Kon Tum quyết liệt xử lý trạm cân thu mua nông sản trái phép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu UBND các huyện, thành phố rà soát, xử lý các trạm cân vi phạm, vận động người dân tự giác phá dỡ, khôi phục lại tình trạng. Trường hợp không thực hiện thì tổ chức cưỡng chế theo quy định.

Một trạm cân trái phép ở tỉnh lộ 678 đến thời điểm này vẫn hoạt động
Một trạm cân trái phép ở tỉnh lộ 678 đến thời điểm này vẫn hoạt động
Ngày 14-9, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Kon Tum đã có báo cáo kết quả kiểm tra hoạt động của các trạm cân trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả rà soát, tổng hợp của các đơn vị, trên địa bàn Kon Tum có 136 trạm cân thu mua nông sản. Trong đó 31 trạm cân của tổ chức, doanh nghiệp và 105 trạm cân của hộ gia đình, cá nhân. Các trạm cân phần lớn ở vị trí không phù hợp quy hoạch xây dựng hoặc ở nơi chưa có quy hoạch xây dựng được phê duyệt; không phù hợp quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất; không phù hợp với quy hoạch đấu nối giao thông.
Cụ thể, có 81/136 trạm không phù hợp quy hoạch, 69/136 trạm không phù hợp với mục đích sử dụng đất, 63/136 trạm cân không phù hợp quy hoạch đấu nối giao thông...
Theo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Kon Tum, các trạm cân thu mua nông sản của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân hoạt động theo mùa vụ, không thường xuyên, đa số có quy mô nhỏ lẻ, lắp đặt tạm thời trong khuôn viên đất nhà vườn, nương rẫy ở nông thôn, tại khu vực không có quy hoạch xây dựng được phê duyệt.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có công văn số 2819 về việc quản lý hoạt động các trạm cân trên địa bàn. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố phải rà soát, xử lý các trạm cân vi phạm về đất đai, xây dựng theo quy định. Trong đó, tuyên truyền, vận động người dân tự giác phá dỡ công trình vi phạm, khôi phục lại tình trạng, trường hợp không thực hiện thì tổ chức cưỡng chế theo quy định. Các đơn vị này cần báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 30/9/2022.
UBND tỉnh Kon Tum cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh nếu để xảy ra những vi phạm trong công tác quản lý trật tự xây dựng, quản lý, sử dụng đất trên địa bàn quản lý.
Cũng liên quan đến việc này, UBND tỉnh yêu cầu các sở: Xây dựng, TN&MT, Công Thương, Giao thông vận tải theo chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra UBND các huyện, thành phố thực hiện nội dung trên.
Trước đó, dù Tiền Phong đã phản ánh việc dọc tỉnh lộ 678 đoạn qua 4 xã phía Tây huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) mọc lên 10 trạm cân thu mua mì (sắn) trái phép, tồn tại nhiều năm qua, tuy nhiên đến nay phóng viên ghi nhận vẫn còn hoạt động. Về tình trạng này, ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, đã giao các phòng ban chuyên môn hướng dẫn các xã làm thủ tục để cưỡng chế.
Theo Tiền Lê (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.