Kon Tum đặt mục tiêu sớm hoàn thành trồng mới 15.000 ha rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh sẽ trồng mới được 15.000 ha rừng; trong đó, riêng năm 2021 sẽ trồng 3.000 ha rừng.

Cán bộ kiểm lâm tổ chức kiểm tra diện tích rừng trồng tại huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum.
Cán bộ kiểm lâm tổ chức kiểm tra diện tích rừng trồng tại huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum.
Đến nay, nhờ vào sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh, diện tích rừng được trồng mới đã được trên 3.640 ha, đạt 121,4% kế hoạch. Tỉnh Kon Tum đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, đồng thời thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ các diện tích rừng mới trồng, giữ vững thành quả trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Là một trong những địa phương đạt tỷ lệ trồng rừng cao của tỉnh Kon Tum, huyện Kon Rẫy đã trồng được 499 ha rừng dù chỉ tiêu tỉnh giao cho huyện là trồng 300 ha trong năm 2021. Trong đó, loại cây chủ yếu được trồng là bạch đàn cự vĩ, số còn lại là thông tại khu vực rừng phân tán dọc đèo Măng Đen.
Ông Bùi Thái Tùng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Rẫy cho biết, đơn vị đã chỉ đạo cho kiểm lâm địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong việc xuống tận thôn, làng để tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực vào công tác trồng rừng. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện việc hướng dẫn trồng rừng, chăm sóc rừng kết hợp với kiểm tra, giám sát mật độ, tỷ lệ sinh trưởng, phát triển của các diện tích rừng mà bà con nhân dân đã đăng ký trồng.
Để phục vụ cho trồng rừng, Hạt Kiểm lâm huyện đã vận động hỗ trợ từ nguồn ngân sách của UBND huyện và liên kết từ Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Qua đó, vận động được gần 800.000 cây giống và hàng chục tấn phân bón, thuốc trừ mối để thực hiện trồng rừng. Đến nay, toàn bộ diện tích trồng đều sinh trưởng và phát triển tốt, đạt tỷ lệ sống từ 90 – 95%.
Ông Lê Văn Hà, trú thôn 1, thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy cho biết, gia đình ông có khoảng 3,5 ha đất trống tại xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy. Trước đây, diện tích này ông cho người khác thuê để trồng cây ngắn ngày, song không hiệu quả. Đầu năm 2021, ông được chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm huyện vận động trồng rừng, nên gia đình ông đã quyết định trồng toàn bộ bạch đàn cự vĩ vào diện tích trên vào tháng 7/2021.
“Gia đình tôi đã được ngành chức năng hỗ trợ gần 5.000 cây giống và hơn 1 tấn phân bón. Qua hơn 2 tháng trồng, cây đã cao được khoảng 50 cm, sinh trưởng và phát triển tốt. Mong muốn của tôi khi trồng rừng này cũng là phủ xanh đất trống, đồi trọc và 5 năm sau, tôi sẽ được hưởng lợi ích kinh tế mà rừng mang lại khi đến thời gian thu hoạch”, ông Lê Văn Hà vui vẻ nói.
Ông Trương Duy Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy nhận định, hiện nay, công tác trồng rừng trên địa bàn đã đạt được những tín hiệu khả quan, tích cực, khi tổng diện tích trồng mới đã đạt 25,4 ha, vượt xa so với chỉ tiêu huyện giao là 15 ha. Tỉ lệ cây sống cũng rất cao, đạt trên 90%, sinh trưởng và phát triển tốt.
Để đạt được điều này, UBND xã đã thành lập 4 tổ công tác gồm cán bộ xã, cán bộ phòng ban của huyện, kiểm lâm địa bàn của xã thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cho người dân trồng rừng. Đặc biệt, mỗi cuối tuần, các tổ công tác sẽ báo cáo về UBND xã, nếu xảy ra tình trạng sâu bệnh, chính quyền địa phương sẽ có phương án hỗ trợ kịp thời cho bà con nhân dân.
Trong khi đó, chỉ tiêu của tỉnh Kon Tum giao cho thành phố Kon Tum là trong năm 2021 sẽ trồng mới được 220 ha rừng. Tuy nhiên, xét thấy điều kiện tự nhiên về đất đai dồi dào, khí hậu thuận lợi, UBND thành phố đã xin chủ trương của tỉnh cho phép tăng diện tích trồng trong năm của địa phương lên 1.000 ha. Đến nay, toàn thành phố đã trồng được 960 ha, chủ yếu là bạch đàn cự vĩ, keo và thông.
Theo ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum, giai đoạn đầu thực hiện trồng rừng đã phát sinh một số khó khăn do người dân chưa nhận thức đúng và đầy đủ về lợi ích của việc trồng rừng. Tuy nhiên, thành phố đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể xuống từng địa phương, nêu bật những giá trị của việc trồng rừng. Nhờ đó đến nay, người dân trên địa bàn đã có sự đồng thuận cao, việc triển khai trồng rừng diễn ra thuận lợi, trong hơn 2 tháng đã gần đạt chỉ tiêu đề ra.
“Cùng với sự đồng lòng của các cấp chính quyền và người dân, sự hỗ trợ về cây giống, phân bón của các đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn cũng góp phần không nhỏ vào sự thành công của công tác trồng rừng. Số diện tích rừng còn lại, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc trồng rừng, sẽ sớm đạt và vượt chỉ tiêu 1.000 ha rừng trong năm 2021”, ông Nguyễn Thanh Mân khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Luật, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Kon Tum cho biết, Hạt đã phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng thành phố tập huấn cho cán bộ kiểm lâm địa bàn công tác hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền cho người dân tham gia trồng rừng. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không thể tuyên truyền tập trung cho người dân nên Hạt đã biên tập tài liệu cụ thể về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây rừng để truyền tải đến từng nhóm hộ gia đình tham gia trồng rừng ở các cơ sở. Khi tiến hành trồng, kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương sẽ trực tiếp hướng dẫn tại hiện trường về công tác phát dọn, xử lý thực bì, kỹ thuật đào hố, chống mối và trồng.
Hiện tại, Hạt đang phối hợp với các đơn vị để kiểm tra diện tích rừng đã trồng tại địa bàn các xã để kịp thời phát hiện sâu, bệnh, khuyến cáo bà con có biện pháp phòng trừ. Đồng thời, chăm sóc cây trồng, xử lý thực bì để giảm cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng, phát quang, giảm vật liệu cháy để phòng, chống cháy rừng cho mùa khô sắp tới.

Lực lượng chức năng và người dân trồng rừng tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Lực lượng chức năng và người dân trồng rừng tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho rằng, khi mới thực hiện, công tác trồng rừng trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, bởi người dân chưa quen với việc trồng rừng kinh doanh, chưa hiểu được lợi ích kinh tế từ rừng nên còn e dè. Ngoài ra, điều kiện đi lại còn hiểm trở, các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng còn ít nên giá nguyên liệu còn thấp; mức hỗ trợ cho người dân tham gia trồng rừng còn thấp (10 triệu đồng/ha) trong khi thời gian thu hoạch khá lâu, từ 5 - 10 năm cũng khiến công tác trồng rừng gặp bất lợi.
Tuy nhiên, năm 2021, các cấp, các ngành của tỉnh đã vào cuộc tích cực, vận động người dân tham gia trồng rừng ở tất cả các diện tích đất trống, đồi trọc, đất lâm nghiệp,… Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm đã giám sát từ cơ sở, hướng dẫn kiểm lâm địa bàn thực hiện việc tuần tra, kiểm tra công tác trồng rừng của người dân đúng kỹ thuật, chăm sóc, bảo vệ các diện tích rừng đã trồng. Nhờ đó, đã vượt mức kế hoạch trồng rừng trong năm 2021 mà tỉnh đã đề ra.
“Trong những năm tiếp theo, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh để xác định loại cây rừng phù hợp, đưa giống về trồng. Đồng thời, tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu rõ lợi ích của việc trồng rừng.
Đơn vị cũng sẽ tham mưu cho các cấp chính quyền đẩy mạnh hình thành các cơ sở chế biến lâm sản từ rừng trồng. Qua đó, nâng cao giá thành rừng trồng, người dân được hưởng lợi sẽ tích cực tham gia, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu trồng 15.000 ha rừng trong giai đoạn 2021 - 2025”, ông Nguyễn Văn Tiến bày tỏ.
Theo Bài và ảnh: Dư Toán (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm