(GLO)- Với lợi thế là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng “duy nhất” có thể phát triển cây sâm Ngọc Linh quí hiếm, cho giá trị kinh tế cao, vào gần cuối năm 2011 Tỉnh ủy Kon Tum (khóa 14) đã có nghị quyết “về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực”; trong đó, sâm Ngọc Linh được xác định là 1 trong 9 sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Sâm Ngọc Linh đang thời ra hoa. Ảnh: Duy Tân |
Theo đó, tỉnh Kon Tum tiến hành quy hoạch phát triển cây sâm Ngọc Linh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn 2025 (tập trung tại địa bàn 02 huyện phía Bắc của tỉnh là Tu Mơ Rông và Đak Glei), với quyết tâm đến năm 2020, toàn tỉnh phát triển 1.500 ha sâm Ngọc Linh (trong đó có khoảng 300 ha đưa vào thu hoạch, sản lượng ước tính 150 tấn) và tầm nhìn đến năm 2025, phát triển 7.000 ha sâm Ngọc Linh tập trung, 1.500 ha trồng phân tán tại các hộ dân với diện tích sâm đưa vào khai thác hàng năm khoảng 500 ha, sản lượng khoảng 250 tấn... cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất dược liệu cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu!
Để hiện thực hóa “giấc mơ thần dược” trên vào năm 2025, trước đó trong nhiều năm liền Kon Tum đã chuẩn bị nguồn giống. Đến cuối năm 2012 tỉnh đã có 177 ha sâm Ngọc Linh do hai đơn vị Trung tâm Bảo tồn giống sâm Ngọc Linh (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đak Tô) và Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh đảm trách. Với diện tích 177 ha, hiện hai đơn vị này vẫn chưa tổ chức khai thác mà tiếp tục thu hạt để mở rộng diện tích theo chiến lược phát triển cây sâm Ngọc Linh của tỉnh.
Ngoài nguồn giống được cung cấp từ “hạt giống tự nhiên” do hai đơn vị Trung tâm Bảo tồn giống sâm Ngọc Linh và Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh cung cấp có tính ổn định cao, thì nguồn giống từ nuôi cấy mô và sản xuất sâm sinh khối của đề tài “Nghiên cứu nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối rễ cây sâm Ngọc Linh” của PGS.TS Dương Tấn Nhựt (Phó Viện trưởng Viện Sinh học Tây Nguyên) thành công cũng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo hoàn thành mục tiêu trên.
Như vậy, trong vòng 12 năm tới tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu phát triển được 8.500 ha Sâm Ngọc Linh (hiện tại đã có 177 ha), trong điều kiện có nhiều thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn giống... cùng với quyết tâm cao của đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng trồng sâm của tỉnh, nhất định “giấc mơ thần dược” sẽ thành hiện thực, không chỉ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế của địa phương mà còn tạo thương hiệu made in Việt Nam trên trường quốc tế.
Duy Tân