Không có nhà vệ sinh, học sinh phải đi vào bô rồi cô giáo đi đổ nhờ!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Không có nước sinh hoạt, không có nhà vệ sinh nên hàng ngày, các cô giáo phải cho các cháu mẫu giáo đi vệ sinh vào bô rồi mang vào nhà người dân… đổ nhờ!
Sự việc xảy ra tại Trường mẫu giáo Hoa Thiên Lý nằm ở xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), với 5 điểm trường phải học nhờ tại các hội trường, nhà văn hóa thôn, buôn.

Các cháu mẫu giáo Trường Mầm non Hoa Thiên Lý phải học ké tại hội trường thôn, buôn
Các cháu mẫu giáo Trường Mầm non Hoa Thiên Lý phải học ké tại hội trường thôn, buôn
Điểm trường thôn Hồ Voi (xã Vụ Bổn) là nhà văn hóa của thôn với 1 lớp học cho 35 cháu mẫu giáo. Vào đầu năm học, cô Trần Thị Thu cùng đồng nghiệp đã kê những chiếc bàn ghế cũ kỹ, chiếc bảng bạc màu để phục vụ việc học tập cho các cháu. Do nhà văn hóa thôn chật hẹp, xuống cấp và đặc biệt là không có nước sinh hoạt, không có nhà vệ sinh nên vô cùng bất tiện.
Tương tự, điểm trường ở hội trường thôn 9 (xã Vụ Bổn) cũng chật hẹp, bàn ghế tạm bợ nhưng là nơi học của 55 cháu. Cơ sở vật chất của điểm trường rất thiếu thốn, các cháu đi học không có nước sử dụng, nhà vệ sinh xuống cấp, bẩn thỉu. Những ngày thôn hội họp thì các cháu phải nghỉ học. "Đã nhiều năm qua, chúng tôi ước ao có được một điểm trường khang trang cho các cháu đến trường. Giáo dục mầm non là nền tảng nên cần được ưu tiên đầu tư nhưng chờ mãi chẳng thấy đâu" - ông Trương Văn Thành, Thôn trưởng thôn 9 chia sẻ.

Những chiếc bảng cũ kỹ, bạc màu
Những chiếc bảng cũ kỹ, bạc màu
Cô Trần Thị Thúy, Phó hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Thiên Lý, cho biết điểm trường thôn Hồ Voi được mở từ năm 2005. Sau một thời gian, do thiếu giáo viên nên dừng hoạt động. Cách đây khoảng 4 năm, do nhu cầu cấp thiết nên phải mở lại. Hiện nay, điểm trường này có 35 cháu với 2 giáo viên phụ trách. Từ đầu năm, nhà trường ưu tiên nhận trẻ 4, 5 tuổi, còn trẻ 3 tuổi nhà trường không nhận nhiều vì thiếu giáo viên và phòng quá chật hẹp. Điều khó khăn nhất là do không có nhà vệ sinh nên nhà trường đã sắm bô cho các cháu nhỏ tuổi đi vệ sinh vào. Sau đó, các cô giáo phải mang bô vào nhà người dân gần đó đổ nhờ. Đối với các cháu lớn hơn (5 tuổi) thì cô giáo sẽ dẫn qua nhà người dân đi vệ sinh nhờ.

Không có nước, nhà vệ sinh tại điểm trường thôn 9 bẩn thỉu
Không có nước, nhà vệ sinh tại điểm trường thôn 9 bẩn thỉu
Còn tại điểm trường thôn 9 có 55 học sinh nhưng cũng chỉ có 2 giáo viên. Các cô phải chia ra làm 2 dãy bàn, 1 cô phụ trách dãy các cháu 5 tuổi để dạy chương trình chuẩn bị vào lớp 1, cô còn lại phải quản lý các cháu nhỏ tuổi hơn. "Ngoài việc không có nhà vệ sinh, hàng ngày các cô phải đi xách từng xô nước về rửa tay chân cho các cháu. Bên cạnh đó, phòng học chật chội, giáo viên ít mà học sinh đông nên ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các cháu, còn giáo viên rất vất vả" - cô Thúy nói.
Trả lời câu hỏi vì sao 4 năm qua, trường không kiến nghị xây 1 cái nhà vệ sinh nho nhỏ cho các cháu, cô Thúy nói: "Xin miết mà có được đâu. Năm nào cũng xin, bao nhiêu tờ trình rồi mà không được. Chúng tôi rất muốn có cái nhà vệ sinh để giáo viên đỡ tội nhưng vẫn chưa được đồng ý".

Cơ sở vật chất tạm bợ, thiếu thốn, học sinh đông nên các giáo viên rất vất vả
Cơ sở vật chất tạm bợ, thiếu thốn, học sinh đông nên các giáo viên rất vất vả
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Xuân Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pắk, cho biết chưa thể đầu tư xây dựng Trường Mẫu giáo Hoa Thiên Lý do năm nay chỉ được cấp kinh phí 13 tỉ đồng. Trong khi đó, toàn huyện có 100 trường và phải tập trung đầu tư trường chuẩn, trường tái chuẩn, trường xuống cấp nghiêm trọng, còn nhiều điểm lẻ không quan tâm hết được. Đối với nhà vệ sinh, nước sạch tại 2 điểm trường nói trên, ông Vinh cho biết do các điểm lẻ, ít học sinh nên rất khó đầu tư xây dựng vì nguồn kinh phí hạn chế.
Đi học mẫu giáo phải... đưa em đi cùng để trông!
Cô Trần Thị Thu tâm sự cha mẹ các cháu đều làm nông, kinh tế rất khó khăn nên ít quan tâm việc học hành của các cháu. Nhiều gia đình bắt con ở nhà trông em để cha mẹ đi làm nương rẫy, các giáo viên phải tới thuyết phục. Có trường hợp, sau khi vận động, gia đình đồng ý cho con đi học mẫu giáo nhưng với điều kiện… đưa cả em đi cùng để trông em!.
Do cơ sở vật chất không đảm bảo, không có bếp ăn, chỗ nghỉ ngơi nên có điểm trường, buổi trưa các cháu phải về nhà. Có điểm trường, các cháu phải mang theo cơm để học cả ngày. "Có nhiều cháu đến trường không đồ ăn trưa. Thương các cháu, giáo viên đã đóng góp và duy trì hũ gạo tình thương cho những cháu khó khăn có cơm trưa" - cô Thúy ngậm ngùi nól.
Bài và ảnh: Cao Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.