Kon Tum: Cây mắc ca cấp cho dân trồng bị chết hàng loạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để giúp người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, huyện Đắk Tô đã hỗ trợ người dân nhiều cây trồng, vật nuôi, máy móc, giếng khoan được đầu tư. 

Tuy nhiên, nhiều nơi, việc hỗ trợ chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Tại xã Pô Kô, huyện Đắk Tô, cây mắc ca hỗ trợ cho dân trồng đã bị chết hàng loạt. Ông A Téo (thôn Kon Tu Peng) cho biết, gia đình thuộc hộ nghèo. Năm 2023, gia đình được cấp miễn phí 60 cây mắc ca trồng xen trong rẫy cà phê, nhưng hiện chỉ còn sống... 2 cây.

Theo ông A Bảy, Trưởng thôn Kon Tu Peng, năm 2023, thôn có khoảng 37 hộ được hỗ trợ cây mắc ca. Đến tháng 1-2024, người dân phát hiện mắc ca bị chết gần hết và trình báo.

Ông A Thăm, Chủ tịch UBND xã Pô Kô, cho biết, Phòng NN-PTNT huyện làm chủ đầu tư dự án cấp cây giống mắc ca. Người dân 5 thôn trên địa bàn xã được cấp cây giống mắc ca trong 3 năm qua, nhưng ghi nhận năm 2023, tỷ lệ cây chết khoảng 60%; năm 2021 và năm 2022, cây chết khoảng 20%. Nguyên nhân chết do thời tiết nắng hạn kéo dài và khâu chăm sóc của người dân còn hạn chế...

Mới đây, Đoàn giám sát HĐND huyện Đăk Tô đã tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện.

Theo kết quả giám sát, tại các xã Pô Kô, Ngọc Tụ, Đăk Rơ Nga, số lượng cây mắc ca thuộc dự án liên kết chuỗi sản phẩm mắc ca bị chết khá nhiều; nhiều diện tích cây sống nhưng sinh trưởng, phát triển kém. Tại xã Ngọc Tụ, một số hộ được cấp bò thuộc dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản chưa tích cực trong chăm sóc, nuôi dưỡng bò được cấp, để xảy ra tình trạng bò chết, bò gầy yếu do thiếu thức ăn.

Việc khảo sát vị trí xây dựng bể chứa nước công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thôn Măng Rương, xã Văn Lem chưa đảm bảo an toàn, phải di dời sang vị trí khác, làm chậm tiến độ thực hiện, lãng phí ngân sách. Công trình nước sinh hoạt tập trung tại Thôn Đăk Mơ Ham, xã Pô Kô mới hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng đã hư hỏng. Việc triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ chuyển đổi nghề ở một số địa phương còn bất cập, hình thức hỗ trợ chưa phù hợp...

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.