Kon Tum: Mắc bẫy lừa đảo qua mạng, mất tiền tỉ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thời gian qua, hàng chục người dân tại Kon Tum bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.

Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận hàng chục trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Các nhóm lừa đảo thường tập trung vào những hình thức như: tuyển cộng tác viên làm việc online, kêu gọi huy động vốn lãi suất cao, giả danh cơ quan nhà nước hoặc hack tài khoản mạng xã hội để vay tiền.

9 tiếng bị lừa 1,8 tỉ đồng

Chỉ trong vòng 5 ngày giữa tháng 8, trên địa bàn TP.Kon Tum (Kon Tum) đã có 2 trường hợp bị lừa đảo qua mạng với số tiền hơn 4,1 tỉ đồng. Trong đó, vụ việc mới nhất xảy ra vào ngày 23.8 với số tiền thiệt hại lên đến 1,8 tỉ đồng.

Một chiếc "bẫy lừa đảo" trên mạng xã hội. CHỤP MÀN HÌNH

Một chiếc "bẫy lừa đảo" trên mạng xã hội. CHỤP MÀN HÌNH

Cụ thể, thông qua mạng xã hội, chị N.T.K.X (TP.Kon Tum) có quen 1 tài khoản Facebook tên "Phan Minh Tuấn". Ngày 23.8 chị X. được Tuấn hướng dẫn kiếm tiền trên ứng dụng Lazada và Tuấn là trung gian. Nhiệm vụ cụ thể là chị X. phải nạp tiền đặt các đơn hàng rồi bán lại để lấy hoa hồng.

Trong 4 đơn hàng đầu, chị X. nhận được tiền hoa hồng sau khi chuyển khoản. Sau đó, Tuấn thông báo chị X. cần tham gia gói "VIP" và phải thực hiện 2 nhiệm vụ, mỗi nhiệm vụ phải mua thêm 3 đơn hàng.

Chị X. đồng ý thực hiện chuyển tiền để làm nhiệm vụ mà Tuấn đã giao. Chỉ từ 10 giờ đến 19 giờ ngày 23.8, chị X. thực hiện 9 lần chuyển khoản với số tiền lên đến hơn 1,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi đã chuyển tiền, chị X. không nhận được tiền hoa hồng như Tuấn đã hứa. Nhận thấy dấu hiệu bị lừa đảo, chị X. đến trình báo cơ quan công an.

Chỉ cách đó vài ngày, chị N.T.M.K (TP.Kon Tum) cũng bị lừa đảo qua mạng với số tiền hơn 2,3 tỉ đồng. Cụ thể, khi sử dụng mạng xã hội, chị K. thấy trang mạng đăng thông tin tuyển dụng cộng tác viên đọc truyện live. Chị K. liền đăng ký tham gia.

Sau đó, có người gọi điện thoại đến cho chị K., tự xưng là Nguyễn Phi Hùng, tư vấn viên của một công ty truyền thông. Hùng đưa chị K. tham gia nhóm trên mạng xã hội Telegram để trao đổi công việc. Tại đây, chị K. nhận được nhiệm vụ đầu tiên là thu âm 3 đoạn văn bản và gửi vào nhóm. Sau khi hoàn thành, chị K. nhận được 60.000 đồng.

Hoàn thành nhiệm vụ, chị K. tiếp tục được đưa vào một nhóm Telegram khác. Để trở thành nhân viên chính thức, chị K. được hướng dẫn tham gia 4 nhiệm vụ. Đối với các nhiệm vụ này, chị K. phải nộp tiền vào tài khoản theo yêu cầu và được hứa hẹn sẽ nhận lại hoa hồng sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

3/4 nhiệm vụ đầu chị K. vẫn nhận được tiền hoa hồng như hứa hẹn. Đến lần thứ 4, chị K. bị yêu cầu thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ khác mới nhận lại được tiền. Khi chị K. không đồng ý thì nhóm người yêu cầu chị K. phải nộp thêm tiền để lấy lại số tiền đã bỏ ra.

Sau khi đã nộp vào tài khoản của nhóm người trên với số tiền 2,3 tỉ đồng nhưng không nhận lại được tiền, chị K. liền đến trình báo cơ quan công an.

Khó điều tra

Theo thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Kon Tum, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 50 trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tổng số tiền thiệt hại hơn 26 tỉ đồng.

Kẻ lừa đảo thường dùng chiêu bài việc nhẹ, thu nhập cao để dụ dỗ nạn nhân. CHỤP MÀN HÌNH

Kẻ lừa đảo thường dùng chiêu bài việc nhẹ, thu nhập cao để dụ dỗ nạn nhân. CHỤP MÀN HÌNH

Trong đó, các nhóm lừa đảo thường tập trung vào những hình thức như mạo danh công an, viện kiểm sát, cơ quan thuế gọi điện cho người dùng để thông báo về việc có liên quan đến vụ án, đường dây tội phạm. Sau đó, kẻ mạo danh sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định để phục vụ điều tra.

Các nhóm lừa đảo cũng dùng thủ đoạn gửi các đường link có chứa mã độc đến cho những người dùng mạng xã hội. Sau khi người dùng mạng truy cập vào đường link sẽ bị chiếm quyền sử dụng. Từ đó, các nhóm lừa đảo sẽ dùng tài khoản mạng xã hội của bị hại để vay mượn tiền người thân, bạn bè.

Ngoài ra, các nhóm tội phạm còn lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng trên mạng xã hội. Sau khi đã xác định được con mồi, các nhóm tội phạm này thường dùng những khoản tiền hoa hồng để câu dẫn. Sau đó, thao túng tâm lý để các nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của mình rồi chiếm đoạt.

Một hình thức khác cũng đang được loại tội phạm này thực hiện là sử dụng các thông tin, hình ảnh của tập đoàn lớn để kêu gọi đầu tư qua mạng…

Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Kon Tum, việc điều tra các nhóm tội phạm này gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù sau khi phát hiện bị lừa đảo, hầu hết nạn nhân đều có đơn trình báo, tố giác tội phạm gửi đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các nhóm lừa đảo thường sử dụng số điện thoại không chính chủ, sim rác để gọi điện, nhắn tin. Các tài khoản mạng xã hội Zalo, Telegram, Facebook thì được tạo lập, quản lý ở nước ngoài.

Ngoài ra, kẻ lừa đảo thường sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng cung cấp cho người bị hại chuyển tiền vào, sau đó chuyển đến nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để chiếm đoạt. Khi thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng, kẻ lừa đảo có thể ở bất cứ đâu, kể cả ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng lại có thể thực hiện hành vi lừa đảo, gây hậu quả ở nhiều địa phương khác.

Theo thượng tá Dương Việt Trung, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Kon Tum, nguyên nhân dẫn đến bị lừa đảo là do ý thức cảnh giác của người dân chưa cao. Mặc dù cơ quan chức năng đã phát đi nhiều cảnh báo, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm nhưng người dân vẫn có tư tưởng hám lợi, không cảnh giác. Công tác đấu tranh gặp khó một phần bởi khi tố giác loại tội phạm này, người tố giác khó cung cấp chứng cứ, hình ảnh, ghi âm, video... chứa thông tin, hành vi phạm tội của đối phương. Một số bị hại có tâm lý ngại trình bày những nội dung liên quan đến việc mất cảnh giác và thiếu hiểu biết của mình.

"Các cơ quan chức năng không bao giờ làm việc qua điện thoại. Vì vậy, nếu người dân nhận được các cuộc gọi tự xưng cơ quan nhà nước thì cần cảnh giác. Người dùng mạng xã hội cũng không nên đăng tải những thông tin cá nhân như CCCD/CMND, số điện thoại lên mạng xã hội. Không cung cấp mã OTP cho bất cứ người lạ nào khi chưa xác minh rõ. Không có bất cứ công việc nào là nhàn hạ, lương cao. Ngoài ra, người dân cũng cần nâng cao cảnh giác với các thông tin kêu gọi đầu tư, huy động vốn với lãi suất cao", thượng tá Trung nói.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.