nữ Ê Đê đi hỏi chồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ẩn mình dưới tán rừng xanh ngút ngàn, cuộc sống của người Ê Đê ở Tây Nguyên luôn chứa đựng nhiều nét hoang sơ, huyền bí khiến nhiều người phải tò mò khám phá, trong đó có chế độ “mẫu hệ”. Trong gia đình của người Ê Đê, phụ nữ có vai trò, quyền lực đặc biệt như: Quyền cưới chồng, con cái sinh ra mang họ mẹ, của cải trong nhà thuộc về phụ nữ…

Với người Kinh hay nhiều tộc người khác, chuyện hôn nhân là do nhà trai chủ động, nhưng người Ê đê thì ngược lại. Khi người con gái “ưng cái bụng” chàng trai nào thì báo cho cha mẹ biết, để nhờ người mai mối sang đặt chuyện đi hỏi và cưới chồng. Nhà trai ra yêu cầu thách cưới, nhà gái phải lo mọi chi phí trong hôn nhân mới được làm lễ rước rể về nhà.

 

Cô dâu chú rể Ê Đê trong ngày cưới.
Cô dâu chú rể Ê Đê trong ngày cưới.

Màn “thách cưới” kịch tính

Để cưới được chồng, các sơn nữ Ê đê phải trải qua bốn lễ gồm: Lễ dặm hỏi, lễ thỏa thuận (thách cưới), lễ rước rể và đón rể vào nhà. Trong đó, thách cưới được cho là phần quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của cuộc hôn nhân. Trong lễ này, nhà trai đưa ra yêu cầu lễ vật gồm: Trâu bò, heo gà, vòng vàng… để thách cưới nhà gái, còn nhà gái có quyền xin bớt giảm cho phù hợp với điều kiện gia đình. Nếu hai bên đồng ý sẽ đi đến làm giấy cam kết, trao vòng cầu hôn và thực hiện tiếp các nghi lễ còn lại. Còn không, mối lương duyên của đôi trai gái sẽ chấm dứt. Trong cuộc “thách cưới - ngã giá” này, vai trò của ông mai (thường là trưởng họ, đại diện nhà gái) và đăm đei (đại diện nhà trai) rất quan trọng. Nếu nhà gái “lấy lòng” được đăm đei nhà trai thì mọi chuyện sẽ thuận lợi hơn. Do vậy, để nắm chắc phần hơn, quyết lấy được chồng cho con, nhà gái sẽ chọn một người có nhiều kinh nghiệm, ăn nói lưu loát, am hiểu luật tục để làm ông mai, người đại diện đứng ra thương thỏa với nhà trai.

Một ngày cuối tháng tư nắng vàng rực rỡ, chúng tôi có dịp tham dự lễ thỏa thuận, chứng kiến phần thách cưới sôi động , đầy kịch tính của người Ê đê. Ông Y Diơm Niê (trưởng họ Niê, ở buôn Cuôr Dăng A, xã Cuôr Dăng, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) đại diện nhà gái dẫn 20 người gồm cha mẹ, anh chị em dòng tộc của cô gái  H’Ly Ka Niê (20 tuổi) sang buôn Ko Tam (xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột) làm lễ thỏa thuận hỏi cưới chàng trai Y Goa Mlô (21 tuổi). Trước đó tròn tháng, ông Y Diơm với vai trò là người mai mối mang một chóe rượu, gà sang nhà trai đặt chuyện hôn sự và được họ chấp nhận cho làm lễ hỏi. Sau màn chào hỏi thân tình, đại diện nhà trai ông Ama Jal đưa ra yêu cầu lễ vật gồm tiền mặt, heo và một chiếc chăn để đền đáp công nuôi chàng trai Y Goa Mlô nên người. Ông giải thích rằng, Y Goa là người con trai siêng năng, khỏe mạnh, làm ra nhiều của cải cho gia đình Ama Phi, nên khi đi ở rể sẽ mất đi một lao động chính. Đồng cảm với suy nghĩ của họ nhà trai, ông Y Diơm sau một hồi bàn bạc với dòng họ nhà gái đã xin giảm bớt tiền mặt xuống. Nhà trai lắc đầu không chịu, bảo chừng đó ít quá, không đủ.

 

Đôi trai gái trao nhẫn cầu hôn trong lễ hỏi chồng.
Đôi trai gái trao nhẫn cầu hôn trong lễ hỏi chồng.

Ông Y Diơm tiếp tục đưa ra những lời lẽ đầy chân tình rằng: Bao nhiêu của cải vật chất nhà gái mang sang nhà trai đều không thể trả đủ công lao sinh thành, nuôi dưỡng chàng trai Y Goa khôn lớn, nên người. Song vì điều kiện nhà gái khó khăn, từ nhỏ H’Ly Ka đã mồ côi bố, không có nhiều của cải nên mong gia đình nhà trai cảm thông. Thấy nhà trai có phần mủi lòng, ông tung ra tuyệt chiêu dùng mối tình ba năm bền chặt không thay lòng của H’Ly Ka và Y Goa để thuyết phục. Cuối cùng, nhà trai đồng ý và ông Y Diơm thở phào nhẹ nhõm. Ông thư ký ngôi bên nhanh chóng ghi chép lại nội dung thỏa thuận, mang đi đánh máy, photo làm 2 bản cho bên ký kết lưu giữ, thực hiện.

Sức mạnh của “giao ước hôn thú”

Xong phần thỏa thuận lễ vật thách cưới, đại diện nhà trai, gái làm tiếp nhiệm vụ giảng giải cho đôi trẻ biết được những khó khăn, thách thức sẽ phát sinh trong cuộc sống vợ chồng. Đăm đei nhà trai khuyên dặn cô gái giữ trọn đức hạnh, siêng năng, đảm đang chu toàn mọi việc trong gia đình. Đại diện nhà gái cũng nhắc chàng trai chăm chỉ làm ăn, san sẻ công việc với vợ, không được nhậu nhẹt triền miên làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Đại diện hai bên đều nhấn mạnh đôi trẻ khi gặp khó khăn không thể tâm sự với bố mẹ thì nhờ người đỡ đầu giúp, không được bỏ nhau và đặc biệt không được ngoại tình, quan hệ bất chính - đây là tội nặng nhất trong luật tục hôn nhân của người Ê Đê. Nếu người nào vi phạm sẽ bị xử phạt đốt trâu bò, tiền bạc rất nặng, bị dân làng coi khinh cười chê. Ông Y Diơm đưa ra mức phạt nếu ai phạm phải tội này phải “đền duyên” 50 triệu đồng cho người còn lại và đốt một con heo nặng 50 kg để tạ tội với buôn làng. Những thỏa thuận này trước kia thường cam kết bằng miệng có họ hàng hai bên làm chứng, nhưng nay được ghi lại bằng văn bản để có cơ sở pháp lý.

 

Giấy hôn ước của người Ê Đê.
Giấy hôn ước của người Ê Đê.

Sau lời căn dặn, cặp đôi Y Goa và H’Ly Ka trao nhẫn cầu hôn cho nhau trước mặt hai bên dòng họ, chính thức nên duyên vợ chồng. Cô gái tiếp tục giữ thế chủ động trao nhẫn cho chàng trai trước. Điều này ngược lại so với nghi thức trao vòng cầu hôn ở nhiều tộc người anh em khác. Sau cùng, Y Goa và H’Ly Ka cùng đại diện hai bên ký vào bản cam kết viết trang trọng bằng tiếng Ê Đê gồm những quy định về lễ vật thách cưới cũng như hình thức xử phạt nếu ai vi phạm. Nó được ví như tờ “giao ước hôn thú” vô cùng quan trọng, thể hiện sự chứng giám của thần linh, sự công nhận của cộng đồng, sự chấp thuận của hai bên gia đình và sự thống nhất của đôi uyên ương cho đến hết đời. Từ đây, hai bên gia đình kết mối thông gia. Mỗi bên cử ra một người đỡ đầu, thay mặt đình giúp đôi trẻ chuẩn bị các nghi lễ tiếp theo. Họ cũng kiêm luôn vai trò làm bố mẹ nuôi lắng nghe tâm tư, tháo gỡ khó khăn cho cô dâu, chú rể và là người giảng hòa mọi mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống thường ngày giữa hai bên gia đình.

Xong mọi thủ tục, nhà trai mở tiệc thết đãi nhà gái, dòng họ bằng một bữa tiệc ấm cúng, gần gũi toàn món ăn dân dã truyền thống của người Ê Đê như: Canh cà đắng, gỏi mít trộn thịt heo, thịt bằm... Tất cả các món này đều chế biến từ heo đen nặng 50 kg do nhà gái mang sang nhà trai trước đó một ngày. Đây là nghi lễ đốt heo không thể thiếu của người Ê Đê. Trong bữa ăn, người Ê Đê không dùng đũa mà toàn dùng muỗng để ăn. Tò mò, tôi gặng hỏi vài người già, họ đều lắc đầu cười nói: “Trước giờ, ông bà dùng muỗng thì mình dùng theo thôi, chứ hỏi vì sao thì mình chịu á!”.

Tàn tiệc, nhà gái bắt tay nhà trai ra về và hẹn một ngày đẹp trời gần nhất sẽ mang lễ vật sang rước rể. Ông Y Diơm Niê cho biết: Lễ hỏi chồng của người Ê Đê hiện nay có nhiều thay đổi so với trước. Việc thách cưới cũng không còn nặng nề đến mức cô gái không lấy được chồng. Nhà trai dựa vào điều kiện kinh tế của nhà gái để đưa ra yêu cầu phù hợp. Trong trường hợp nhà cô gái quá nghèo, nhà trai chỉ đòi đốt con heo cho đúng nghi lễ truyền thống, còn số tiền sính lễ thì cho khất, khi nào có trả sau. Cô gái không phải sang nhà trai quần quật làm lụng bẻ củi, gánh nước, giã gạo, suốt ba 3 năm như trước. Lễ vật thách cưới trước kia phải là trâu, bò, chiêng ché, vòng đồng… thì nay quy ra thành tiền mặt cho tiện. Sự thay đổi này, suy cho cùng cũng phù hợp với cuộc sống hiện đại, nhưng các nghi thức hỏi chồng vẫn phải duy trì vì nó là truyền thống, văn hóa làm nên bản sắc riêng biệt đặc trưng của người Ê Đê.

H.T/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.