Khởi tố vụ phá rừng nghiêm trọng ở Khu Bảo tồn Ea Sô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau nhiều tháng điều tra, nghiên cứu hồ sơ, cơ quan Công an huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) đã ra quyết định khởi tố vụ án phá rừng lớn ở tiểu khu 622 và 618 (thuộc địa phận khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô).

Một góc khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Ảnh: Bảo Trung
Một góc khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Ảnh: Bảo Trung



Ngày 19.2, ông Lê Minh Tiến - Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô - thông tin, vụ án khai thác gỗ trái phép tại rừng Ea Sô đã được Công an huyện Ea Kar khởi tố và tiếp tục điều tra. Đối tượng cầm đầu trong vụ phá rừng quy mô này là người ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, bước đầu đã nhận tội.

Nếu phát hiện có cán bộ của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô liên quan thì chắc chắn sẽ xử lý nghiêm, còn nếu không liên quan thì đơn vị cũng sẽ xử lý kỷ luật về mặt quản lý nhà nước, mức kỷ luật thấp nhất là cảnh cáo. Trong quá trình xử lý sẽ tập trung vào vai trò trách nhiệm của trạm trưởng và trạm phó, ông Tiến cho hay.

Trước đó, ngày 14.11, nhận được tin báo có vụ phá rừng lớn tại 2 tiểu khu 622 và 618 thuộc Khu BTTN Ea Sô, lực lượng chức năng đã nhanh chóng triển khai lực lượng truy bắt. Tuy nhiên, lâm tặc đã chạy thoát, để lại nhiều tang vật.

Tại hiện trường, có 79 cây gỗ căm xe, 1 cây gáo vàng, 1 cây bằng lăng bị cắt hạ. Những cây gỗ này đều có đường kính từ 50cm trở lên, nhiều cây gỗ lâm tặc chưa kịp mang đi còn tươi nguyên.

Về phần gỗ, qua kiểm đếm, lực lượng chức năng phát hiện có hơn 40m3 lâm tặc chưa kịp tẩu tán và đang được canh giữ nghiêm ngặt.

Việc khởi tố vụ án, xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu lẫn cán bộ tiếp tay cho lâm tặc (nếu có) cho thấy quyết tâm của phía người đứng đầu BQL lẫn Công an huyện Ea Kar nhằm bảo lưu diện tích rừng quý giá còn sót lại ở Khu Bảo tồn kể trên. Tuy vậy, để lâm tặc chùn bước, biết sợ mà "gác kiếm" thì vẫn cần có những biện pháp quyết liệt, căng cơ hơn nữa từ chính quyền tỉnh Đắk Lắk đến đơn vị tuyến dưới.


Hồi tháng 6.2020, Báo Lao Động liên tục có bài phản ánh nạn lâm tặc những năm qua phá rừng ở Khu BTTN Ea Sô. Nhiều cây gỗ quý trong một số tiểu khu ở cánh rừng trên bị đốn hạ không thương tiếc. Chính quyền các tỉnh giáp ranh với Đắk Lắk gồm Gia Lai, Phú Yên gặp rất nhiều khó khăn để giải quyết triệt để vấn nạn này.


https://laodong.vn/phap-luat/khoi-to-vu-pha-rung-nghiem-trong-o-khu-bao-ton-ea-so-881776.ldo

Theo BẢO TRUNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm