Kon Tum khống chế thành công 5 ổ dịch bạch hầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Toàn bộ 5 ổ dịch bạch hầu tại thành phố Kon Tum, các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy đã được khống chế.
Ngày 26/6, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Lộc Vương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum cho biết, đến ngày 26/6, toàn bộ 5 ổ dịch bạch hầu tại thành phố Kon Tum, các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy đã được ngành Y tế tỉnh khống chế thành công. Ngành chức năng đã triển khai các bước tiếp theo để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 
Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân bạch hầu tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân bạch hầu tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Cụ thể, thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà và huyện Sa Thầy mỗi địa phương có một ổ dịch, riêng huyện Đăk Tô có hai ổ dịch, với tổng cộng 6 trường hợp mắc bệnh, trong đó có một người xét nghiệm dương tính với vi khuẩn gây bệnh nhưng chưa phát bệnh. Các ổ dịch xuất hiện từ cuối tháng 1/2020 đến giữa tháng 6/2020, với triệu chứng ban đầu của người bệnh đều sốt, viêm họng, viêm Amydal, họng nhiều giả mạc. Ngay sau khi phát hiện, các ca bệnh đều được điều tra tiền sử tiêm chủng và tiến hành cách ly, điều trị tích cực. Đến nay, các ca bệnh đã hoàn toàn bình phục và được xuất viện.
Bên cạnh đó, ngành Y tế tỉnh Kon Tum tiến hành điều tra, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh để điều trị dự phòng và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Đối với vùng dịch, ngành Y tế triển khai các biện pháp như hạn chế đi lại; cho uống kháng sinh Erythromycin để điều trị dự phòng; tổ chức vệ sinh và xử lý môi trường bằng Chloramin B; truyền thông theo nhóm về tác dụng, lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Đồng thời, đơn vị chức năng tổ chức rà soát, tiêm vét, tiêm nhắc vắc-xin cho trẻ em từ 2 đến 18 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi và trẻ từ 18 đến 48 tháng tuổi chưa được tiêm.
Đặc biệt, tại ổ dịch Sa Thầy, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã tổ chức tiêm vắc-xin Td chống dịch. Tại ổ dịch Đăk Tô, các đối tượng 7-35 tuổi tại xã Đăk Rơ Nga được tiêm vắc-xin Td đợt 1 đạt 88,6%. Trong khi đó, các ổ dịch tại thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà đang được ngành Y tế tỉnh làm tờ trình gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để xin vắc-xin và vật tư tiêm chủng nhằm triển khai tiêm chống dịch.
Theo ông Nguyễn Lộc Vương, thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ các ổ dịch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn; chuẩn bị đầy đủ vật tư, máy, hóa chất, trang thiết bị đáp ứng theo nhu cầu phòng, chống dịch. Đồng thời, Trung tâm tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin Td cho các đối tượng 7-25 tuổi tại các xã có ca bệnh, đảm bảo chiến dịch đạt trên 95%. Trung tâm đẩy mạnh hoạt động tiêm vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng, đạt ít nhất 95% quy mô xã, phường, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Dư Toán (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.