Kon Tum: Khu giết mổ gia súc 5 tỷ đồng xây xong… "đắp chiếu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian qua, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đã đầu tư khu giết mổ gia súc tập trung quy mô, hiện đại với số tiền lên đến 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong và đưa vào hoạt động thì lại thiếu tính khả thi, không thể sử dụng được, dẫn đến tình trạng lãng phí, gây bức xúc cho người dân.
 
Cơ sở giết mổ gia súc tập trung huyện Đăk Glei đầu tư gần 5 tỷ đồng rồi "đắp chiếu" hơn 1 năm nay. Ảnh: Khuất Nguyên
Nhằm chấn chỉnh hoạt động giết mổ gia súc nhỏ lẻ, giảm nỗi lo ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, huyện Đăk Glei đã chủ động đầu tư khu giết mổ gia súc tập trung quy mô với số tiền lên đến 5 tỷ đồng. Khu giết mổ gia súc tập trung hứa hẹn mang đến nhiều đổi thay, tuy nhiên, sau khi hoàn thành đưa vào hoạt động thì thiếu tính khả thi, dẫn đến tình trạng “đắp chiếu” gây lãng phí.
Được biết, khu giết mổ gia súc tập trung huyện Đăk Glei được đầu tư xây dựng gồm các hạng mục: Nhà giết mổ gồm 17 ô nuôi nhốt gia súc, 3 lò giết mổ, nhà quản lý điều hành, nhà kho, cổng tường rào, sân đường bê tông nội bộ, hệ thống nước sinh hoạt và hệ thống xử lý chất thải. Khu giết mổ gia súc tập trung Đăk Glei đã hoàn thành vào tháng 3/2018 và được bàn giao cho Trung tâm Dịch vụ công cộng huyện Đăk Glei quản lý, sử dụng.
Tuy nhiên, hơn 1 năm trôi qua kể từ ngày nhận bàn giao, công trình này vẫn đang “đắp chiếu”, không thể sử dụng, gây lãng phí khiến dư luận rất bức xúc.
Để tìm hiểu rõ hơn về khu giết mổ tập trung huyện Đăk Glei, phóng viên đã có mặt tại đây để ghi nhận. Theo quan sát thì khu giết mổ này được đầu tư tiện nghi, hiện đại, nhưng nằm cách khu dân cư khá xa. Các hạng mục công trình còn rất mới, chưa một lần sử dụng.
Điều đáng nói, đường đến cơ sở giết mổ này phải đi qua cây cầu dài khoảng 100m, rộng chừng 2,5m, hai đầu cầu đổ 2 cục bê tông lớn và có thanh sắt gác ngang, khiến cho các chủ cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ ở thị trấn Đăk Glei và xã Đăk Pék không thể đưa gia súc vào giết mổ được.
Ông Từ Anh Dũng, người phụ trách Trung tâm Dịch vụ công cộng huyện Đăk Glei cho biết, hiện nay trên địa bàn có 21 hộ kinh doanh giết mổ gia súc, trong đó 19 hộ giết mổ heo và 2 hộ giết mổ bò. Để cơ sở giết mổ gia súc tập trung đi vào hoạt động, trong thời gian qua, UBND huyện đã ban hành các phương án quản lý, di dời cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ vào khu giết mổ tập trung, đồng thời chỉ đạo, phân công nhiệm vụ các đơn vị, phòng, ban có liên quan triển khai thực hiện, nhưng đến nay các cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ vẫn chưa chấp hành.
Nguyên nhân là do việc tuyên truyền, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thú y về kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường… của chính quyền địa phương và các phòng, ban liên quan chưa triển khai quyết liệt, thiếu cương quyết.
Nói về nguyên nhân không vào khu giết mổ tập trung, bà Nguyễn Thị Thềm - chủ một cơ sở giết mổ gia súc ở thị trấn Đăk Glei, nêu rõ: Gia đình tôi làm nghề giết mổ gia súc được nhiều năm nay. Khi chính quyền địa phương đầu tư khu giết mổ, gia đình rất phấn khởi. Gia đình tôi cũng muốn chuyển vào khu giết mổ cho đảm bảo vệ sinh, thế nhưng đường sá quá khó khăn, không thể chở gia súc đi qua cầu được. Cầu thì hẹp gây nguy hiểm, còn chuồng nuôi nhốt thì xây dựng không hợp lý, nên rất khó chuyển gia súc đến giết mổ tại đó.
 
 Cầu treo xây dựng có thanh sắt và bê tông chắn ngang, khiến xe tải không thể chở gia súc qua được. Ảnh: Khuất Nguyên
Như trên đã nêu, người dân không thể di chuyển và chở động vật đến khu giết mổ vì bị cản trở bởi cây cầu hẹp lại có thanh sắt chắn ngang và hai cục bê tông chình ình đầu cầu, khiến việc chở gia súc đến khu giết mổ rất khó. Câu hỏi đặt ra là tại sao khi đầu tư xây dựng khu giết mổ này, chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành đã tính toán kỹ lưỡng mọi trường hợp chưa?
Liên quan đến sự việc trên, ông Hồ Thanh Tùng, Trưởng phòng Thanh tra, pháp chế - Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum, cho biết, toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở giết mổ gia súc tập trung, trong đó có 3 cơ sở hoạt động tương đối tốt và hiệu quả, gồm: Sa Thầy, Đăk Hà và Đăk Tô, còn 2 cơ sở là Đăk Glei và Ngọc Hồi hoạt động kém hiệu quả.
Như vậy, để xảy ra tình trạng xây xong “đắp chiếu” là do trách nhiệm của chính quyền địa phương. Vì vậy, chính quyền huyện Đăk Glei cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp khắc phục, để công tác giết mổ gia súc, gia cầm tập trung mới có thể đảm bảo về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khuất Nguyên (Thanh tra)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.