Kon Tum chỉ đạo làm rõ vụ mắc ca trồng bị chết hàng loạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
UBND tỉnh vừa yêu cầu kiểm tra thông tin báo chí phản ánh mắc ca ở huyện Đăk Tô trồng bị chết hàng loạt.

Tìm hiểu của phóng viên, không chỉ huyện Đăk Tô, tại huyện Đăk Hà, cây mắc ca trồng cũng bị chết.

Cây mắc ca cấp cho dân trồng ở huyện Đăk Tô bị chết
Cây mắc ca cấp cho dân trồng ở huyện Đăk Tô bị chết

Ngày 27-7, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo xử lý thông tin báo chí phản ánh .

Trước đó, Báo SGGP đã phản ánh, tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, quá trình triển khai các dự án của chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, đã xảy ra hàng loạt bất cập, như mắc ca cấp cho dân trồng bị chết; máy móc hỗ trợ dân chuyển đổi nghề không được sử dụng; giếng khoan bị hỏng. Riêng đối với nội dung cây mắc trồng bị chết, xảy ra ở các xã Pô Kô, Ngọc Tụ, Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô).

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum, đơn vị này giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đăk Tô cùng các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra thông tin báo chí phản ánh.

Bên cạnh đó, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, hoặc hướng dẫn địa phương thực hiện.

UBND tỉnh yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 31-7.

Tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP, không chỉ huyện Đăk Tô có mắc ca trồng bị chết, tại huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) cũng xảy ra tình trạng này.

Theo báo cáo của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Đăk Hà, trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị này đã tổ chức 3 cuộc giám sát, trong đó có nội dung “Giám sát triển khai, thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 30-8-2022 của HĐND huyện về việc thông qua Đề án hỗ trợ phát triển cây mắc ca giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn huyện Đăk Hà”.

Theo đó, đến thời điểm giám sát, UBND huyện Đăk Hà đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện đề án trồng mới hơn 121ha, đạt 110,53% so với chỉ tiêu năm 2023 và đạt 40% so với giai đoạn 2023-2025 của nghị quyết.

Tổng số hộ được hỗ trợ trong năm 2023 là 210 hộ với 19.938 cây mắc ca ghép, tổng kinh phí thực hiện là hơn 1,1 tỷ đồng.

Theo số liệu báo cáo của UBND huyện, số cây sống là 18.637 cây (đạt tỷ lệ 93,47%); cây sinh trưởng, phát triển bình thường. Số cây chết là 1.301 cây (tỷ lệ 6,53%).

Tuy nhiên, sau khi đi giám sát thực tế tại một số vườn cây tại các xã, thị trấn, Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Xã hội thấy rằng tỷ lệ cây sống bình quân đạt khoảng 85%. Trong đó, cá biệt có một số vườn cây trồng thuần, trồng trên vị trí đồi dốc, tỷ lệ sống đạt khoảng 70%. Dự báo qua mùa khô, tỷ lệ cây chết có khả năng cao hơn so với thời điểm giám sát.

Một số vườn cây sinh trưởng phát triển chậm, xảy ra ở các xã Ngọc Wang. Tại xã Đăk Long, Đăk Ngọc, một số vườn cây tỷ lệ chết còn nhiều. Ngoài ra, việc hỗ trợ cây trồng dặm cùng lúc với cấp cây giống là chưa hợp lý, thiếu khoa học.

Có thể bạn quan tâm