Kiên quyết dẹp bỏ "sân sau"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại một tình trạng rất đáng lo ngại, đó là nhiều cán bộ có chức có quyền lập “sân trước, sân sau” để chia dự án, vun vén lợi ích cho cá nhân, phe nhóm. Tình trạng này phải kiên quyết dẹp bỏ để đẩy nhanh tiến trình đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ sốt ruột về tình trạng “sân trước, sân sau” ở khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đầu tháng 2 năm nay, khi trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho ông Nguyễn Hoàng Anh, Thủ tướng nhận định, vẫn còn tình trạng “sân sau”, còn hiện tượng gia đình, bà con thân quen, dòng tộc trong các doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp lập ra các công ty của người nhà, người quen, người cùng cánh hẩu để tham gia làm “quân xanh, quân đỏ” trong các cuộc đấu thầu cung cấp nguyên liệu, vật tư… cho chính doanh nghiệp đó. Thực tế này không nói ra thì ai cũng biết.
Quyết tâm dẹp bỏ tình trạng sân trước, sân sau trong các doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh: KT (nguồn VOV)
Quyết tâm dẹp bỏ tình trạng sân trước, sân sau trong các doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh: KT (nguồn VOV)
“Đừng tưởng Thủ tướng không biết. Không chỉ có hai, ba cái sân sau, mà có anh có tới mười ba, mười bốn, thậm chí là mười lăm, mười sáu cái sân sau”-người đứng đầu Chính phủ đã nói như vậy trước cộng đồng doanh nghiệp. Ông cũng không quên điểm qua một số “sân sau” mà vì đó đã gây thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, bán đất “vàng” với giá như cho không nên buộc phải thu hồi như: Hãng phim truyện Việt Nam, Cảng Quy Nhơn, Bóng đèn Điện Quang… 
Có thể nói, tình trạng “sân sau”, công ty bình phong xuất hiện phổ biến ở nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp. Đi đâu cũng gặp các công ty “sân sau”. Có những “sân sau” được lập ra chỉ với một nhiệm vụ… thắng thầu các dự án đầu tư công để bán lại kiếm lời. Nhiều lãnh đạo tỉnh có doanh nghiệp “sân sau” đặt trụ sở ngay tại chính nhà mình.
“Sân sau” còn là hiện tượng gửi con cháu, người quen vào làm việc tại các doanh nghiệp mà không cần góp vốn khiến doanh nghiệp không thể phát triển được. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, qua nhiều vị trí khác nhau, cho đến khi “lộ sáng” thì đã gây thiệt hại vô cùng lớn, như vụ bà Phan Thị Mỹ Thanh-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai trong thời gian giữ cương vị Giám đốc Sở Công thương tỉnh này đã tham gia điều hành công ty “sân sau” do chồng bà là cổ đông sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Quản trị. 
Giống như những cái vòi của con bạch tuộc, “sân trước, sân sau”, rồi sân sau của sân sau, đang làm xuất hiện thêm những biến thể mới phức tạp như “sân liền kề”, “sân hàng xóm”, thậm chí xuất hiện cả “đại lộ”, gây thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước khi có sự thông đồng giữa các quan chức có quyền lực với doanh nghiệp. Nhất là khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì những “sân sau” này liên kết với nhau rút ruột đất công, nhà xưởng, biến của công thành... “của ông”, biến lợi ích quốc gia thành bệ đỡ, bệ phóng cho lợi ích cá nhân, phe nhóm của mình. 
Vì sao hiện tượng “sân sau” tại các doanh nghiệp nhà nước đã được bắt đúng bệnh, chỉ rõ nguyên nhân nhưng vẫn tồn tại trong thời gian dài? Đó là do chúng ta vẫn còn thiếu cơ chế. Lỗ hổng lớn nhất hiện nay là vẫn chưa có Luật Cổ phần hóa, dẫn đến thiếu những hành lang pháp lý cần thiết, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát ở cấp cao nhất. 
Vì vậy, khi công khai nêu tình trạng “sân trước, sân sau”, lợi ích nhóm trong cổ phần hóa trước hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn truyền đi một thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về quyết tâm chống tiêu cực, tham nhũng, dẹp bỏ những cái bắt tay dưới gầm bàn, bòn rút của công. 
Đó còn là lời cảnh báo doanh nghiệp phải tự tìm phương cách phù hợp, tự làm sạch mình trước, coi việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp là nhiệm vụ vì lợi ích của chính mình. Đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp cùng chung sức với Chính phủ tìm giải pháp làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, tuyên chiến với tình trạng “sân sau”, nói không với những “sân sau”, công ty bình phong trong các doanh nghiệp nhà nước. 
Muốn vậy trước hết phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, công khai minh bạch các hoạt động thẩm định tài sản, phân phối cổ phần, đấu thầu công khai, công bằng. Các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Thanh tra Chính phủ phải thanh tra, chỉ rõ những cá nhân, doanh nghiệp nhà nước có tình trạng này để xử lý trên tinh thần kiên quyết, dứt khoát, không né tránh nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế nhà nước phát triển lành mạnh.
Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không cho phép người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tuy vẫn còn tranh cãi xung quanh quyết định này nhưng rõ ràng, xu thế chung của thế giới đều lo ngại các rủi ro khi trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Ô nhiễm không khí - hệ lụy nặng nề

Ô nhiễm không khí - hệ lụy nặng nề

Thời điểm cuối năm, ô nhiễm bụi đang ở mức cao, đặc biệt là ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM. Số ngày có chỉ số chất lượng không khí (IQAir) ở mức kém, xấu và rất xấu chiếm tỷ lệ khá lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Cần chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý, vận hành đường sắt tốc độ cao

(GLO)- Theo chương trình, tuần này, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về việc đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Bên cạnh nguồn vốn, công việc cần được tiến hành song song là chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý, vận hành công trình với số lượng dự kiến có thể hơn 14 ngàn người.

Cách để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Cần bảo vệ các thầy cô để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo, nhưng làm thế nào để đảm bảo cơ chế giám sát của xã hội, cơ chế bảo vệ tự thân của chính nhà giáo cả về năng lực chuyên môn cũng như đạo đức của nghề đặc biệt này ?

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (ĐSTĐC) với đề xuất “19 chính sách đặc thù, đặc biệt và giải pháp áp dụng cho dự án”.

Tinh gọn bộ máy

Tinh gọn bộ máy

Lý do chia tách địa giới hành chính trước đây thường xuất phát từ yêu cầu quản lý và phục vụ hành chính, chủ yếu vì diện tích rộng, khoảng cách từ nhà dân đến nơi cung cấp dịch vụ công như công sở, bệnh viện, trường học quá xa.