Không để thua thiệt khi tham gia sân chơi lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 10-11, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ nghe báo cáo và thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Song, nếu không áp dụng Việt Nam vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia có áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) được hưởng mức thuế suất thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu (15%), đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nếu áp dụng, Việt Nam sẽ thu thêm thuế TNDN bổ sung đối với những doanh nghiệp có dự án đang được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế TNDN, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước từ những đối tượng này. Một số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài cũng sẽ đóng thêm thuế bổ sung về Việt Nam (trường hợp quốc gia sở tại mà họ đầu tư không áp dụng thuế này).

Theo số liệu quyết toán thuế năm 2022, có 6 tập đoàn của Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng (gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát). Số thuế TNDN bổ sung về Việt Nam dự kiến khoảng 73 tỷ đồng.

Ngược lại, những ưu đãi thuế mà Việt Nam đang áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài thuộc diện bị tác động bởi loại thuế này sẽ không còn nhiều ý nghĩa và do đó, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam sẽ trở nên ít hấp dẫn hơn trong mắt họ. Hiện nay, Việt Nam có 619 tập đoàn đa quốc gia với 1.017 công ty thành viên tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất trong năm 2021 đạt khoảng 750 triệu euro trở lên (thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu).

Theo tính toán sơ bộ của Tổng cục Thuế, trên cơ sở số liệu quyết toán thuế TNDN năm 2022, có 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu loại thuế này được áp dụng từ năm 2024. Cả nước có khoảng 335 dự án với số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN thấp hơn 15% (trong đó đa số là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron...).

Tuy chỉ chiếm khoảng 1% về số dự án nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỷ USD). Dòng chuyển dịch đầu tư từ các doanh nghiệp này, nếu xảy ra do việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, sẽ có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, trong đó có tăng trưởng xuất khẩu và dự trữ ngoại hối. Giữ chân các doanh nghiệp này bằng cách nào là câu hỏi không dễ dàng mà Quốc hội phải cân nhắc, quyết định đồng thời với việc ban hành nghị quyết thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu.

Tuy vậy, điểm đáng chú ý là, theo báo cáo về chỉ số môi trường kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ưu đãi về thuế TNDN đứng gần cuối danh sách những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài, trong khi khó khăn về thủ tục hành chính mới là yếu tố có trọng số lớn nhất (chiếm 70%) mà Việt Nam cần phải cải thiện để thu hút nhà đầu tư. Cải thiện thủ tục visa và cho phép chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng, phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển về tăng trưởng xanh cũng là những yếu tố được doanh nghiệp quan tâm hơn nhiều so với ưu đãi thuế.

Bước ra sân chơi lớn, ắt phải chấp nhận luật chơi của sân chơi đó. Thuế tối thiểu toàn cầu là một phép thử về bản lĩnh, mức độ chuẩn bị để Việt Nam bình tĩnh, tự tin tham gia vào cuộc chơi một cách sòng phẳng và không bị thua thiệt.

Có thể bạn quan tâm

'Thuế hàng xa xỉ' với xăng, sai từ đầu

'Thuế hàng xa xỉ' với xăng, sai từ đầu

Thuế tiêu thụ đặc biệt được "định nghĩa" rất rõ, là áp cho một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ (như rượu, tàu bay, du thuyền…) nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Trong khi đó, có đánh thuế bao nhiêu thì người dân vẫn phải mua xăng để chạy xe.

'Xóa mù AI' – cơ hội trao cho tất cả

'Xóa mù AI' – cơ hội trao cho tất cả

Việc phổ cập – “xóa mù” AI không chỉ giúp người lao động không bị tụt hậu mà còn tạo ra một xã hội năng động, sáng tạo, nơi mỗi cá nhân đều có thể tận dụng sức mạnh của công nghệ để nâng cao đời sống và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Hai câu chuyện về thuế

Hai câu chuyện về thuế

Hai câu chuyện về thuế của các doanh nghiệp đặt ra nhiều suy ngẫm cho chúng ta trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang quyết liệt cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, công bằng trong kỷ nguyên mới.

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tháng 3, Việt Nam đón tiếp 2 đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ, với hơn 60 thương hiệu lớn. Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết đây là phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất từng đến Việt Nam.

Tư duy mới cho tác phẩm đặt hàng

Tư duy mới cho tác phẩm đặt hàng

MV Bắc Bling của Hòa Minzy đạt hơn 77 triệu lượt xem sau 20 ngày phát hành, đứng tốp 1 Trending YouTube Việt Nam liên tục gần 2 tuần lễ. Đây là thành công của một sản phẩm âm nhạc, minh chứng cho cách một tác phẩm có thể khơi dậy niềm tự hào văn hóa dân tộc mà không cần những khẩu hiệu cứng nhắc.