Kon Tum kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tối 23-4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh (24/4/1972-24/4/2022) và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao Bảng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt điểm cao 1015, điểm cao 1049 cho huyện Sa Thầy và huyện Đak Tô. Ảnh: Nguyễn Tú
Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt điểm cao 1015, điểm cao 1049 cho huyện Sa Thầy và huyện Đak Tô. Ảnh: Nguyễn Tú

Tham dự buổi lễ có các ông, bà: Nguyễn Văn Hùng-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Thượng tướng Lê Huy Vịnh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum. Cùng tham dự buổi lễ có lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, địa phương và một số tỉnh của Vương quốc Campuchia, Lào.

Trong chiến tranh giải phóng đất nước, tại Đak Tô-Tân Cảnh diễn ra nhiều trận chiến quyết liệt giữa ta và địch. Đặc biệt là chiến dịch Xuân Hè năm 1972 ở Bắc Tây Nguyên, trọng điểm là chiến dịch Đak Tô-Tân Cảnh. Đêm 23 và rạng sáng ngày 24-4-1972, sau khi thực hiện thành công kế hoạch nghi binh, thu hút sự chú ý của địch về phía Tây và phía Bắc, Sư đoàn 2 được tăng cường Trung đoàn 66, Tiểu đoàn 37 đặc công cùng Tiểu đoàn 304 của tỉnh Kon Tum và một bộ phận pháo binh, pháo cao xạ, xe tăng của Mặt trận, do Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn và Chính ủy Lê Đình Yên chỉ huy bất ngờ từ phía Đông đột phá trận địa phòng ngự của địch.

Kết thúc trận đánh, quân ta đã tiêu diệt một lực lượng lớn sinh lực địch, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch trên tuyến phòng thủ Đak Tô-Tân Cảnh, bắn rơi 17 máy bay, thu và phá hủy 30 khẩu pháo hạng nặng, thu rất nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch, bắt sống trên 600 tù binh, trong đó có rất nhiều sĩ quan cấp úy, cấp tá. Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh cùng với chiến thắng Quảng Trị và miền Đông Nam Bộ đã tạo ra một cục diện mới trên chiến trường miền Nam, góp phần đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Học thuyết Nich Xơn” ở Đông Dương, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút quân khỏi Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Nguyễn Tú
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Nguyễn Tú


Để có được chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh, phải kể đến trận đánh tại điểm cao 1015-đồi Sạc Ly và điểm cao 1049-đồi Delta (thuộc huyện Sa Thầy và Đak Tô). Từ chiến thắng tại 2 cao điểm này đã đập tan toàn bộ hệ thống cứ điểm của địch ở bờ Tây sông Pô Cô, góp phần giải phóng Đak Tô-Tân Cảnh trong chiến dịch Xuân Hè 1972; tạo điều kiện cho các lực lượng tấn công tiêu diệt cứ điểm Kleng, giải phóng hoàn toàn huyện Sa Thầy vào ngày 9-5-1972 và tiếp tục vây lấn đánh vào thị xã Kon Tum trong bước 2 của chiến dịch Đak Tô-Tân Cảnh năm 1972.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang khẳng định: 50 năm trôi qua nhưng chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh vẫn luôn in đậm trong tâm trí của quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum; là nguồn động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những bài học kinh nghiệm đúc rút từ chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, sẽ tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ kỷ niệm. Ảnh: Nguyễn Tú
Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ kỷ niệm. Ảnh: Nguyễn Tú



Dịp này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt điểm cao 1015, điểm cao 1049 cho huyện Sa Thầy và huyện Đak Tô.

NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm