Khôi phục rừng thông ven Quốc lộ 28: Bài học kinh nghiệm từ Đắk Glong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau 4 năm triển khai, nhiều mảng rừng thông đã được khôi phục, bảo vệ. Màu xanh của rừng thông, một hình ảnh đẹp từ lâu đã trở thành biểu tượng của Tây Nguyên tiếp tục được gìn giữ, bảo vệ.

Rừng thông 3 năm tuổi gần trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Quảng Sơn tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
Rừng thông 3 năm tuổi gần trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Quảng Sơn tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Xử lý nghiêm minh các trường hợp phá, lấn chiếm đất rừng thông ven Quốc lộ 28 để khôi phục rừng cảnh quan, phòng hộ là một ưu tiên của cả hệ thống chính trị huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Sau 4 năm triển khai, nhiều mảng rừng thông đã được khôi phục, bảo vệ. Màu xanh của rừng thông, một hình ảnh đẹp từ lâu đã trở thành biểu tượng của Tây Nguyên tiếp tục được gìn giữ, bảo vệ.

Quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Ngày 8/7/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Kết luận số 840 về công tác quản lý đất đai và quản lý bảo vệ rừng dọc Quốc lộ 28 đoạn qua các xã Đắk Ha, Quảng Sơn, huyện Đắk Glong giai đoạn 2010-2019.

Thực hiện kết luận 840, Huyện ủy Đắk Glong đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 02 ngày 13/10/2020 về tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 01 ngày 27/8/2020 về khắc phục những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, sai phạm được chỉ ra tại Kết luận số 840 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Glong đã ban hành Kế hoạch số 104 ngày 7/9/2020 về triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan. Huyện cũng thành lập ban chỉ đạo thực hiện khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan đến quản lý đất đai và quản lý bảo vệ rừng dọc Quốc lộ 28. Các thành viên được phân công nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo rà soát các diện tích đất rừng bị vi phạm dọc Quốc lộ 28, đoạn qua các xã Đắk Ha, Quảng Sơn.

Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy Đắk Glong, các xã Quảng Sơn, Đắk Ha đã thành lập các tổ trực tiếp đi tuyên truyền, vận động các hộ dân bàn giao lại đất, trong đó bí thư đảng ủy cấp xã làm tổ trưởng. Đảng ủy các xã phân công, giao nhiệm vụ cho cấp ủy viên, chi bộ, trưởng thôn và tổ chức đoàn thể phối hợp tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi, bằng nhiều hình thức.

Rừng thông phát triển xanh tốt tại khu vực từng bị lấn, chiếm trái phép để sản xuất nông nghiệp.
Rừng thông phát triển xanh tốt tại khu vực từng bị lấn, chiếm trái phép để sản xuất nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Quế, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Ha, chia sẻ vượt qua những khó khăn, thậm chí mang tính chất chống đối của nhiều hộ dân, tổ vận động đã thành công trong việc thuyết phục 9 hộ gia đình, cá nhân tự nguyện di dời tài sản, vật kiến trúc ra khỏi diện tích đất vi phạm, trả lại gần 4ha đất rừng để xã trồng lại cây thông, không phải cưỡng chế.

Đối với những hộ dân không tự nguyện di dời tài sản, trả lại đất rừng, huyện Đắk Glong đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh, đồng bộ để thu hồi.

Ông Vũ Tiến Lư, Bí thư Huyện ủy Đắk Glong, cho biết việc cưỡng chế, thu hồi đất chưa có tiền lệ bởi diện tích thu hồi lớn, nếu không giải quyết khéo léo, cương quyết, bám sát quan điểm chỉ đạo dễ dẫn đến sai sót, bị các đối tượng kích động, các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Vì vậy, Huyện ủy Đắk Glong đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện tổ chức họp báo, cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí để đồng hành cùng với địa phương.

Sau đó, đoàn cưỡng chế của huyện đã ra quân, tổ chức cưỡng chế đối với gần 100 trường hợp lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, trong đó có 38 trường hợp tự nguyện tháo dỡ, tổng diện tích hơn 16ha với 45 căn nhà, tại địa bàn xã Quảng Sơn.

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Kết luận số 840 của Tỉnh ủy, đến nay, huyện Đắk Glong đã thực hiện giải tỏa 145/154 trường hợp với gần 36ha tại xã Quảng Sơn để bàn giao cho các đơn vị chủ rừng trồng lại thông.

Quyết liệt khôi phục rừng thông

Cưỡng chế, thu hồi đất đã khó, việc trồng và quản lý, bảo vệ để rừng thông phát triển và từng bước khôi phục rừng ven Quốc lộ 28 càng khó hơn.

Xác định rõ vấn đề này, huyện Đắk Glong đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và Ủy ban Nhân dân các xã Quảng Sơn, Đắk Ha rà soát, khoanh nuôi rừng, trồng bổ sung thông. Bí thư đứng đầu các tổ chức cơ sở đảng chịu trách nhiệm chính nếu để rừng bị tái lấn, chiếm.

"Chúng tôi kiên quyết xử lý, thu hồi diện tích rừng bị phá, đất rừng bị lấn, chiếm. Huyện giao chủ rừng trồng lại, phục hồi rừng theo quy định. Cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng, làm gương cho nhân dân noi theo," ông Vũ Tiến Lư, Bí thư Huyện ủy Đắk Glong chia sẻ.

Một vạt rừng thông ven Quốc lộ 28, đoạn qua xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
Một vạt rừng thông ven Quốc lộ 28, đoạn qua xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Đối với việc quản lý diện tích đất và rừng trên địa bàn (bao gồm các diện tích vừa thu hồi), Huyện ủy Đắk Glong tiếp tục giao trách nhiệm đến đảng ủy các xã, chi bộ trực thuộc, các đơn vị liên quan. Bí thư các tổ chức cơ sở đảng là người chịu trách nhiệm cao nhất. Đây là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên cuối năm.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Glong chỉ đạo các phòng, ban, Ủy ban Nhân dân cấp xã, các đơn vị chủ rừng chủ động bố trí nguồn lực, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và hoàn thành chỉ tiêu phát triển rừng được giao. Đơn vị chủ rừng phải chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình trồng mới, khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên, nhất là các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Đến nay, sau gần 4 năm thực hiện Kết luận số 840 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông về công tác quản lý đất đai và quản lý bảo vệ rừng dọc Quốc lộ 28 đoạn qua các xã Đắk Ha, Quảng Sơn, huyện Đắk Glong giai đoạn 2010-2019, nhiều vạt rừng thông ven Quốc lộ 28, đoạn qua các xã Đắk Ha, Quảng Sơn đã được khôi phục và phát triển xanh tốt.

Theo ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, để quản lý, bảo vệ tốt rừng thông cảnh quan, phòng hộ ven các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp, giải pháp mạnh gắn với trách nhiệm khoán cho các lực lượng như dân quân tự vệ, nhóm, hộ.

Rừng thông ở Đắk Glong chủ yếu nằm hai bên Quốc lộ 28, phạm vi rừng hẹp, giáp đất sản xuất, do đó phải xác định ranh giới rõ ràng, nếu cố tình lấn, chiếm, vi phạm thì xử lý kịp thời để răn đe, giáo dục. Các cấp, ngành cần có chế tài mạnh, xử lý nghiêm các vụ án phá rừng, lấn, chiếm đất rừng để làm điểm.

Cưỡng chế thu hồi đất, trồng lại rừng thông ven Quốc lộ 28 là một ưu tiên của huyện Đắk Glong thời gian qua.
Cưỡng chế thu hồi đất, trồng lại rừng thông ven Quốc lộ 28 là một ưu tiên của huyện Đắk Glong thời gian qua.

Ông Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Nông, cho rằng quản lý bảo vệ rừng thông dọc các Quốc lộ nói riêng, các loại rừng nói chung không chỉ là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Cán bộ, đảng viên phải là người đi đầu. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên tại cơ sở cần có trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động, nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về quản lý bảo vệ rừng.

"Cán bộ, đảng viên thì trách nhiệm phải cao hơn, phải đi đầu trong tuyên truyền vận động nhân dân, nhất là người thân trong gia đình không được phá rừng, tích cực trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng. Nếu cán bộ, đảng viên hoặc người thân của cán bộ, đảng viên vi phạm thì cương quyết xử lý nghiêm theo quy định để giáo dục, răn đe," ông Lưu Văn Trung nhấn mạnh.

Để mất hơn 33ha rừng, doanh nghiệp bị buộc bồi thường gần 10,5 tỷ đồng

Cuối tháng 8/2024, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ký quyết định về việc giải quyết khiếu nại của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Nguyên Vũ và tiếp tục buộc công ty này phải bồi thường cho Nhà nước gần 10,5 tỷ đồng do đã để mất hơn 33ha rừng trồng.

Cuối năm 2015, đầu năm 2016, Công ty Nguyên Vũ được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông giao 162ha rừng, đất rừng để thực hiện dự án quản lý, bảo vệ rừng và sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp. Sau ba năm thực hiện dự án, đến cuối năm 2018, tổng diện tích rừng thông đã giao cho Công ty Nguyên Vũ bị mất, bị phá hơn 33ha.

Đến cuối năm 2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông quyết định thu hồi dự án và giao lại toàn bộ diện tích rừng, đất rừng nói trên cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý, bảo vệ.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông sau đó đã buộc Công ty Nguyên Vũ phải bồi thường cho Nhà nước gần 10,5 tỷ đồng do đã để hơn 33ha rừng bị tàn phá, lấn chiếm trong quá trình thực hiện dự án.

Công ty Nguyên Vũ sau đó đã có đơn khiếu nại, khẳng định vào tháng 01/2016, công ty đã nộp gần 5,8 tỷ đồng kèm theo bảng thống kê về quyền sở hữu rừng trồng nên toàn bộ rừng thông là tài sản của công ty. Do đó, công ty không có trách nhiệm bồi thường khi để mất một phần tài sản này.

Thêm nữa, Công ty Nguyên Vũ khẳng định trong quá trình thực hiện dự án, công ty đã lập nhiều biên bản về việc rừng thông bị phá và đã báo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Do đó, việc ngành chức năng tỉnh Đắk Nông quy trách nhiệm công ty làm mất hơn 33ha rừng trong quá trình thực hiện dự án là không đúng thực tế.

Tại quyết định giải quyết khiếu nại vừa được ban hành, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông khẳng định việc giao rừng cho Công ty Nguyên Vũ là để công ty này quản lý, bảo vệ và sản xuất kinh doanh rừng. Do đó, Công ty Nguyên Vũ không có quyền sở hữu, định đoạt rừng mà Nhà nước đã giao.

Việc để mất hơn 33ha rừng là do công ty chưa thực hiện công tác quản lý, bảo vệ hiệu quả và trách nhiệm thuộc về công ty. Việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông buộc Công ty Nguyên Vũ phải bồi thường cho Nhà nước gần 10,5 tỷ đồng là căn cứ theo quyết định về đơn giá rừng bình quân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được ban hành vào tháng 10/2013.

Theo các ngành chức năng huyện Đắk Glong, sau gần 6 năm kể từ thời điểm Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông thu hồi dự án của Công ty Nguyên Vũ, nhiều hệ lụy của dự án này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Mới đây nhất, ngày 27/8, Ủy ban Nhân dân xã Quảng Sơn đã tổ chức cưỡng chế nhiều trường hợp lấn, chiếm đất rừng ven Quốc lộ 28 với diện tích hơn 2,8ha.

Diện tích đất nêu trên nằm trong diện tích rừng, đất rừng đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông giao cho Công ty Nguyên Vũ quản lý, bảo vệ.

Theo Vietnam+

Có thể bạn quan tâm