Trong khi dân bản “cạo trọc” những cánh rừng để làm rẫy, trồng thuốc phiện thì người đàn ông này lại lặn lội đi tìm cây pơ mu về trồng trên những quả đồi trơ trọc. Ai cũng bảo ông bị điên.
Khu rừng pơ mu và chè của ông Vừ Nỏ Chống. Ảnh: K.Hoan
16 năm sau, kể từ khi ông Vừ Nỏ Chống cắm những cây pơ mu xuống quả đồi trọc, dân bản ở xã Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) mới hiểu ra lợi ích của việc gây rừng này. “Khi tôi mới trồng pơ mu, ai cũng nói tôi điên. Nhưng bây giờ, nhiều người đã trồng theo người điên này đấy”, ông Chống hóm hỉnh nói.
Tìm lại loài cây đã mất
Huồi Tụ, nơi sinh sống chủ yếu của người Mông, nằm cách trung tâm huyện Kỳ Sơn gần 30 cây số. Bao quanh là trùng điệp núi rừng. Tập quán canh tác bằng cách đốt rừng làm rẫy để trồng lúa và thuốc phiện từ hàng trăm năm nay đã biến những cánh rừng ở đây thành những quả đồi nham nhở, trọc lóc. Pơ mu, một loài gỗ quý từng có nhiều ở vùng này, cũng đã biến mất. Những năm 1990, huyện Kỳ Sơn vận động người dân nhận đất sản xuất, trồng rừng, xóa cây thuốc phiện, nhưng ít ai quan tâm.
Năm 2000, ông Vừ Nỏ Chống nhận khu đồi trọc rộng hơn 10 ha cách nhà chừng vài cây số. Nhận đất rồi, ông cũng chưa biết trồng cây gì trên đó. Hai năm sau, ông Chống quyết định trồng cây pơ mu (loài cây đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam từ năm 1996). “Ba năm đi nghĩa vụ quân sự, tôi học được nhiều thứ, nhất là phải bảo vệ, giữ rừng. Khi thấy rừng đã bị phá hết, tôi tiếc lắm, nhất là pơ mu, nên tôi có tâm nguyện phải phục hồi lại rừng pơ mu”, ông Chống giải thích.
Người đàn ông dân tộc Mông này phải lặn lội 70 - 80 km đến các xã Na Ngoi, Mường Ải (cùng huyện) để tìm giống pơ mu. Nhưng ở đây không ai có giống cây này. “Tôi vào rừng, gần biên giới, thấy ở đó vẫn còn pơ mu, phía dưới những cây lớn, có cây con mọc lên nên rất mừng. Tôi ra bản, thuê một số người đi đào cây con về để mua và phải trả tiền công”, ông Chống kể. Để có tiền mua cây giống, ông phải bán cả đàn bò của gia đình và 2 tháng sau, ông mua được 3.000 cây pơ mu con.
Hơn một năm sau, chỉ còn phân nửa số cây đã trồng sống sót. Không nản lòng, ông Chống lại đi tìm cây giống khác và tìm đến các lâm trường để hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc pơ mu. Không còn bò để bán lấy tiền thuê người nữa, ông tự vào rừng tìm, đào cây và hơn 3 tháng sau, ông mới tìm đủ số cây giống để thay thế.
Khi những cây pơ mu đã bén và cắm rễ xuống khu đồi, ông Chống mới thở phào. Năm 2005, Tổng đội Thanh niên xung phong 8 mang cây chè tuyết san lên gieo ở vùng cao này nhằm giúp dân bản xóa nghèo. Ông Chống nhận chè về trồng xen bên cạnh pơ mu. Chỉ vài năm sau, mô hình này mang lại hiệu quả bất ngờ cho gia đình ông. Chè thu hoạch xong được tổng đội thu mua với giá cao. Rồi ông nuôi bò, thả gà đen trên khu đồi để “lấy chè, bò, gà nuôi… pơ mu”.
Ông Vừ Nỏ Chống và cây pơ mu 16 tuổi trong khu rừng
Trồng rừng cho đời sau
Sau gần 20 năm giao đất rừng cho dân, nhiều quả đồi ở Huồi Tụ vẫn trọc lóc, nhưng quả đồi của ông Chống đã thành khu rừng pơ mu xanh mướt. Dưới những tán cây pơ mu là đồi chè tuyết san, hơn chục con bò và hàng trăm con gà đen. Hơn 10 năm nay, hơn 10 ha rừng này đã nuôi sống gia đình ông. Các con của ông một người đã xong đại học đang làm giáo viên, con thứ đang học đại học, 2 người con khác đang học trung học phổ thông và ông nói sẽ “cho học đến cùng”. Ở vùng rẻo cao này, học đến đại học cũng khó và hiếm như… tìm cây pơ mu vậy!
Đến nay, ông đã có gần 7.000 gốc pơ mu. Dưới những tán cây pơ mu xanh mướt, mùi thơm đặc trưng của tinh dầu pơ mu tỏa ra rất dễ chịu. Nhiều cây pơ mu đã có đường kính 30 - 40 cm. Gỗ pơ mu rất tốt, mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp và không bị mối mọt nên rất được ưa chuộng để làm đồ mỹ nghệ, gia dụng. Người miền núi trước đây thường dùng gỗ pơ mu làm ngói lợp nhà vì độ bền rất tốt. Ông Chống khoe năm ngoái đã có người đến hỏi mua pơ mu, cây to giá 3 - 4 triệu đồng/cây, nhưng ông không bán. Ông nói, thu nhập từ cây chè, bò và gà đã đủ cho gia đình trang trải.
Người đàn ông 53 tuổi này cũng không có ý định khai thác pơ mu để bán mà chỉ muốn “trồng và giữ rừng cho đời sau”. Người dân trong xã hiểu ra việc trồng pơ mu của ông Chống, vừa được rừng vừa có thu nhập nên cũng làm theo. Giờ thì có hơn 20 ha đồi trọc ở vùng này đã được dân bản phủ xanh bằng cây pơ mu.
Hôm tôi lên thăm, dưới tiết trời nắng nóng hầm hập, nhưng khu rừng của ông Chống vẫn mát rượi. Những lối đi thoai thoải dưới tán cây pơ mu và đồi chè trông rất đẹp mắt đã thu hút nhiều người trẻ trong vùng tìm đến chơi. Ông Chống dự tính sẽ tạo khu rừng của gia đình thành khu du lịch sinh thái. Khu sinh thái này không nhằm bán vé kiếm tiền mà ông muốn dùng nó để thay đổi nhận thức của dân bản về rừng. Ông lý luận rất đơn giản, phải trồng cây, gây lại rừng thôi vì chúng ta đã phá đi quá nhiều rồi.
Khi được hỏi về rừng pơ mu của ông Chống, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Huồi Tụ Dềnh Bá Lồng khen ngay: “Khu rừng pơ mu xen lẫn chè tuyết san, chăn nuôi của ông Vừ Nỏ Chống là mô hình tốt, điển hình của cả huyện. Đây là cách làm rất hay, vừa phát triển được rừng, nhất là bảo tồn được cây pơ mu, vừa phát triển kinh tế cho gia đình bằng cách lấy ngắn nuôi dài (lấy chè, gà, bò nuôi pơ mu)”. Theo ông Dềnh Bá Lồng, xã đã vận động dân bản làm theo ông Chống và hiện nhiều hộ có rừng đã trồng pơ mu theo mô hình này. |
Khánh Hoan (Thanh Niên)