|
Anh Thịnh trong sân chứa dược liệu sơ chế |
Lấy bằng cử nhân Quản trị kinh doanh Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, chàng trai người Xê Đăng Bền Chí Thịnh (Kon Tum) không xin việc ở các doanh nghiệp mà về quê khởi nghiệp với dược liệu rừng, thành lập hộ kinh doanh lấy tên KORA, doanh thu cả tỉ đồng.
Bền Chí Thịnh (31 tuổi), ở thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum có cha là người Xê Đăng ở xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà (Kon Tum), còn mẹ quê ở tận tỉnh Yên Bái. Lớn lên trong không gian thơm mùi đông y của gia đình, nhưng Thịnh lại chọn ngành kinh tế để học.
Bốn năm học đại học, Thịnh vừa học vừa làm, bao nhiêu cực khổ đã trải qua và tâm niệm khi ra trường sẽ tự mình kiếm việc làm ra tiền. Năm 2010, tốt nghiệp đại học, Thịnh về quê và xin vào làm ở một doanh nghiệp tư nhân TP Kon Tum vì muốn học cách kinh doanh, quản lý của họ để lấy kinh nghiệm cho mình về sau. Quả vậy, làm được thời gian ngắn, anh về nhà ở thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) mở quán bán đồ điện, thực phẩm.
Nguyên gia đình anh Thịnh có thu mua cây dược liệu bán cho thương lái chở ra các tỉnh phía Bắc và Trung Quốc, trong đó có cây thổ phục linh (còn gọi cây khúc khắc). “Người ta mua nhiều cây này để chế thuốc. Sao mình không làm?”, nghĩ vậy nên từ cuối năm 2014, anh Thịnh sơ chế cây thổ phục linh làm thuốc.
Ban đầu, anh thái cây ra từng lát mỏng, phơi khô và nấu nước để gia đình uống trước. Chỉ mấy tháng sau, bệnh đau xương khớp của ba mẹ bớt hẳn, anh Thịnh ngộ ra: phải kinh doanh cây thuốc này. Vì vậy, sau khi mua thổ phục linh về, anh cũng làm như cách trên đem đóng gói và dán thêm cách dùng thuốc, bán ra ngoài thị trường.
“Thời gian đầu, người dùng còn nghi hoặc nên tiêu thụ rất ít, bán chỉ được 3 triệu đồng/tháng. Sau này, em bán kèm mật ong rừng, cốt toái bổ theo thổ phục linh có khá hơn nhưng cả năm 2015 doanh thu cũng chỉ được 30 triệu đồng”, anh Thịnh kể. Đó là chưa tính số thổ phục linh và một số hàng dược phẩm khác mua của người dân bán ra không hết, vì chưa có kinh nghiệm bảo quản nên bị hỏng, mất không ít tiền. “Cuối năm phải tiêu hủy cả tạ dược liệu bị hỏng, tiếc lắm, nhưng bán hàng phải giữ chữ tín, không thể bán dược liệu hỏng được”, anh Thịnh chia sẻ.
|
Giới thiệu với các bạn trẻ địa phương về mô hình của mình |
Không nản chí, hàng ngày, anh Thịnh đi sâu vào các khu rừng để tìm dược liệu và mua từ bà con dân tộc thiểu số trực tiếp tìm hái trên núi rừng Ngọc Linh, Kon Plông. Sau thu mua, anh Thịnh bắt tay vào việc rửa sạch, sơ chế, sấy khô, đóng gói và đưa vào thị trường tiêu thụ. Chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng nên hiệu quả điều trị cao hơn, bạn hàng từ đó tin cậy nên có nhiều thêm.
Cuối năm 2016, doanh thu của anh Thịnh được 200 triệu đồng. “Lúc này, không chỉ thu mua, tôi còn tiến đến việc hợp tác với đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng trồng cây dược liệu, nhất là sâm dây (hồng đẳng sâm) và sâm Ngọc Linh”, anh Thịnh nói.
Không ngừng sáng tạo, anh Thịnh chế biến sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ GEL-WAX. Đây là loại tẩy lông tay, chân cho phụ nữ. Để có sản phẩm này, anh Thịnh mua mỡ trăn (trong cơ sở nuôi có phép của người dân), rồi dùng phương pháp tách mỡ ra, sau đó trộn mật ong rừng, đường, chanh trái chế biến thành sản phẩm. Ưu điểm của sản phẩm này là dùng không có tác dụng phụ; tẩy sạch lông không đau rát, tẩy tế bào chết, làm mịn da. Riêng mỡ trăn còn dùng để trị mụn, bôi vết thương ngoài da, trị nứt chân, tay, da khô, côn trùng cắn, trị viêm da…
|
Sản phẩm đóng gói chuẩn bị ra thị trường |
Đến nay, cơ sở đã phát triển sản xuất thành công 40 vị dược liệu rừng, gồm linh chi, nấm lim xanh, cốt toái bổ, thổ phục linh, sơn tra, chuối hột rừng, hồng đẳng sâm, vương tôn, hoàng ngọc, nhân trần, chè vằng, lạc tiên… Theo đó, anh Thịnh cũng đăng ký thương hiệu hộ kinh doanh KORA (lấy hai chữ đầu của tên huyện Kon Rẫy). “Năm 2017, doanh thu của cơ sở tôi đạt hơn 1 tỉ đồng. Còn năm 2018 này, quyết tâm đạt doanh thu 3 tỉ đồng”, anh Thịnh chia sẻ.
“Lớn thuyền thì lớn sóng”, anh Thịnh đầu tư phát triển kênh phân phối truyền thống đưa vào hệ thống thông tin quản lý kho, bán hàng, quản lý đơn hàng và dữ liệu khách hàng, đồng thời đầu tư 500 triệu đồng để trang bị hệ thống máy móc lò sấy, chế biến, nhà xưởng, sân phơi 2.000m2 theo quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo cho lực lượng lao động từ 8-10 người làm việc hàng ngày. “Tôi đang nghiên cứu các sản phẩm mứt, bánh, kẹo từ hồng đẳng sâm. Đây là sản phẩm tâm huyết sẽ xuất hiện thị trường ngày gần đây”, anh Thịnh hồ hởi cho biết. Hiện anh đã thu mua hồng đẳng sâm dây và liên kết với đồng bào Xê Đăng ở huyện Tu Mơ Rông sản xuất vùng dược liệu sâm này đến 100ha.
Hiện nay, có khoảng 30 đại lý ở nhiều tỉnh, thành thường xuyên đặt hàng của anh Thịnh như Gia Lai, Đăk Lăk, Hà Nội, TPHCM… Anh Nguyễn Văn Chiến, Phó bí thư huyện đoàn Kon Rẫy cho biết, tháng 5/2017, anh Thịnh được UBND huyện Kon Rẫy tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tỉnh đoàn Kon Tum cũng trao giải Ba cho dự án: “Hộ kinh doanh KORA” trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” Đoàn viên thanh niên tỉnh Kon Tum năm 2017. |
Phúc Nguyên (GD&TĐ